Bài liên quan

Gây tổn thất hàng chục tỷ USD, ảnh hưởng đến an ninh mạng, tự do Internet… là cái giá quá đắt mà nước Mỹ phải trả do bê bối NSA nghe lén đem lại.

Năm 2013, tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden về chương trình nghe lén và do thám điện tử của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) gây chấn động toàn thế giới. Không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ, vụ bê bối còn đe dọa đến uy tín của chính phủ Mỹ cũng như an nguy của thế giới Internet.
Theo báo cáo mới nhất từ Viện Công nghệ mở của tổ chức New America Foundation, NSA và các bên liên quan – Nhà Trắng, Bộ Tư Pháp, nhà hành pháp – đã không lường trước được cái giá phải trả từ hoạt động này. Danielle Kehl, chuyên gia chính sách kiêm tác giả chính của báo cáo, nhận định: “Nếu nhìn sâu hơn, câu chuyện chính xác hơn là chúng ta đang đánh đổi không chỉ quyền riêng tư mà còn cả ngành công nghệ Mỹ, sự mở cửa của Internet, chính sách ngoại giao của Mỹ và an ninh mạng”.
Những gì mà “kẻ phản bội” Edward Snowden tiết lộ vượt xa giới hạn chấp nhận của cái gọi là hoạt động tình báo. Chúng bao gồm việc xâm nhập vào mạng lưới quản trị máy tính của hãng viễn thông Bỉ để phá hoại; hợp tác với các doanh nghiệp để cài cửa hậu (backdoor) vào sản phẩm, hạ tầng hoặc bày mưu bẻ khóa; can thiệp vào sản phẩm của công ty Mỹ để cài đặt công cụ gián điệp trước khi đến tay khách hàng nước ngoài.
Báo cáo của New America Foundation tập trung vào 3 tổn thất nặng nề nhất: kinh tế, an ninh mạng và uy tín của chính phủ Mỹ.
NSA nghe lén, scandal nghe lén, do thám điện tử, Mỹ nghe lén Đức
Biểu ngữ phản đối NSA theo dõi người dùng Internet
Công nghệ Mỹ khốn đốn
Rất khó để ước tính thiệt hại kinh tế vì không thể xác định sự sụt giảm của một công ty có phải hoàn toàn do NSA hay không. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng rõ ràng hơn, như trường hợp chính phủ Đức chỉ ra chương trình do thám của NSA là nguyên nhân hủy hợp đồng mạng với nhà mạng Verizon (Mỹ).
Đức không phải bên duy nhất đưa ra quyết định kinh doanh dựa vào NSA. Brazil cũng cắt hợp đồng trị giá 5,4 tỷ USD với hãng máy bay Boeing và chọn Saab để thay thế. Theo nguồn tin của hãng tin tài chính Bloomberg, “NSA đã hủy hoại” thương vụ này.
Công ty điện toán đám mây Mỹ cũng phải đối mặt với áp lực từ người dùng lẫn khách hàng doanh nghiệp vì lo ngại không an toàn. Dropbox, Amazon gần đây đánh mất hợp đồng vào tay các đối thủ ngoại như Artmotion, một nhà cung cấp đến từ Thụy Sỹ. Tổng Giám đốc Artmotion thừa nhận chỉ trong vòng 1 tháng sau khi tin tức về NSA tràn lan, công ty đã tăng trưởng 45%. Trong khi đó, trong khảo sát 300 doanh nghiệp Anh và Canada đầu năm 2014, 25% cho biết đang chuyển dữ liệu ra khỏi Mỹ vì NSA.
Quỹ Đổi mới và CNTT ước tính hậu quả từ bê bối nghe lén có thể khiến ngành điện toán đám mây của Mỹ thiệt hại từ 22 đến 35 tỷ USD trong các năm tới. Nó có ảnh hưởng dài hạn không hay khách hàng có quay lại với công ty Mỹ khi mọi chuyện lùi vào dĩ vãng không là điều khó nói trước.
Song, Thủ tướng Đức Angela Merkel từng đề nghị châu Âu xây dựng mạng lưới độc lập để giữ dữ liệu bên trong khu vực, ngăn chúng bị chuyển ra bên ngoài. Đức cũng đưa ra luật dữ liệu mới, cấm mọi công ty tham gia ký kết hợp đồng liên bang nếu không đảm bảo bảo vệ dữ liệu trước con mắt soi mói của chính phủ ngoại quốc. Các chính sách này cùng thay đổi trong hạ tầng chắc chắn còn tồn tại lâu dài về sau.
An ninh mạng suy giảm giá trị
Trong số các bí mật được công khai, động trời nhất có lẽ là chiến dịch phá hủy mã hóa, cài cửa hậu trong phần cứng, phần mềm và chất đống lỗ hổng zero-day của NSA.
Trong ghi chép từ năm 2010, đối tác của NSA tại Anh viết: “Trong thập kỷ qua, NSA dẫn dầu nỗ lực đa phương để phá vỡ các công nghệ mã hóa Internet đang sử dụng rộng rãi”. Báo cáo từ Pro Publica còn tiết lộ NSA “tích cực tham gia vào ngành CNTT Mỹ và nước ngoài để ngấm ngầm gây ảnh hưởng và/hoặc công khai tận dụng thiết kế sản phẩm thương mại của họ” để thuận lợi hơn khi thu thập và khai thác dữ liệu.  
NSA với sự trợ giúp từ CIA và FBI còn đột nhập vào bộ định tuyến của các hãng như Cisco để cài công cụ gián điệp trước khi bán cho khách hàng, càng làm xói mòn lòng tin vào doanh nghiệp Mỹ. Phó Chủ tịch Cisco, Mark Chandler, viết trên blog rằng ông và công ty có quyền trông cậy vào việc chính phủ không gây trở ngại đến sản phẩm. “Làm điều gì khác và vi phạm quyền riêng tư của mỗi cá nhân, tổ chức trên thế giới sẽ làm suy yếu sự tin tưởng vào ngành công nghiệp của chúng ta”.
Tất cả các hành động kể trên đều đi ngược lại với mục tiêu mà chính quyền Obama đặt ra trong đảm bảo an ninh Internet, cơ sở hạ tầng quan trọng. Cài cửa hậu và lỗ hổng vào hệ thống không chỉ cho phép NSA khai thác mà còn làm chúng dễ bị tổn thương hơn trước các đợt tấn công từ tin tặc và chính phủ khác.
Suy yếu tự do Internet
Cuối cùng, hoạt động gián điệp của NSA làm ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ trong ủng hộ tự do Internet trên khắp thế giới cũng như những gì đã làm được trong quá trình đấu tranh chống lại sự kiểm duyệt và cưỡng chế Internet.
Trong bài diễn văn ủng hộ tự do Internet năm 2010, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton từng phát biểu: “Là nơi khai sinh những công nghệ này, bao gồm cả Internet, chúng ta có trách nhiệm đảm bảo chúng được dùng với mục đích tốt đẹp”. Tuy nhiên, NSA đã đi ngược lại khi vừa khuyến khích tự do, ngăn chặn kiểm duyệt, vừa ủng hộ luật nội địa cho phép theo dõi và thu thập dữ liệu lớn.
Thái độ đạo đức giả của Mỹ mở ra cánh cửa cho đối phương đặt ra câu hỏi về vai trò của nước này trong cơ quan quản lý Internet, đồng thời phản bác lại họ cũng có quyền kiểm soát Internet. Tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tháng 9/2013, một đại biểu Pakistan, thay mặt cho Cuba, Iran, Trung Quốc và các nước khác, cho rằng chương trình gián điệp nhấn mạnh nhu cầu phải cưỡng chế Internet nhiều hơn.
Báo cáo của New America Foundation đưa ra một số giải pháp cho những vấn đề mà bê bối nghe lén, theo dõi của NSA đem lại. Chúng bao gồm củng cố biện pháp bảo vệ quyền riêng tư cho người Mỹ lẫn người nước ngoài, phát triển chính sách rõ ràng hơn về tính hợp pháp của chính phủ khi bí mật cài đặt mã độc vào máy tính hay hệ thống, nỗ lực hơn để khôi phục tiêu chuẩn và hệ thống mã hóa.
Theo ICTNews

Post a Comment

 
Top

Nhận xét mới đăng tải!

Loading…
X