Bài liên quan
Sau vài tháng tranh cãi làm tốn không ít giấy mực của truyền thông, cuối cùng FBI đã tuyên bố không lôi Apple ra toà nữa vì họ đã tự mở được khoá iPhone. Kết quả này thoạt nhìn có vẻ như thắng lợi đã thuộc về Apple. Nhưng cái gì cũng có giá của nó.
Sự việc này đã ít nhiều được dự đoán từ trước và cũng là nút mở cho cả FBI lẫn Apple khi giải hóa được vụ kiện, làm nhiều người thở phào nhẹ nhõm vì đã không phải lao vào một cuộc chiến trường kỳ tại tòa án mà chưa chắc đã giải quyết được vấn đề gì cụ thể. Không những vậy, qua tuyên bố này FBI còn được coi là đã gián tiếp "giúp" Apple không phải đối đầu với người dùng và tiếp tục đóng vai trò "người tốt" trong việc bảo vệ dữ liệu khách hàng.
Tuy nhiên, điều mà nhiều người đặt dấu hỏi sau khi FBI tuyên bố giải mã được iPhone 5c chính là khả năng bảo mật của Apple khi mà hãng từng tuyên bố rằng bảo mật của iPhone là không thể phá vỡ, kể cả với nhân viên của Apple.
Lá bài "quyền công dân"
Không phải đến bây giờ mới có những vụ kiện xuất phát từ phía chính phủ đối với các công ty công nghệ lớn tại Mỹ. Trước đó, các đại gia Google, Microsoft... cũng từng đối mặt những vụ kiện tương tự. Trong các vụ kiện như vậy, có một điểm chung là các hãng đều nhân danh bảo vệ quyền riêng tư của công dân và tỏ ra cương quyết từ chối yêu cầu từ phía chính phủ.
Tuy nhiên, hẳn nhiều người còn nhớ trong phim tài liệu nổi tiếng Citizenfour (Quyền công dân) của đạo diễn Laura Poitras về cựu điệp viên CIA Edward Snowden cùng các nhà báo Glenn Greenwald, William Binney đã phơi bày bộ mặt "không đẹp đẽ" của chính phủ Mỹ khi thao túng các công ty lớn của nước này trong việc nghe và xem lén dữ liệu công dân trên toàn cầu, trong đó có nhiều chi tiết cho thấy các tập đoàn lớn "không vô tội" trong việc cho phép Mỹ giám sát thông tin cá nhân của người dùng và họ đã dùng đủ chiêu trò để qua mặt thường dân.
Sơ đồ thu thập dữ liệu từ các công ty và nhà mạng của chính phủ Mỹ, Apple không vô tội - Ảnh TheVerge dựa trên tiết lộ của Snowden.
Từ đó người ta có quyền hoài nghi việc Apple và FBI lôi nhau ra tòa chỉ là một vở kịch hoàn hảo. "Vở kịch" này sẽ cho người dân thấy họ được bảo vệ từ cả góc độ chính phủ (quyết lôi danh tính kẻ khủng bố ra ánh sáng) lẫn từ phía Apple (bảo vệ dữ liệu người dùng), cả hai đều được tiếng thơm. Trong khi thực tế FBI (và phía Bộ tư pháp Mỹ) chỉ cần đơn giản âm thầm mang chiếc iPhone 5c kia tới văn phòng của Apple kèm một công văn yêu cầu từ Bộ tư pháp trong việc hỗ trợ giải mã để lấy dữ liệu liên quan tới khủng bố là đủ. Vấn đề là cả hai đều đã làm ầm ĩ lên một cách không cần thiết và tỏ ra "minh bạch" một cách bất thường.
Khi FBI tuyên bố đã bẻ khóa thành công và thoạt tiên, người ta nghĩ rằng đây là một cái kết đột ngột có hậu dù vụ việc diễn ra kịch tính. FBI được coi là đã làm hết trách nhiệm để truy cứu khủng bố (bằng nỗ lực bẻ khóa chiếc iPhone 5c của nghi phạm) và Apple cũng không mang tiếng là "bán rẻ" người dùng.
Nỗi lo sợ khủng bố khiến kết quả trong một cuộc khảo sát gần đây, số người ủng hộ FBI cao hơn Apple
Apple thắng, nhưng mất mát không thể bù đắp
Rõ ràng, nếu xét trên bình diện chung trong cuộc đối đầu với FBI này, Apple đã giành phần thắng vì FBI đã không buộc được Apple làm theo ý của họ. Tuy nhiên, Apple có những mất mát mà rất nhiều người đã nhận ra: Danh tiếng!
Rõ ràng là Apple luôn tự hào về khả năng bảo mật thiết bị của mình. Những năm gần đây, Apple tuyên bố các kỹ sư của họ làm việc cật lực để thiết kế phần mềm không thể bị hack, xâm nhập. Thậm chí, có hẳn phân tích tại sao ngay cả kỹ sư của Apple cũng không mở khoá được iPhone.
Vậy mà FBI tuyên bố họ đã mở được khoá iPhone!
Ngay lập tức, nhiều người tỏ ra thất vọng với Apple vì thông tin này. Một độc giả Mỹ than thở trên fanpage của hãng tin Bloomberg: "Xin lỗi Apple, giờ đây hãng đã đánh mất niềm tự hào của mình rồi, hay là vẫn còn giữ khư khư mấy chính sách vớ vẩn kia? Rõ ràng là công ty đã có thể giải mã giúp FBI thay vì để họ (FBI) tự làm. Giờ thì FBI chẳng còn cần đến sự giúp đỡ của hãng nữa và tôi đoán rằng cửa hậu đã được mở".
Một độc giả khác bình luận, "có vẻ như Edward Snowden đã đúng 100%, nếu bạn thực sự nghĩ rằng FBI phải cần tới sự 'giúp đỡ' của Apple để thâm nhập vào thiết bị thì bạn cũng bị dắt mũi như bao nhiêu người ngây thơ khác trên thế giới này rồi. Chính phủ Mỹ rõ ràng chỉ coi đây là một cái cớ để cố gắng đạt được một thỏa thuận mang tính tiền lệ (công khai) đối với Apple và các gã khổng lồ công nghệ khác cho mục đích giám sát lâu dài của họ".
Như vậy, có thể nói trong vụ việc này cả Apple và FBI đều cố gắng đóng vai trò "chính nghĩa" dựa trên danh nghĩa quyền công dân và bảo vệ công dân để theo đuổi lợi ích, mục đích riêng của mình. Nhưng khi Apple và FBI đều phải ít nhiều bị tổn thương sau vở kịch này, FBI thì bị hoài nghi về việc tiếp tục duy trì chính sách theo dõi người dân bằng mọi cách trong khi Apple sẽ bị coi là yếu kém về bảo mật khi iPhone 5c đã bị bẻ khóa công khai đến... bẽ mặt.
Trong kinh doanh, lòng kiêu hãnh là thứ mà Apple dùng để "bán" cho khách hàng khi tự hào rằng điện thoại của họ sử dụng hệ sinh thái khép kín và không thể hack hay nghe lén, trong khi thực tế đã chứng minh ngược lại và chắc hãng sẽ phải đối mặt với tổn thương lòng tin của người tiêu dùng sau vụ việc này. Ngay lúc FBI tuyên bố đã bẻ khóa thành công iPhone 5c cũng là khi mà chiếc chìa khóa kiên cố về lòng kiêu hãnh và niềm tin của Apple dành cho khách hàng trung thành của hãng đã bị sứt mẻ.
Theo Vnreview
Post a Comment