Bài liên quan
Mỗi khi thế hệ iPhone mới được ra mắt, số lượng người dùng phiên bản cũ than vãn rằng thiết bị của họ bị chậm đi lại tăng lên.
Bài viết của giáo sư kinh tế Sendhil Mullainathan trường Harvard đăng trên báo Mỹ New York Times mới đây về nội dung nghiên cứu của một học trò thực hiện đang gây sự chú ý. Bởi nó đưa ra các giả thuyết củng cố cho nghi ngờ từ lâu rằng Apple làm các model iPhone cũ chạy chậm đi để khuyến khích người dùng mua model mới phát hành.
Theo giáo sư Mullainathan, từ lời than phiền mang tính cá nhân của ông trên lớp, Laura Trucco, một người học trò đã đi tìm hiểu số lần từ khóa "iPhone slow" (tạm dịch: iPhone chậm) được sử dụng trên dịch vụ tìm kiếm Google. Thông qua công cụ Google Trends, kết quả cho thấy mỗi lần mẫu iPhone mới được lên kệ, số lượt tìm kiếm Google bằng từ khóa này lại tăng mạnh.
Bảng theo dõi số lượt tìm kiếm Google với từ khóa "iPhone slow"
Điều này diễn ra khi iPhone mới được đến tay khách hàng chứ không phải khi được Apple công bố, vì thế nó bắt nguồn từ quá trình sử dụng thực tế thay vì tâm lý đang dùng đồ cũ của người dùng.
Để so sánh, tác giả nghiên cứu cũng kiểm nghiệm xem từ khóa "Chậm" tác động như thế nào với việc ra mắt sản phẩm mới của Samsung với từ khóa "Samsung Galaxy slow". Kết quả là cụm từ khóa này không bị ảnh hưởng khi Samsung ra mắt model smartphone mới.
Ngoài ra, thời điểm smartphone mới của Samsung đặt chân lên thị trường cũng không hoàn toàn trùng khớp với sự tăng lên của từ khóa này. Rõ ràng, vấn đề chỉ liên quan tới Apple mà cụ thể là các phiên bản mới của hệ điều hành iOS, vốn cũng được cập nhật khi một thế hệ iPhone ra đời và sẽ có mặt trên hơn 90% các máy iPhone.
Số lượt tìm kiếm Google với từ khóa "Samsung Galaxy slow" (tạm dịch: Samsung Galaxy chậm)
Trong khi đó, người dùng Android thường không cập nhật hệ điều hành trong khi sử dụng. Vì thế, chúng ta có thể tạm rút ra nguyên nhân rằng phần cứng iPhone cũ không đủ mạnh để hỗ trợ phần mềm iOS mới, dẫn tới tình trạng chậm đi như được quan sát. Và có lẽ đây cũng là nguyên nhân chính xác.
Tuy nhiên, chúng ta còn có thể suy luận rộng ra hơn. Điều đáng nói là so với các hãng khác, Apple rất giỏi trong việc đảm bảo phiên bản mới của iOS vẫn tương thích với các thiết bị cũ. Không ai có thể làm cho ứng dụng của Samsung ngày nay chạy trên các máy Galaxy 3 năm tuổi. Từ đây, tác giả nghiên cứu đưa ra một số lý thuyết về kinh tế để giải thích.
Apple và hiệu ứng kinh tế
Một lý thuyết phổ biến tồn tại trong ngành kinh tế, rằng bất cứ một sự thay đổi nào cũng sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế thông qua hai cách đối nghịch nhau. Hai cách này có tên là hiệu ứng thay thế (Ví dụ: thuế tăng khiến đồng lương không xứng đáng với công sức bỏ ra, tốt hơn là tôi nên bỏ việc) và hiệu ứng thu nhập (thuế tăng, cần làm việc để có đủ thu nhập). Mức thay đổi cuối cùng tất nhiên sẽ là tổng của cả hai hiệu ứng này tác động tới chúng ta như thế nào. Chúng ta có thể bắt gặp hiệu ứng thu nhập ở một ví dụ thực tế là tại sao bạn không thể bắt được xe taxi khi trời đang mưa (xét ở bối cảnh nước Mỹ).
Các cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng các lái xe taxi thường tự đặt cho mình một mức thu nhập cố định trong ngày. Khi họ đạt được mục tiêu đó, họ sẽ không lái xe nữa và trở về nhà. Vì thế, khi trời mưa và nhiều người muốn đi taxi hơn, các tài xế sẽ đạt được mức thu nhập định sẵn một cách nhanh chóng hơn và sau đó không chạy xe nữa. Nói cách khác, sự tăng của cầu có thể sẽ khiến cung giảm.
Với iOS của Apple, một hiệu ứng nằm ở nỗ lực của các kĩ sư muốn tận dụng hết hiệu năng của vi xử lý, camera và tất cả các linh kiện được lắp ráp trong một thân máy mảnh mai. Điều này rõ ràng cần tới những đoạn mã phức tạp, vốn lại khiến những thiết bị cũ chạy chậm đi. Hiệu ứng khác là họ không muốn iPhone cũ bị quá tải, vì thế những đoạn mã này không được phép quá nặng để vẫn chạy được trên máy cũ.
Hài lòng là đủ
Một giả định nữa trong kinh tế học tiếp tục được sử dụng: con người luôn tối ưu tiêu dùng. Đây là một giả định chung có mặt trong hầu hết các học thuyết kinh tế về thị trường tự do. Người tiêu dùng sẽ nghiên cứu những gì mình có và những gì họ cần hy sinh để chọn cho mình lựa chọn tốt nhất có thể. Mức hữu dụng tối ưu sẽ đạt được từ tất cả những yếu tố trên.
Tuy nhiên, thực tế, điều này không phải lúc nào cũng đúng, bởi đôi khi con người chỉ cần đạt đến mức hài lòng thay vì làm điều tốt nhất có thể cho mình. Mức hữu dụng khiến họ hài lòng cũng gần với mức hữu dụng tối ưu, vì thế giả định này cũng có thể có lý trong trường hợp của iOS.
Áp dụng vào giới lập trình, họ luôn phải hoàn thành công việc trước ngày ra mắt sản phẩm. Thực tế, không ai tối ưu hóa các đoạn mã cả. Dù vậy, vẫn có nhiều mức độ hài lòng khác nhau tùy vào mặt hàng. Chắc chắn phần mềm điều khiển máy bay của hãng hàng không Airbus phải được hoàn thiện nhiều hơn một phiên bản nhái nào đó của trò chơi Flappy Bird.
Nhờ đó, các lập trình viên iOS bớt được một khối lượng công việc do họ không cần phải tối ưu các đoạn mã mình vừa mới viết ra. Họ còn có một năm trước mắt để lặp lại những công việc đã làm, vì thế đoạn mã mà họ sử dụng trong năm nay để hoàn thành nhiệm vụ của năm ngoái có nhiều khả năng sẽ nhẹ hơn.
Vì vậy, điện thoại iPhone cũ chạy iOS mới sẽ bị chậm đi. Tuy nhiên với hai hiệu ứng kể trên, đi kèm với đó sẽ là những tính năng mới và cả tính năng cũ được cải thiện nhờ đoạn mã được tối ưu. Đến một khoảng nào đó, các tính năng mới sẽ chiếm áp đảo và khiến tính tương thích ngược bị mất đi, giống như đã từng xảy ra với máy tính để bàn.
Điều thú vị nằm ở chỗ Apple đã xử lý sự tác động qua lại của hai hiệu ứng trên tốt như thế nào. Vào thập kỷ 90, chẳng ai dám cài Windows mới lên một chiếc máy tính đã "già" quá hai thế hệ. Có lẽ bạn sẽ phải chờ tới kỷ băng hà tiếp theo thì máy mới khởi động xong.
Việt Dũng
Theo Register/Vnreview
Post a Comment