Bài liên quan
ICTnews - Một số tờ báo Mỹ yêu cầu mọi phóng viên, biên tập viên phải tăng cường sự hiện diện trên mạng xã hội như Facebook, Twitter, Google+ để thu hút độc giả cho trang mình.
Trong năm qua, các biên tập viên của tờ Los Angeles Time đã tốn nhiều công sức để tận dụng sức mạnh từ mạng xã hội, quảng bá nội dung tờ báo mạnh mẽ hơn. Họ bắt đầu thay thế các tin tweet tự động trên tài khoản Twitter chính thức bằng con người và dùng dịch vụ có tên Simply Measured để phân tích việc sử dụng mạng xã hội của nhân viên. Họ đặt mục tiêu chuyển tất cả tác giả lên Twitter hay Google+. Los Angeles Time không đơn độc. Cơ quan báo chí khắp nước Mỹ dành nhiều sự quan tâm hơn để khuyến khích phóng viên đăng bài lên mạng xã hội như một cách thức kéo “view” (hay traffic) về cho website, đặc biệt trong bối cảnh báo in đang thụt lùi.
Mỗi công ty có một lối suy nghĩ khác nhau, song tựu chung đều mới chỉ dừng ở bước động viên nhân viên dùng mạng xã hội, chỉ có số ít thực sự bắt buộc phải làm. Phần lớn giao trách nhiệm lớn hơn cho biên tập viên, quản lý mạng xã hội trong việc đưa độc giả đến với tờ báo. Căn cứ vào cuộc phỏng vấn ngẫu nhiên 18 tờ báo trong tháng 3 và tháng 4 năm nay của American Journalism Review, có thể thấy hầu như mọi phóng viên không có chỉ tiêu về traffic.
Twitter cùng với Facebook là hai kênh để kéo độc giả đến với báo chí. Ảnh minh họa
|
Không nhiều nhà báo mặn mà với mạng xã hội
New York Times nằm trong số các tờ báo đang thử nghiệm chiến lược mạng xã hội. Trong báo cáo đổi mới nội bộ bị rò rỉ gần đây, các tác giả viết về thiếu sót trong nỗ lực mạng xã hội của tờ báo và đã đi sau đối thủ như thế nào trong việc phân phối nội dung trên mạng. Ví dụ, tác giả báo cáo chỉ ra phóng sự dài kỳ “Invisible Chile”, tác phẩm mất tới 1 năm để sản xuất và hoàn thiện, đã không có bất kỳ hoạt động tiếp thị trên mạng nào trước khi ra mắt bởi đội ngũ PR và tiếp thị không biết đến nó.
Báo cáo nhận thức rõ “không có quy tắc cũng không có hướng dẫn thực sự” về cách phóng viên sử dụng mạng xã hội. Tác giả đề nghị người đứng đầu tờ báo không phải yêu cầu mà cần “hối thúc phóng viên, biên tập viên quảng bá công việc của họ”. Các nỗ lực “di động hóa” phóng viên bám sâu vào thực tế có tới một nửa người dùng Facebook và Twitter lên mạng để xem tin tức. Theo nghiên cứu của Dự án Báo chí của Trung tâm Pew, với diễn đàn Reddit, tỉ lệ này lên tới 62%.
Dù vậy, không phải nhà báo nào cũng mặn mà với mạng xã hội. Theo báo cáo của Oriella PR Network, chỉ có gần 60% nhà báo dùng Twitter năm 2013. Thư ký tòa soạn tờ San Francisco Chronicle, Audrey Cooper, cho biết phóng viên báo in thường không tích cực tham gia vào thế giới mạng. “Nếu nhìn vào một biên tập viên báo chí bình thường, họ không có hàng ngàn người theo dõi như biên tập viên của BuzzFeed. Là một tổ chức, chúng ta có xu hướng không theo đuổi mạng xã hội quá nhiều. Nó chẳng tốt cũng không tệ song đặt ra câu hỏi làm thế nào bạn có thể hoạt động tốt nếu không phải một người dùng mạng”?
Quan điểm của Cooper về biên tập viên không hề sai. Dean Baquet, người vừa được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập của New York Times, không tweet nhiều dù có hơn 6.000 người quan tâm trên Twitter. Ngược lại, người cùng chức vị với ông tại BuzzFeed, Ben Smith, lại tweet hơn 81.000 lần và có hơn 178.000 người theo dõi.
“Cần có cả phòng tin tức” để kéo traffic
Các tờ báo bắt buộc phóng viên tham gia vào mạng xã hội nhấn mạnh cần phải có cách tiếp cận quy mô ngang ngửa một phòng tin tức để kéo traffic. Ví dụ, tờ Jackson Clarion-Ledger yêu cầu các tác giả duy trì tài khoản Twitter, Facebook trong khi mọi nhân viên khác phải giúp kéo độc giả về cho báo. Phóng viên của Jackson Clarion-Ledger thường đăng tải nhiều thông tin, truyện cười, mẩu tin nhỏ để phổ biến bài đăng của họ.
Tờ The Indianapolis Star cũng nhấn mạnh mạng xã hội là phần không thể thiếu trong công việc hàng ngày của nhà báo và lên kế hoạch mở một lớp huấn luyện về nó. Theo Amy Bartner, người phụ trách kết nối giữa độc giả và tờ báo, cộng đồng trực tuyến là kỹ năng quan trọng và cần thiết của phóng viên trong năm 2014. Báo này cũng đưa thêm nội dung mạng xã hội vào mô tả công việc. Họ được lựa chọn nền tảng mà độc giả hay khách hàng tiềm năng thường lui tới, chủ yếu là Facebook, Twitter hay đặc thù hơn có Pinterest, Instagram, LinkedIn, Google+.
Hai tờ The Orlando Sentinel và Sun Sentinel đều yêu cầu phóng viên dùng Google+ và đăng bài viết lên tài khoản. Dù Sacramento Bee không bắt buộc nhưng đề nghị nhân viên dùng Twitter, Facebook và Google+. Thậm chí, tờ này còn áp dụng chính sách về đạo đức mạng xã hội. “Một người không thể là người kéo traffic duy nhất. Điều đó đòi hỏi cả một phòng tin tức”, Lori Todd, Giám đốc mạng xã hội của Sacramento Bee viết. Mallary Tenore, cựu Thư ký tòa soạn Poynter.org, không cho rằng báo chí nên buộc mọi nhân viên phải có tài khoản mạng xã hội vì mọi người có xu hướng phản ứng tiêu cực trước những từ như “mệnh lệnh”. Trong khi đó, cựu phóng viên BBC, Nic Newman, đồng ý nên dùng mạng xã hội để tạo đòn bẩy cho thương hiệu và giá trị báo chí truyền thống.
Nội dung được đăng trên Báo Bưu điện Việt Nam số 74+75 ra ngày 20/6/2014
Du Lam (Theo Ajr)
Post a Comment