Bài liên quan

iOS 8 chỉ là một bản cải tiến của iOS 7 nhưng lại có ảnh hưởng mạnh đến một thứ quan trọng nhất trong đường lối Apple thiết kế nền tảng di động: cách người dùng sử dụng nó.


Đã 51 tuần kể từ khi Tim Cook chính thức giới thiệu iOS 7 với "giao diện người dùng mới đáng kinh ngạc". Chúng ta đều tưởng rằng đây là đợt tái thiết kế iOS lớn nhất trong lịch sử của nền tảng này, nhưng theo một cách nào đó, chúng ta đã lầm. Có thể iOS 7 sở hữu rất nhiều những thay đổi về mặt đồ họa, về các chi tiết mỹ thuật cấu thành nên hệ thống, nhưng về mặt tính năng thì nó vẫn không khác mấy so với những phiên bản tiền nhiệm. Trong khi đó, iOS 8 chỉ là một bản cải tiến của iOS 7 nhưng lại có ảnh hưởng mạnh đến một thứ quan trọng nhất trong đường lối Apple thiết kế nền tảng di động: cách người dùng sử dụng nó.
Điểm mạnh lớn nhất của iOS kể từ khi chiếc iPhone đời đầu ra mắt chính là sự đơn giản. Apple đưa cho người dùng một giao diện chứa đầy những biểu tượng ứng dụng và chỉ cho học cách nhảy ra nhảy vào app để thực hiện công việc của mình. Sự xuất hiện của kho phần nềm App Store trong iOS 2, đa nhiệm trong iOS 4, trung tâm thông báo trong iOS 5 rõ ràng là rất ấn tượng, nhưng trải nghiệm đơn giản thì vẫn y hệt như ngày đầu. Rất nhiều nhà thiết kế, trong đó có cả phó chủ tịch Jony Ive của Apple, đã làm mọi thứ để đặt tính đơn giản lên hàng đầu, theo sau đó là phương châm "ít chính là nhiều". Nhưng theo thời gian, iOS bắt đầu bị kẹt lại trong quá khứ khi so sánh với những nền tảng di động khác đang thay đổi từng ngày.
Nhờ vào App Store, chúng ta có những ứng dụng bên thứ ba tốt, và có đến hàng triệu app như thế. Chúng ta chụp ảnh với Camera360, chia sẻ với Instagram, điều đó có nghĩa là để thực hiện một thao tác đơn giản là upload lên mạng xã hội vẫn cần phải thông qua nhiều bước và nhiều ứng dụng khác nhau. Tất nhiên, đây chỉ là một ví dụ mà thôi. Có người không thích chỉnh sửa gì chỉ việc chia sẻ trực tiếp lên Facebook, có người thì cần phải tinh chỉnh thật nhiều trước khi share cho bạn bè. Tuy nhiên, rồi cũng có lúc bạn cần phải chuyển giữa nhiều app khác nhau để hoàn thành ý muốn của mình, và với iOS 7, Apple chưa cải thiện được vấn đề này.
Trong khi đó, Microsoft và Google đưa ứng dụng bên thứ ba vào trung tâm của hệ điều hành di động với những tính năng như Android Intents và Windows Charms. Hai hệ thống này đã cho phép các app phối hợp một cách nhuần nhuyễn, thậm chí chúng không cần biết đến nhau nhưng vẫn có khả năng hoạt động tốt cùng nhau. Mãi đến iOS 8, tính năng App Extensions mới xuất hiện để giải quyết điểm yếu trong cách thức các app thuộc hệ sinh thái Apple giao tiếp với nhau.

Cụ thể hơn, trước đây mỗi app iOS hoạt động trong một "cái hộp cát" (sandbox) của riêng mình, không app nào liên lạc được với những app còn lại vì lý do bảo mật. Còn bây giờ, lập trình viên có thể kích hoạt một "phần mở rộng" (extension) trong ứng dụng của mình để có thể dùng với những ứng dụng khác. Ví dụ, trong ứng dụng Photos mặc định của iOS 8, chúng ta có thể xài các công cụ chỉnh sửa ảnh của app bên thứ ba VSCO Cam, trong một giao diện cũng do VSCO Cam định nghĩa. Một ví dụ khác: từ Safari, chúng ta có thể chia sẻ trang web hoặc hình ảnh thông qua một giao diện do mạng xã hội Pinterest tạo ra, hoặc xài công cụ dịch thuật của Bing để dịch cả một trang web.
Chưa hết, cũng nhờ App Extensible mà các ứng dụng có thể bổ sung thêm Widget của mình vào khu vực Notification Center. Trong màn trình diễn của mình, Apple đã thêm vào trung tâm thông báo của iPhone một widget nói về tỉ số của các trận đấu thể thao. Tương tự, với ứng dụng eBay, chúng ta có thể điều chỉnh số tiền đấu giá ngay từ Notification Center. Và vì vẫn sử dụng mô hình sandbox, mỗi app vẫn có không gian riêng của chúng, chỉ những phần nào được lập trình viên chia sẻ thì mới có thể được tìm thấy bởi những app khác.
Việc chia sẻ thông tin xuyên suốt nhiều app chính là một trong những điểm mạnh nhất của trải nghiệm người dùng trên Android, và việc Apple đem tính năng tương tự lên nền tảng của mình sẽ thật sự thay đổi cách người dùng xài iPhone, iPad.
Với một sự thay đổi lớn trong trải nghiệm người dùng, iOS 8 cũng cho thấy nỗ lực của Apple trong việc "vá" một số lỗ hổng xuất hiện trong ngôn ngữ thiết kế mới của công ty. Các thông báo trong Notification giờ đây mang tính tương tác cao hơn, giống như Android. Người dùng có thể xóa từng thông báo một (iOS 7 chỉ cho phép xóa hết thông báo của một app) hoặc thực hiện một số hành động với thông báo như trượt qua để trả lời tin nhắn, chấp thuận lời mời sự kiện... Đây là những tác vụ mà trước đây người dùng bắt buộc phải chạy app lên mới có thể làm được. Những thao tác trượt cũng được đưa vào nhiều ứng dụng hệ thống hơn, ví dụ như Mail, để tạo ra một trải nghiệm tự nhiên hơn, thân thiện hơn.

Trung tâm thông báo mới của iOS 8 cũng đã khắc phục một trong những điểm quái lạ nhất của iOS 7: hai thẻ "Missed" và "All" trong Notification Center nữa. Trước đây không nhiều người phân biệt được sự khác nhau giữa hai thẻ này, và họ chỉ đơn giản xem hết mọi thông báo của mình trong thẻ "All" để tránh nhức đầu. Giờ đây, lên tới iOS 8, chỉ còn một thẻ duy nhất để hiển thị mọi thông báo mà thôi, còn thẻ còn lại là Today nhằm hiển thị nhắc nhở, sự kiện lịch, thông tin thời tiết, chứng khoán và những widget khác.
Mặc cho những thay đổi như thế nhưng iOS 8 vẫn chưa đạt đến mức hoàn hảo. Nút xóa thông báo trong Notification vẫn còn quá nhỏ, những đối tượng đồ họa trong suốt và hiệu ứng chuyển cảnh cũng chưa được áp dụng tốt cho mọi app. Tuy nhiên, những ai thất vọng với đợt tái thiết hồi năm ngoái của iOS có thể cảm thấy thoải mái hơn với iOS 8. Ít ra thì trải nghiệm của người dùng cũng được nâng lên rất nhiều chứ hệ điều hành này không chỉ khoác lên mình một lớp áo rực rỡ. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để khiến cho iOS 8 trở thành một nền tảng tốt, nhưng Apple đã đi đúng hướng một lần nữa.
Theo Tinhte.vn

Post a Comment

 
Top

Nhận xét mới đăng tải!

Loading…
X