Bài liên quan
Một bộ thiết bị phục vụ sức khỏe: đồng hồ thông minh, vòng đeo tay thông minh và smartphone - Ảnh: T.Trực |
Các chuyên gia này hiện diện trên smartphone (điện thoại thông minh) và ai cũng có thể nhờ cậy.
Chưa bao giờ chăm sóc sức khỏe cá nhân lại được các công ty công nghệ chạy đua giới thiệu ráo riết như hiện nay. Họ tạo ra các hệ sinh thái đa dạng gồm thiết bị, ứng dụng và giải pháp trên môi trường di động, nơi smartphone đã rất quen thuộc và phổ biến, giúp người tiêu dùng tự theo dõi nâng cao sức khỏe. Hệ sinh thái này được gọi tên qua thuật ngữ mHealth (Mobile Health, “Sức khỏe di động”).
Biến smartphone thành chuyên gia tư vấn
Theo số liệu từ xCube Labs, 95 triệu người Mỹ dùng thiết bị di động như một công cụ hỗ trợ sức khỏe năm 2012, 247 triệu người Mỹ tải ít nhất một ứng dụng di động về sức khỏe. Đến hết quý 1 năm nay, chỉ tính riêng ứng dụng di động phục vụ nhu cầu sức khỏe trên iPhone (iOS) và Android đã vượt mốc 100.000 ứng dụng. Doanh thu ngành công nghiệp mHealth không ngừng tăng mạnh, từ 1,3 tỉ USD năm 2012 lên 2,4 tỉ USD năm 2013, và dự báo tăng đến 26 tỉ USD vào cuối năm 2017. |
Đặc điểm chung của các sản phẩm gồm thiết bị và ứng dụng trong hệ sinh thái mHealth phối hợp với nhau. Người dùng chỉ việc đeo vào cổ tay, bắp tay hay đế giày, dữ liệu hoạt động sẽ kết nối qua Bluetooth, đồng bộ vào ứng dụng trên thiết bị di động (smartphone/tablet), theo dõi những cử động cơ thể người dùng như bước đi, đạp xe hay chạy bộ, đo đạc và thông báo chỉ số sức khỏe như nhịp tim, chỉ số calori, lượng oxy, CO2 trong máu hay độ ẩm của da, thậm chí cả chất lượng giấc ngủ, theo đó đưa ra giải pháp tập luyện phù hợp. Những điều mà trước nay phải đến phòng tập gym trang bị dụng cụ tập có bảng điện tử và nhờ chuyên gia hướng dẫn, giờ đây bạn có thể trông cậy vào “chuyên gia di động” trên smartphone luôn theo hướng dẫn kề bên.
Trên các dòng điện thoại smartphone cao cấp đều tích hợp các chip xử lý và nhiều cảm biến ghi nhận chuyển động cơ thể như bước chân nhanh hay chậm. Qua đó điện thoại biết được họ đang chạy hay đi bộ, kết hợp với khả năng định vị vị trí (GPS) và ứng dụng, đo đạc quãng đường chủ nhân đã đi. Những ứng dụng do nhà sản xuất cài sẵn trên smartphone tính toán lượng calori “đốt cháy” cho đoạn đường chạy bộ vừa thực hiện, bữa trưa đã nạp bao nhiêu calori và món ăn nào không làm tăng cân. Hơn nữa, các thiết bị này còn tư vấn cặn kẽ bài tập thể dục cần thiết để “tiêu hóa” hết lượng calori thừa, hướng đến mục tiêu trong khoảng thời gian đã đặt ra trước đó.
Tại VN, phần lớn người dùng smartphone đều chưa hiểu tường tận và tận dụng được hết những chức năng đa dạng nhà sản xuất đưa vào sản phẩm, như chức năng phục vụ sức khỏe, kết hợp với ứng dụng. Smartphone có cảm biến sẽ như máy tập gym, ứng dụng đóng vai trò sổ sức khỏe kiêm chuyên gia tư vấn cho mỗi cá nhân.
Thiết bị thông minh đeo trên người đo lường sức khỏe của Adidas - Ảnh: Internet |
Lựa chọn sổ sức khỏe
Không sở hữu các loại smartphone cao cấp, bạn vẫn có sổ sức khỏe cá nhân từ các ứng dụng miễn phí cho smartphone Android và iPhone ở danh mục “Health & fitness” (Sức khỏe và thể dục). Các ứng dụng đều yêu cầu bạn tạo một tài khoản bao gồm những thông tin về chiều cao, trọng lượng, giới tính để “chuyên gia” tính toán bài tập phù hợp thể trạng, rồi gia tăng cường độ tập, độ nặng, sức bền.
Dùng smartphone Android không thể bỏ qua bộ ứng dụng miễn phí đồ sộ từ Runtastic hay Caynax từ chợ ứng dụng Google Play. Các anh tập bụng “6 múi” nên nghe theo Runtastic six pack hoặc Caynax ABS workout hướng dẫn, riêng đối với eo thon chị em cần làm quen Caynax BMI calculator. Chạy bộ có Runtastic running & fitness, đạp xe hay leo dốc có Runtastic road bike và Mountain bike. Dân văn phòng nên tập các động tác của “thầy” Runtastic squats.
Đối với iPhone dùng iOS, bạn mở iTunes và tìm kiếm các ứng dụng: MapMyFitness (theo dõi các hoạt động trong ngày), Seven (7 phút tập luyện mỗi ngày, rất phù hợp với người làm công sở), iMuscle hoặc bộ Runtastic, Garmin tương tự Android.
THANH TRỰC
Theo Tuoitre
Post a Comment