Bài liên quan
Vệ tinh VNRedSat-1 có thể chụp khắp mọi nơi, không những toàn lãnh thổ Việt Nam mà còn có thể chụp toàn thế giới, TS. Bùi Trọng Tuyên, Trưởng ban quản lý dự án vệ tinh nhỏ, Phó Viện công nghệ vũ trụ (Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam) nói. Tuy nhiên, hình ảnh hiện trạng bãi Gạc Ma là "bí mật quân sự", chỉ Bộ Quốc phòng mới có quyền được biết.
Theo báo chí Philippines vừa đưa tin, Trung Quốc đang cải tạo Gạc Ma, Châu Viên, Tư Nghĩa, Ga Ven, Én Đất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông. (Philippines cũng tuyên bố chủ quyền đối với các bãi đá này). Philippines tiên đoán sau khi cải tạo 5 bãi đá này xong, có thể Trung Quốc sẽ tiếp tục với 3 bãi khác là Chữ Thập, Su Bi và Vành Khăn.
Vào tháng 5/2014, Bộ Ngoại giao Philippines công bố các bức ảnh cho thấy Trung Quốc đã thay đổi hiện trạng bãi Gạc Ma như thế nào. Các quan chức Philippines cho rằng Trung Quốc đang xây dựng một đường băng tại bãi đá Gạc Ma. Một khi đường băng đi vào hoạt động, Bắc Kinh có thể áp đặt vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
Gạc Ma 2012

Hình ảnh bãi Gạc Ma tháng 3/2012 do Philippines cung cấp.
Gạc Ma tháng 2/2013
Và bãi Gạc Ma tháng 2/2013.
Gạc Ma 2/2014
Trung Quốc mở rộng Gạc Ma 2/2014 đến 9 ha trong vòng 2 năm.
Gạc Ma tháng 3/ 2014
Gạc Ma tháng 3/ 2014. Trung Quốc có thể đang xây đường băng tại đây để thiết lập vùng nhận diện phòng không - có nghĩa máy bay qua lại vùng trời này phải xin phép Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn phóng viên báo Đất Việt rằng tại sao Philipines chụp được hình Trung Quốc đang làm thay đổi thực trạng tại đảo Gạc Ma mà Việt Nam thì không?, TS. Bùi Trọng Tuyên nói: "Việc giám sát thường xuyên thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Còn công việc chúng tôi đang làm, nó mang tính giám sát có tính phát triển kinh tế xã hội, còn giám sát mục đích an ninh quốc phòng thì phải là nghiên cứu tổng thể biển đảo". Ông cũng khẳng định, vệ tinh VNREDSAT-1 có thể chụp khắp mọi nơi theo yêu cầu, không những toàn lãnh thổ Việt Nam mà còn có thể chụp toàn thế giới. Tuy nhiên, "hình ảnh của đảo Gạc Ma là bí mật quân sự, chỉ có Bộ Quốc phòng mới có quyền được biết".
VNREDSAT-1
Ảnh chụp từ vệ tinh VNREDSat-1 nét từng chi tiết. Trên đây là hình ảnh thành phố Huế.
Vệ tinh viễn thám VNREDSAT-1 được phóng lên quỹ đạo tháng 5/2013, có tổng mức đầu tư 55,8 triệu Euro từ vốn vay viện trợ phát triển chính thức của chính phủ Pháp và 65 tỷ đồng vốn đối ứng từ chính phủ Việt Nam.
Mục tiêu của vệ tinh VNREDSat-1 là giúp Việt Nam chủ động cung cấp ảnh vệ tinh chất lượng và độ phân giải cao cho các bộ, các địa phương cả nước có nhu cầu sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh viễn thám phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, vệ tinh sẽ góp phần đánh giá và ứng phó với cháy rừng, bão lũ, tràn dầu cũng như nhiều thảm họa thiên nhiên khác, nhất là nước biển dâng và biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc đang leo thang hành động chiếm biển Đông, chắc chắn vai trò của VNREDSat-1 được phát huy tối đa.
Thanh Xuân

Post a Comment

 
Top

Nhận xét mới đăng tải!

Loading…
X