Bài liên quan
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav cho biết trên thị trường hiện có rất nhiều phần mềm tương tự như PTracker của Công ty Việt Hồng. Không chỉ điện thoại Android mới có nguy cơ bị cài phần mềm nghe lén, giám sát, mà các loại điện thoại chạy hệ điều hành khác đều có nguy cơ này.
Như ICTnews đã đưa tin, với việc kinh doanh phần mềm nghe lén, giám sát điện thoại PTracker, Công ty Việt Hồng đang bị cơ quan công an điều tra về dấu hiệu phạm tội truy cập bất hợp pháp vào thiết bị số của người khác.
Tuy nhiên, tìm kiếm trên các kho ứng dụng hiện hành thì thấy đang có đầy rẫy phần mềm nghe lén, phần mềm giám sát điện thoại tương tự như PTracker.
Chẳng hạn tìm kiếm trên Google Play, dễ dàng tìm thấy top 10 ứng dụng "gián điệp" miễn phí dành cho Android gồm: Cell Tracker, Children Tracker, Ear Spy, Mobile Hidden Camera, Sneaky Cam, Spy Message, Secret Calls, Spy Video Recorder, Secret Agent Fake Calls, Secret Agent.
Ear Spy là 1 top 10 ứng dụng "gián điệp" miễn phí dành cho Android có trên Google Play
Bên cạnh đó, không ít ứng dụng phần mềm theo dõi, giám sát điện thoại còn được bán với nhiều mức giá khác nhau. Chẳng hạn StealthGenie được bán với giá từ 49,9 USD đến 199,9 USD; Spyera từ 189 – 389 USD, HelloSpy – từ 18,97 USD; InnovaSpy từ 13,99 USD/tháng; Phonesheriff từ 49 – 89 USD; mSpy từ 39 – 499 USD.
Trao đổi với ICTnews, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Phụ trách An ninh mạng Bkav cho biết trên thị trường hiện có rất nhiều phần mềm tương tự như PTracker. Không chỉ điện thoại Android mới có nguy cơ bị cài phần mềm nghe lén, giám sát, mà các loại điện thoại chạy hệ điều hành khác đều có nguy cơ này.
Theo ông Lê Văn Giáp, sáng lập kho ứng dụng Vimarket, chuyên gia Android: "Việc chặn lọc các phần mềm nghe lén, giám sát điện thoại không đơn giản. Rất nhiều phần mềm đều có chức năng ghi âm để phục vụ những mục đích khác nhau như ghi âm phục vụ tin nhắn thoại, hoặc ngay cả 1 số phần mềm OTT vẫn có chức năng ghi âm để người dùng gửi cho nhau hoặc nói chuyện với nhau. Khó có thể phân biệt được mục đích sử dụng chức năng microphone, ghi âm của phần mềm. Nhiều phần mềm chính thống, phần mềm "sạch" cũng vẫn đang sử dụng các chức năng micro, record, audio recorder,... Người dùng điện thoại bình thường sẽ rất khó có thể biết mình bị cài phần mềm nghe lén".
Cách phòng tránh đơn giản nhất
Theo hướng dẫn của nhiều chuyên gia, để phòng trừ nguy cơ trở thành nạn nhân của phần mềm nghe lén, giám sát điện thoại, người dùng nên cẩn trọng hơn trong việc cho người khác mượn điện thoại. Bên cạnh đó, nên cài ứng dụng từ các nguồn chính thức, các kho ứng dụng có uy tín và có khả năng thanh lọc cao, tránh xa những website nhìn có vẻ hấp dẫn với nhiều đường link nhạy cảm nhưng thực chất có cài virus, mã độc. Ngoài ra, khi cài ứng dụng cho điện thoại nên đọc kỹ thỏa thuận, hướng dẫn sử dụng về mức độ cho phép khai thác, truy cập dữ liệu cá nhân trên điện thoại.
"Trong tình huống bán tín bán nghi, không biết mình có bị nghe lén điện thoại hay không, người dùng có thể cài phần mềm Bkav Mobile Security để kiểm tra. Phần mềm của Bkav có thể phát hiện được hành vi nghe lén của các phần mềm nghe lén và cảnh báo cho người dùng", ông Ngô Tuấn Anh gợi ý.
Còn theo khuyến nghị của ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia bảo mật của FPT, người dùng điện thoại có thể dựa vào một số dấu hiệu sau để nhận biết điện thoại của mình bị xâm nhập: 3G có thể bị kích hoạt bất kỳ lúc nào mà người dùng không chủ đích bật; Điện thoại thỉnh thoảng có biểu hiện hình tam giác nhỏ trên góc màn hình (biểu hiện của việc định vị GPS đã được bật, cho thấy có thể một phần mềm nào đấy đã kích hoạt tính năng này); cước 3G tăng đột biến do lưu lượng mạng bị lợi dụng để gửi dữ liệu ra bên ngoài; pin đang chạy khỏe đột nhiên hết nhanh…
"Cách đơn giản để kiểm tra điện thoại có bị cài đặt các phần mềm độc hại không, là người dùng vào thư mục cài đặt để biết những phần mềm nào đang tác động vào các thư mục ảnh, GPS, tin nhắn… Sau khi sàng lọc, thấy phần mềm nào lạ, không dùng bao giờ nhưng đã được cài đặt và tác động vào các thư mục quan trọng, người dùng có thể gỡ bỏ để đảm bảo an toàn cho máy. Nếu không thông thạo công nghệ, người sử dụng điện thoại nên đến các trung tâm bảo hành chính hãng để nhờ trợ giúp", ông Nguyễn Minh Đức chia sẻ thêm.
Xuân Bách
Theo ICTNews
Post a Comment