Bài liên quan
Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam không đăng ký ngành nghề kinh doanh nào liên quan đến hoạt động của sàn giao dịch Bitcoin. Việc kinh doanh sàn giao dịch Bitcoin là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Vậy có nên xử phạt Công ty TNHH Bitcoin hay không?
Như ICTnews đã đưa tin, mới đây Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam chính thức ra mắt sàn giao dịch Bitcoin mặc dù Ngân hàng Nhà nước cũng như Cục Thương mại điện tử và CNTT - Bộ Công Thương đều đã thông báo rằng không công nhận tính pháp lý của tiền ảo Bitcoin và cảnh báo nguy cơ rủi ro về pháp lý cho những người liên quan. Đến giờ, vụ việc vẫn đang được dư luận quan tâm bàn luận với nhiều quan điểm trái chiều nhau.
ICTnews đã trao đổi với luật sư Phạm Thành Long đến từ Văn phòng Luật gia Phạm để tìm hiểu một góc nhìn khác về vụ việc trên.
Có ý kiến cho rằng ở Việt Nam không có quy định nào cấm kinh doanh Bitcoin và Công ty TNHH Bitcoin đang kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Đúng là theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 9 Luật Doanh nghiệp cũng quy định doanh nghiệp có nghĩa vụ hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật khi kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này được hiểu là doanh nghiệp không được kinh doanh những ngành nghề kinh doanh chưa đăng ký, chưa được ghi nhận trong đăng ký kinh doanh.
Theo tôi được biết thì hiện tại Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam đăng ký kinh doanh những ngành nghề sau: Đại lý, môi giới, đấu giá; Bán buôn đồ dùng khác cho gia đình; Bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm; Hoạt động dịch vụ CNTT và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính; Quảng cáo; Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu; Bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm và thiết bị viễn thông trong các cửa hàng chuyên doanh; Bán lẻ thiết bị nghe nhìn trong các cửa hàng chuyên doanh; Bán lẻ đồ điện gia dụng, giường, tủ, bàn, ghế và đồ nội thất tương tự, đèn và bộ đèn điện, đồ dùng gia đình khác chưa được phân vào đâu trong các cửa hàng chuyên doanh; Bán lẻ hàng may mặc, giày dép, hàng da và giả da trong các cửa hàng chuyên doanh; Bán lẻ hàng hóa khác mới trong các cửa hàng chuyên doanh.
Như vậy, Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam không đăng ký ngành nghề kinh doanh nào liên quan đến hoạt động của sàn giao dịch Bitcoin.
Mặt khác, theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 4 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về các hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử thì một trong các hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử là cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử khi chưa đăng ký hoặc chưa được cấp phép theo các quy định của Nghị định này.
Vì vậy, có thể xác định hoạt động kinh doanh Bitcoin tại thời điểm hiện tại là chưa được pháp luật thừa nhận.
Luật sư Phạm Thành Long. Ảnh: Internet.
|
Nếu coi Bitcoin là công cụ thanh toán thì tại Việt Nam đang có những quy định thế nào?
Nếu coi Bitcoin là tiền thì nó không được phép lưu hành tại Việt Nam. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2010, tại Việt Nam chỉ có tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành mới là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, còn tiền Bitcoin chưa được phép lưu hành.
Nếu coi Bitcoin là hàng hóa thì tại Khoản 3 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2005 về ngành, nghề và điều kiện kinh doanh đã có quy định “cấm hoạt động kinh doanh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khỏe của nhân dân, làm hủy hoại tài nguyên, phá hủy môi trường…”. Giao dịch Bitcoin tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiện tại nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân. Do vậy, đây cũng có thể là một cơ sở để Bitcoin chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận.
Chúng ta đều thấy Bitcoin là một lĩnh vực mới, cần nghiên cứu kỹ trước khi cho phép giao dịch như một đồng tiền hợp pháp tại Việt Nam. Một khi vẫn đang ở mức nghiên cứu thì không nên chính thức ra mắt hoạt động sàn giao dịch bởi sẽ có thể gây hiểu lầm là đồng tiền ảo này đã được pháp luật công nhận, đến khi có sự cố rủi ro gây mất mát tài sản của những người tham gia thì khó có cơ sở pháp lý để xử lý. Ông có nghĩ như vậy không?
Như tôi đã phân tích ở trên, việc kinh doanh sàn giao dịch Bitcoin là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Chúng ta nên quan tâm xem có nên xử phạt Công ty TNHH Bitcoin hay không; vì sao đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng vẫn chấp nhận để cho công ty này hoạt động kinh doanh lĩnh vực trên.
Theo tôi được biết thì hiện tại, một số nước trên thế giới đã chấp thuận cho hoạt động giao dịch Bitcoin tồn tại. Nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, ở Việt Nam, cũng giống như đa cấp, giao dịch Bitcoin rất có khả năng bị đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi. Đặc biệt khi những thông tin về Bitcoin còn nhiều hạn chế. Vì thế, cần thiết phải có hành lang pháp lý phù hợp trước khi chấp thuận cho kinh doanh loại hình này.
Theo ông, có quá khó để xây dựng hành lang pháp lý phù hợp cho hoạt động giao dịch Bitcoin hay không?
Để xây dựng hành lang pháp lý cho loại hình kinh doanh này, cần thiết phải hiểu được bản chất của Bitcoin trên thực tế. Cụ thể như Bitcoin là gì? Nguồn gốc hình thành Bitcoin ra sao? Các hình thức giao dịch Bitcoin như thế nào? Tính an toàn, bảo mật? Tính thanh khoản? Tác động của Bitcoin đến thị trường tiền tệ và nền kinh tế.
Việc xây dựng hành lang pháp lý cho phù hợp với giao dịch Bitcoin theo tôi là không khó. Tuy nhiên, làm thế nào để pháp luật vừa điều chỉnh chặt chẽ hoạt động này, ngăn chặn những hành vi phạm tội kéo theo (tiêu biểu là rửa tiền, buôn lậu…) vừa tạo điều kiện để các doanh nghiệp và người dân có thêm một kênh đầu tư an toàn và hiệu quả là cả một vấn đề mà không thể sớm giải quyết trong ngày một ngày hai.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Mai (Thực hiện)
Post a Comment