Bài liên quan
ICTnews – Đặt mật khẩu đủ mạnh, xác thực hai bước, luôn cập nhật phần mềm mới nhất… là vài biện pháp tự bảo vệ trước các mối đe dọa trên Internet.
Trong vòng 2 tháng qua, Microsoft, AOL và eBay đã trở thành nạn nhân của tin tặc. Đó là chưa kể đến lỗ hổng Heartbleed nguy hiểm nhất vừa bị phát hiện thời gian gần đây, đe dọa đến gần như toàn bộ thế giới mạng.
Để có thể tự bảo vệ cuộc sống trên mạng trước các nguy cơ tấn công này, tốt nhất bạn nên thay đổi thói quen sử dụng Internet, bắt đầu từ các mẹo sau đây.
Đảm bảo mật khẩu đủ mạnh. Nói cách khác, mật khẩu của bạn phải là khó đoán. Một cách để tạo ra mật khẩu mạnh là nghĩ ra một câu trái mọi quy tắc hoặc ghép chữ cái của từng từ trong một câu.
Không dùng chung mật khẩu cho nhiều dịch vụ. Điều này khiến bạn gặp nguy hiểm khi tin tặc có trong tay thông tin đăng nhập một dịch vụ nào đó của bạn.
Kích hoạt xác minh hai bước. Nhiều dịch vụ như Google cung cấp xác minh hai bước khi đăng nhập tài khoản. Thay vì chỉ nhập tên người dùng và mật khẩu, website yêu cầu bạn phải nhập thêm một mã nữa do nhà cung cấp gửi đến smartphone để xác minh danh tính.
Cập nhật phần mềm ngay khi có thể. Apple, Google, Microsoft thường tung bản vá bảo mật trong các bản cập nhật phần mềm mới nhất. Vì thế, đừng bỏ qua chúng mà hãy luôn đảm bảo phần mềm của mình là phiên bản mới nhất.
Nhiều ứng dụng độc hại làm rò rỉ thông tin cá nhân người dùng
|
Đọc kỹ điều khoản sử dụng trước khi cài đặt ứng dụng. Ứng dụng là một trong những con đường hacker truy cập thông tin cá nhân của người dùng. Nhiều phần mềm dù có chức năng đơn giản song lại đòi xem một danh sách thông tin dài dằng dặc như danh bạ, địa điểm, máy ảnh điện thoại.
Kiểm tra nhà phát triển ứng dụng. Có nhiều kẻ lừa đảo đẩy ứng dụng mạo danh một ứng dụng nổi tiếng khác lên Google Play. Ví dụ, cuối năm 2012, game “Temple Run” xuất hiện trong kho ứng dụng này song khi xem nhà phát triển lại là “apkdeveloper” mà không phải Imangi Studios.
Tránh cắm USB, ổ cứng ngoài không đáng tin vào máy tính. Nếu tìm thấy một USB lạ, đừng cắm chúng ngay vào máy. Một số đã cài sẵn mã độc vào với hy vọng con mồi bất cẩn mắc bẫy và kết nối với máy tính.
Hạn chế gửi thông tin cá nhân qua email. Gửi các thông tin quan trọng như thẻ tín dụng, số tài khoản ngân hàng có thể bị hacker xem trộm hoặc bị lộ trong các vụ tấn công mạng.
Đảm bảo website an toàn trước khi nhập thông tin cá nhân. Nếu biểu tượng khóa có mặt trên thanh URL và địa chỉ web bắt đầu bằng tiền tố https://, bạn có thể an tâm nhập thông tin nhạy cảm.
Để mắt tới các chiêu trò lừa đảo. Một hình thức lừa đảo phổ biến là email hay website giả mạo, cho phép hacker cài mã độc vào máy tính của bạn. Chúng được thiết kế như email hay website bình thường để lừa nạn nhân nhập thông tin cá nhân. Các loại này dễ nhận biết vì thường chứa lỗi chính tả và ngữ pháp.
Email lừa đảo có lỗi chính tả, đính kèm liên kết, giả danh công ty lớn
|
Tránh đăng nhập tài khoản quan trọng trên máy tính công cộng. Khi phải dùng máy tính tại điểm truy cập Internet, quán café, thư viện, bạn không nên truy cập vào những dịch vụ quan trọng. Nếu bắt buộc phải làm, hãy xóa mọi lịch sử duyệt web trước khi rời đi.
Sao lưu tập tin cá nhân thường xuyên. Bạn nên giữ một bản sao chép mọi tập tin quan trọng trên đám mây hoặc trong ổ cứng đề phòng khi bị hacker tấn công hay vô tình xóa mất.
Du Lam (Theo BI)
Post a Comment