Bài liên quan
Cuộc bạo loạn ở thị trấn Ferguson hiện đang là rắc rối liên quan đến nhân quyền lớn nhất xảy ra ở Hoa Kỳ. Nhưng có vẻ vụ việc này đang dần lắng xuống, và khi đó dư luận sẽ nhường sự quan tâm của mình cho một vấn đề mới mà cũ – quyền riêng tư của người dùng di động tại Mỹ.
Tờ Tacoma News Tribune vừa cho hay, cảnh sát ở thành phố Tacoma thuộc tiểu bang Washington, Hoa kỳ đã mua – và có lẽ là đã âm thầm sử dụng – một loại thiết bị giám sát có thể thu được mọi cuộc gọi, tin nhắn di động và các dữ liệu được truyền đi trong vòng bán kính 800m xung quanh nó.
Được biết đến với cái tên Stingray và được sản xuất bởi công ty Harris – một nhà thầu của Lầu Năm Góc có trụ sở ở Melbourne, Florida – thiết bị này đủ nhỏ để có thể đặt trong một chiếc ô tô. Nó làm cho các máy điện thoại di động nghĩ rằng mình là một cột phát sóng để từ đó thu thập dữ liệu từ những chiếc điện thoại này. Theo tờ Tacoma News Tribune, các nguồn tài trợ từ chính phủ Hoa Kỳ, trong đó một phần tới từ Bộ An ninh Nội địa Mỹ, đã được sử dụng để mua những thiết bị giám sát này.
Việc ứng dụng công nghệ giám sát đang lan tỏa khắp nước Mỹ. Theo tổ chức Hiệp hội Dân quyền Hoa Kỳ (American Civil Liberties Union – ACLU), hiện có hơn 40 cơ quan thực thi pháp luật ở 17 bang của nước này có sử dụng các thiết bị tương tự Stingray. Chúng được gọi với cái tên "cell site simulators" hay "IMSI catchers". Tại thành phố Oakland, bang California, Stingray thậm chí đã được sử dụng từ năm 2007 – tổ chức này cho biết.
Cách thức hoạt động của Stingray
Từ nhiều năm nay, các tổ chức nhân quyền đã cảnh báo về khả năng lạm dụng các thiết bị giám sát điện thoại di động của chính phủ Hoa Kỳ. Họ lo sợ những máy móc đó có thể thu thập thông tin về người ngoài cuộc bên cạnh các thông tin về nghi phạm. "Nó giống như việc đạp cửa xông vào từng ngôi nhà để lục soát chỉ bởi vì họ không biết chính xác kẻ xấu đang ở đâu" – theo Chris Soghoian, kỹ thuật viên chính của ACLU.
Cơ quan cảnh sát ở thành phố Tacoma đã từ chối trả lời phỏng vấn theo yêu cầu của báo giới và cho biết họ sẽ sớm đưa ra thông báo về vấn đề này trong thời gian tới. Trong khi đó, các cơ quan thực thi pháp luật địa phương đã bào chữa cho việc sử dụng Stingray bằng cách nói rằng họ đã nhận được lệnh của tòa để theo dõi những cá nhân nhất định.
Vậy thì liệu có còn sự riêng tư nào cho người dùng di động ở Mỹ? Theo tổ chức Electronic Frontier Foundation (EFF), thì câu trả lời có lẽ là không, bởi những công nghệ như thế này có thể theo dõi điện thoại di động kể cả khi không có cuộc gọi hay đã máy đã tắt. Và họ kết luận: cách duy nhất để ta có thể tránh bị theo dõi là tháo pin điện thoại của mình ra, hoặc là để điện thoại ở nhà.
Anh Minh
Theo Business Week, Vnreview
Post a Comment