Bài liên quan
Tòa án Tối cao Mỹ hôm 25/6 ra phán quyết dịch vụ truyền hình trực tuyến Aereo vi phạm luật bản quyền vì sử dụng ăng-ten mini để cung cấp nội dung bản quyền qua Internet.
Aereo là công ty cung cấp truyền hình Internet được ưa chuộng. Ảnh: Internet
|
Tòa án Tối cao Mỹ đã đứng về phía 4 hãng truyền hình lớn của Mỹ và đẩy Aereo vào tương lai khó đoán trước. Theo tòa, Aereo đã phát các nội dung đăng ký bản quyền cho công chúng. Tuy nhiên, quan tòa Stephen Breyer cho rằng phán quyết sẽ không gây khó khăn cho các dịch vụ nền tảng đám mây trong đó các tập tin cá nhân, bao gồm cả chương trình truyền hình hay nhạc, được lưu trên Internet trên máy chủ của các công ty như Google, Microsoft, Dropbox, Box.
Aereo tranh luận các dịch vụ đám mây cũng sử dụng Internet theo cách mà hãng lưu trữ và chuyển phát nội dung bản quyền. Quyết định của tòa án được đưa ra đúng vào thời điểm Walt Disney, CBS, Comcast, 21st Century Fox xin phúc thẩm lại phán quyết của tòa án Phúc thẩm liên bang hồi tháng 4/2013, theo đó từ chối đề nghị đóng cửa Aereo.
Aereo thành lập năm 2012, hoạt động dưới hình thức thu một khoản phí nhỏ từ người dùng mỗi tháng để truyền tải (streaming) các kênh truyền hình trên thiết bị di động sử dụng ăng-ten mini. Công ty thu lại những nhóm sóng miễn phí cung cấp bởi các kênh truyền hình địa phương và gửi vào thiết bị của khách hàng đăng ký dịch vụ qua mạng Internet. Thuê bao có thể lựa chọn xem kênh truyền hình ưa thích hoặc ghi lại để xem sau. Aereo không phải trả phí bản quyền phát lại (retransmission) cho các nhà sản xuất truyền hình giống như các nhà cung cấp dịch vụ cáp và vệ tinh.
Trong phiên tranh luận hồi tháng 4, Tòa án Tối cao dường như nghi ngờ về vị trí của Aereo trong tranh chấp bản quyền với các đại gia truyền hình, song một số lại lai ngại phán quyết chống lại doanh nghiệp trẻ này có thể ảnh hưởng đến các dịch vụ đám mây khác. Một số công ty như CBS thậm chí còn đe dọa cắt tín hiệu phát sóng không cài mã (free to air – FTA) hay thiết lập dịch vụ Internet giá rẻ riêng cho các kênh nếu Aereo thắng kiện.
Du Lam (Theo Reuters/ICTNews)
Post a Comment