Bài liên quan
Bạn đã bao giờ muốn thử dùng Photoshop để đưa khuôn mặt của bạn vào tờ 100 USD chưa? Điều này hoàn toàn không giống như việc bạn cắt ghép ảnh rồi chỉnh sửa màu sắc là xong. Nói đúng hơn, điều này hoàn toàn không thể làm được.
Phần mềm Photoshop ứng dụng chức năng nhận dạng hàng giả Counterfeit Detection System. Cụ thể hơn, Photoshop được thiết kế để làm những công việc chính xác như những gì nó đang làm: nghĩa là chỉnh sửa các nội dung, hình ảnh “mở”, đồng thời từ chối thay đổi các nội dụng “nhạy cảm”, được cho là bất hợp pháp. Mục đích là gây khó khăn cho những kẻ xấu muốn sản xuất tiền giả bằng máy tính.
Tuy nhiên, dù ngăn chặn được một số loại tiền, song vẫn có những loại tiền có thể bị photoshop. Đúng như Jillian Steinhauer, một nhà văn và là nhà biên tập ở Brooklyn, New York, đã kiểm tra một số loại tiền khác nhau và đăng tải trên diễn đàn hyperallergic.com. Theo đó, tờ tiền 100 USD của Mỹ, tờ 5 bảng của Anh và tờ 500 bảng của Anh đều là những mẫu tiền “chuẩn”, không thể tải trên Photoshop.
Photoshop có chức năng Counterfeit Detection System từ hơn một thập kỷ nay. Hồi năm 2004, Adobe đã bổ sung các biện pháp chống hàng giả vào Photoshop sau khi nhận được lời đề nghị của các ngân hàng trung ương khắp toàn cầu. Theo đó, kể từ Photoshop CS 8.0, chức năng Counterfeit Detection System đã được ứng dụng. Adobe không phải là công ty duy nhất tuân thủ chức năng chống hàng giả này. Hãng JASC cũng đã bổ sung hệ thống phát hiện hàng giả Counterfeit Detection System vào chương trình Paintshop Pro và Ulead cũng đã xây dựng chức năng này cho Photoimpact.
Khi cố thử photoshop các tờ tiền, sẽ nhận được thông báo sau:
Click vào nút “Information”, bạn sẽ được dẫn thẳng vào trang web Chống hàng giả của Ngân hàng Trung ương, cụ thể là trang có tên “Banknotes & Counterfeit Deterrence”, với các khuyến cáo như: “Mỗi quốc gia đều có hệ thống luật pháp riêng quy định về việc tái sản xuất hình ảnh các đồng tiền. Làm giả tiền là một tội ác, và dù luật pháp mỗi nước khác nhau, thì ở một số nước, bất kỳ hành vi làm giả tiền nào – dù với lý do quảng cáo hay mỹ thuật – đều bị nghiêm cấm. Một số quốc gia còn hạn chế sử dụng hình ảnh các tờ tiền”.
Theo một diễn đàn về Photoshop, chức năng Counterfeit Detection System (CDS) được tích hợp trong Photoshop nhằm ngăn ngừa mọi hành vi nhân bản, sao chép tiền, hình ảnh đồng tiền bất hợp pháp. CDS do một nhóm các ngân hàng trung ương trên thế giới tạo ra. Như trên đã nói, không chỉ chương trình Photoshop, mà các nhà sản xuất phần cứng, phần mềm khác trên thế giới đều tích hợp CDS vào sản phẩm của họ, để ngăn ngừa hành vi sử dụng các công nghệ số trong việc làm giả tiền. Không chỉ có các chương trình xử lý ảnh mới có chức năng chống hàng giả này, mà hầu hết các máy copy màu trên thị trường cũng tích hợp cơ chế chống hàng giả, không cho phép bạn copy các tờ tiền.
Theo giải thích, việc thực hiện chức năng CDS nhằm ngăn chặn scan tiền. Để được sử dụng hợp pháp hình ảnh các tờ tiền này, bạn phải nhận được sự cho phép của Cục Khắc và In của Mỹ hoặc các cơ quan chức năng tương đương ở các nước khác.
Tuy nhiên, theo Jillian Steinhauer viết trên diễn đàn hyperallergic.com, điều buồn cười là chức năng CDS trên Photoshop không phải lúc nào cũng hiệu quả. Bởi vì kết quả thử nghiệm cho thấy, dù tờ 100 USD không thể tải trên Photoshop, nhưng nhiều tờ tiền của Mỹ như tờ 1 USD, tờ 5 USD, 10 USD, 20 USD và 50 USD cũng như một số tờ tiền nhân dân tệ Trung Quốc và tiền rand của Nam Phi lại có thể tải trên photoshop. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là tải được hình ảnh các tờ tiền này lên Photoshop là sẽ ngay lập tức làm ra được những đồng tiền giả dễ dàng.
Theo ICTNews
Post a Comment