Bài liên quan
Ngày 24/3, Mỹ đã cáo buộc 7 công dân Iran thực hiện các tấn công vào hệ thống máy tính của hàng chục ngân hàng tại nước này và âm mưu xâm nhập hệ điều hành một đập ở thành phố New York, gây thiệt hại hàng triệu USD. Chính phủ Iran vẫn chưa có bình luận liên quan đến vụ việc này.
Trong bản cáo trạng của một bồi thẩm đoàn của thành phố New York do Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch công bố, 7 công dân Iran này bị cáo buộc thực hiện các vụ tấn công mạng từ năm 2011 đến năm 2013 nhằm hệ thống máy tính của gần 50 ngân hàng và các thể chế tài chính của Mỹ.
Trong đó, nhiều tập đoàn danh tiếng cũng là mục tiêu tấn công như JPMorgan Chase, Bank of America, Wells Fargo và American Express, hay AT&T.
Bộ trưởng Lynch cho hay các đợt xâm nhập mạng diễn ra một cách có hệ thống, ở quy mô lớn và liên tục hàng tuần dưới chiêu thức tấn công từ chối dịch vụ.
Bản cáo trạng chỉ rõ những công dân này sống tại Iran và làm việc cho hai công ty an ninh mạng tại Iran là ITSec Team và Mersad Co.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, hai công ty này được cho là có liên hệ với chính phủ Iran và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran. Ước tính, thiệt hại mà các đợt tấn công mạng gây ra cho hệ thống máy tính của các ngân hàng Mỹ vào khoảng 10 triệu USD.
Cũng trong bản cáo trạng này, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc một trong 7 công dân Iran trên âm mưu tấn công vào hệ thống điều hành đập Bowman Avenue tại Rye, New York.
Theo cáo trạng, Hamid Firoozi đã cố gắng thâm nhập vào hệ thống máy tính quản lý con đập trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9/2013, tuy nhiên nỗ lực này bất thành do các cửa đập đã được ngắt kết nối để bảo trì. Chi phí khắc phục thiệt hại do vụ này gây ra là hơn 30.000 USD.
Bộ trưởng Lynch nhấn mạnh đập Bowman Avenue là cơ sở hạ tầng trọng yếu, nằm cách phía Bắc Manhattan 50 km. Một khi bị tấn công, các tin tặc có thể điều chỉnh lượng nước xả ra, mực nước trong hồ chứa, đe dọa đến an ninh cũng như sức khỏe của người Mỹ.
Vụ việc này đặt ra thách thức mới cho các cơ quan chức năng Mỹ trong việc nâng cao an ninh mạng tại các cơ sở hạ tầng quan trọng, có liên quan mật thiết đến sự an toàn của người dân Mỹ.
Sau khi Iran và Nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) ký thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran, chính quyền Mỹ hồi tháng 1/2016 đã nới lỏng nhiều hạn chế đầu tư, kinh doanh với Iran. Tuy nhiên, Washington vẫn duy trì những biện pháp trừng phạt Iran có liên quan đến những cáo buộc mà Mỹ cho là "ủng hộ khủng bố" và các hạn chế này ngăn cản nhiều doanh nghiệp Mỹ làm ăn với Iran.
Trước đó, cùng ngày Bộ Tài chính Mỹ cũng quyết định áp đặt lệnh trừng phạt phạt 2 cá nhân và 2 doanh nghiệp do hỗ trợ chương trình tên lửa đạn đạo của Iran./.
Theo Vietnam +
Post a Comment