Bài liên quan
Kể từ sau sự kiện Flappy Bird thành công nổi bật trên các phương tiện truyền thông hồi tháng Hai năm nay, giới làm game Việt Nam dường như được tiếp một nguồn sinh khí mới. Nhiều game studio mới được mở ra, nhiều lập trình viên bỏ công việc hiện tại để lao vào làm game với hy vọng trở thành "một Hà Đông khác". Nhưng làm game chưa bao giờ là công việc dễ dàng.
thị trường mobile game Việt

Bức tranh làng game Việt hiện tại
Hẳn chúng ta chưa quên sự kiện Flappy Bird đã gây xôn xao như thế nào trong giới làm game khi mà cái tên của "chú chim ngu" và tác giả của nó – Hà Đông – được các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước liên tục nhắc đến như một thành công đặc biệt và thần kỳ. Sự kiện càng thêm nóng khi Hà Đông tiết lộ mức thu nhập lên tới 50.000 USD/ngày từ việc đặt quảng cáo trong game. Bên cạnh niềm vui và tự hào về một sản phẩm game Việt được cả thế giới biết đến, nhiều bạn trẻ hy vọng và tin rằng mình cũng có thể làm được điều tương tự, hoặc ít ra cũng cảm thấy làm game mobile thật… dễ kiếm tiền.
Theo tìm hiểu của VnReview, khá nhiều game studio được mở ra gần đây khiến thị trường nhân lực cho mảng này đang nóng lên, các studio khó kiếm người hơn trước, nhiều studio lớn bị xáo trộn nhân lực.
Anh Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc Tofu Game Studio cho biết: "Sau thành công của Flappy Bird, báo chí, nhà đầu tư và cả các nhà hoạch định chính sách quan tâm đến game nhiều hơn. Trong thời gian qua nhiều studio mới được thành lập, một số studio gặp khó khăn trước đây tuyên bố hoạt động trở lại. Hiện tại ước tính có khoảng 60-80 studio game tại Việt Nam. Nhiều bạn trẻ lập nhóm cùng nhau làm game với ước mơ có được thành công như Flappy Bird. Nhưng phần lớn những người làm game kinh nghiệm đều hiểu rằng đó là một thành công đặc biệt rất khó lặp lại".
Ở một góc nhìn khác, anh Trương Hải Nam, Giám đốc Sáng tạo tại Peanut Studio, cho rằng số lượng studio mở chuyên nghiệp, bài bản thì tốc độ tăng trưởng vẫn đều đều, không nhiều hơn trước quá mức, chủ yếu vẫn từ các startup có kinh nghiệm và đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, trung bình mỗi tháng có khoảng 2 studio mới. Anh Hải Nam cũng nhận định: "Việc gia tăng số lượng các studio có lẽ không liên quan nhiều tới sự kiện Flapy Bird, nhưng việc khá nhiều developer đang làm thuê cho các công ty game hoặc web dành thời gian hoặc chuyển đổi công việc để trở thành indie developer (nhà phát triển game độc lập) thì có. Nhiều người mong có một cơ hội thành công tương tự".
Hiện tại, theo anh Khánh Duy, có khá nhiều cá nhân làm game độc lập kiểu như Hà Đông, ngoài ra còn có các nhóm nhỏ từ từ 3-6 người, số studio đầu tư bài bản ít hơn nhiều, với quy mô từ 10-30 người; số game studio cỡ lớn thì rất ít, là những công ty tên tuổi như VNG, Gameloft, DeNA, VTC Studio, FPT Online, Glass Egg…
Tofu Games Studio
Các studio cỡ trung như Tofu Games có khoảng 10-30 nhân sự
Đường đến thành công không hề trải thảm
Tất nhiên những người tham gia làm game trước và sau Flappy Bird đều không ngây thơ đến mức tin rằng cứ làm game là có tiền, hoặc chỉ cần làm một số game miễn phí để thu hút người chơi và ung dung kiếm tiền từ quảng cáo. Nhưng không nhiều người lường trước được những khó khăn khi tham gia thị trường này.
Theo anh Nguyễn Khánh Duy, có nhiều hình thức kiếm tiền qua game, phổ biến nhất là đặt quảng cáo và thu phí trong quá trình chơi. Để được người chơi chịu khó trả tiền thì game của bạn phải thật sự chất lượng, có đầu tư về đồ họa. Phần nhiều các game quy mô nhỏ chỉ đặt quảng cáo do chất lượng và lượng nội dung game chưa đạt đến mức để thu phí. Tuy nhiên, để có doanh thu quảng cáo thì game phải có số lượt tải tốt và nhiều người chơi hàng ngày. Nhiều bạn đã chia sẻ game đạt đến mức 50.000 lượt tải nhưng doanh thu chỉ 5 USD/ngày. Đó là do số người chơi thường xuyên không cao và họ không click vào quảng cáo. Một game nếu chơi vài lần đã thấy chán thì sẽ không thể duy trì lượng người chơi thường xuyên. Vì vậy sau khi hoàn thành game thì phải liên tục bổ sung nội dung, cập nhật các phiên bản để game giữ được người chơi.
Trên thực tế, theo một nghiên cứu mới đây của hãng Quantcast, trong khoảng 1 triệu ứng dụng trên iOS App Store và Android Google Play, chỉ có khoảng 1.000 ứng dụng đạt lượng người dùng thường xuyên từ 50.000 trở lên, nghĩa là chỉ có 1% ứng dụng thành công. Số liệu của Quantcast cho biết có tới 83% người dùng gói gọn trải nghiệm sử dụng của họ xung quanh 10 ứng dụng (hoặc ít hơn), có khoảng 50% người dùng chỉ sử dụng ứng dụng đã tải về đúng một lần duy nhất.
Cũng đưa ra một con số tương tự, Robert Weber, đồng sáng lập NativeX – nền tảng quảng cáo hàng đầu dành cho mobile game – cũng cho biết trên The Next Web rằng: Có hàng nghìn ứng dụng mới ra mắt mỗi ngày, nhưng con số thành công rất khiêm tốn. Hãng nghiên cứu Gartner mới đây cũng đưa ra một báo cáo với nhận định: trong vài năm tới, chỉ có khoảng 1% ứng dụng được coi là thành công. Hiện tại, theo một khảo sát toàn cầu, 60% các nhà phát triển kiếm được chưa đầy 500 USD/tháng từ các sáng tạo của họ.
Anh Khánh Duy khẳng định: "Thực tế nếu game của bạn không hấp dẫn thì không có nhiều cơ hội kiếm tiền. Trên các chợ của Apple hay Google có hàng ngàn game mới mỗi ngày, nếu sản phẩm không tốt nổi bật để cạnh tranh thì sẽ khó có được nhiều người biết đến và cài đặt. Rất nhiều game hiện nay chịu khó đầu tư cho marketing và quảng cáo để có nhiều người tải game hơn nhưng chi phí không hề rẻ và nếu không có vốn thì không thể duy trì được. Có nhiều game thành công nhờ may mắn, nhưng không thể dựa vào đó để bắt chước theo. Thay vào đó những bạn muốn làm game nên bổ sung cho mình kiến thức về kinh doanh".
Con số thu nhập 50.000 USD/ngày của game Flappy Bird chỉ từ việc đặt quảng cáo quả có làm nhiều người lầm tưởng về khả năng kiếm tiền dễ dàng từ game. Anh Khánh Duy cho biết, nhiều bạn cho rằng nếu có được một số lượng người chơi bằng một vài phần trăm của Flappy Bird thì cũng đã có thể thu về một khoản tiền không nhỏ. Nhiều cá nhân và những developer kinh nghiệm cũng bị tác động bởi điều này, tuy nhiên, theo anh Hải Nam, những team hoặc cá nhân đã làm việc trong lĩnh vực này khoảng 2 năm trở lên thì họ không thay đổi quan điểm, vì kinh nghiệm cho họ biết khả năng kiếm tiền và cơ hội thành công trong lĩnh vực mobile nó như thế nào.
"Bản chất ngành nghề nào cũng cần có đào tạo bài bản và quá trình tích luỹ kinh nghiệm, các lập trình viên mới tham gia vào chỉ có kỹ năng lập trình, họ nhìn vấn đề tương đối đơn giản chỉ từ góc độ của lập trình viên thì không thể làm được sản phẩm tốt, dẫn đến việc chỉ có thể ra được sản phẩm nhái hoặc rất mờ nhạt do các yếu tố nghiên cứu thị trường, thiết kế sản phẩm, học hỏi khách hàng là không có. Hơn nưa, thị trường mobile thực tế đang bão hoà game, không dễ dàng để trở nên nổi bật trong hàng trăm game xuất hiện hàng ngày", anh Hải Nam nói.
Muốn thành công – cần kiên trì và đầu tư bài bản
Chia sẻ thêm về những khó khăn có thể khiến các game studio bỏ cuộc, anh Hải Nam cho biết: Đặc trưng của ngành mobile là phạm vi sản phẩm nhỏ, tuy nhiên đặc tính của sản phẩm dù lớn hay nhỏ không có gì khác nhau, vì vậy mức độ hiểu biết của người làm sản phẩm thường cần cao hơn các sản phẩm trên nền tảng khác. Thị trường mobile cũng có đặc thù không phân biệt khu vực, một sản phẩm có thể dễ dàng phát hành toàn thế giới, tuy nhiên đồng nghĩa với việc tập khách hàng rất khác nhau, developer có thể dễ dàng thất bại ở một thị trường và bỏ cuộc, nhưng thực tế sản phẩm của họ có thể cải tiến để thành công ở thị trường khác.
Tuy nhiên, anh Hải Nam cho rằng, việc gần đây có nhiều người tham gia làm game cũng có mặt tích cực là số lượng tham gia nhiều, chất lượng được đẩy mạnh, nguồn nhân lực tham gia vào ngành này vì thế dồi dào hơn. Sau Flappy Bird, nhiều nhân sự ngành IT chuyển đổi sang làm game, nhân sự làm thuê đổi ra ngoài làm indie nhưng tổng thể thì nguồn lực được tăng chứ không giảm. Thực tế sẽ cho thấy một số người ra ngoài làm indie xong xuôi một thời gian không sống nổi lại quay về làm thuê thôi, nên có thể nói là nhân sự ngành phát triển game không hiếm như trước.
Mặc dù vậy, để xây dựng game cần đầu tư rất lớn. Theo chia sẻ của anh Khánh Duy, nhiều studio trước đây chỉ làm game theo sở thích, không có định hướng và nghiên cứu kỹ càng khi ra sản phẩm và kết quả là không thu được tiền. Họ không hiểu được game là một trong những lĩnh vực phần mềm phức tạp nhất. Chỉ sau khoảng 6 tháng đến 1 năm các thành viên sẽ nản chí và studio tan rã. Chính vì thế khi xác định làm game thì cần chuẩn bị tâm lý để theo đuổi ít nhất trong vài năm. Các sản phẩm game làm ra cần có định hướng rõ ràng về cách kiếm tiền và có kế hoạch marketing.
"Đầu tiên các bạn phải có niềm đam mê và sự kiên trì rất cao. Cần rèn luyện cho bản thân khả năng cảm thụ, phân tích mỗi khi chơi một game hay. Nếu có cơ hội được làm việc trong một công ty game lớn trong nước hoặc nước ngoài thì các bạn nên nắm bắt để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm trong môi trường chuyên nghiệp. Nếu quyết định tự thành lập studio, các bạn nên chuẩn bị vốn trong ít nhất 2 năm và dành nhiều thời gian để tìm kiếm những người cùng mình làm nên sản phẩm" – anh Khánh Duy nói.
Ngoài việc liên tục bổ sung nội dung, cập nhật các phiên bản mới cho game, người làm game cũng cần đầu tư thêm về chất lượng game và tìm cách tối ưu để hiển thị quảng cáo trong quá trình chơi. Phải liên tục thay đổi cách đặt quảng cáo, thử nghiệm các nhà cung cấp quảng cáo khác nhau cho đến khi tìm ra được công thức phù hợp nhất cho từng game.
Ngoài là một sản phẩm công nghệ cao, game còn là một sản phẩm nghệ thuật. Nhiều game được đầu tư lớn không kém những tác phẩm điện ảnh hoành tráng với kịch bản hay, kỹ xảo tốt, âm nhạc lôi cuốn và lối chơi sáng tạo. Người làm game cần hiểu được tâm lý, cảm xúc của người chơi để tạo ra những sản phẩm thật sự tốt. Nhiều bạn trẻ có thể tự học lập trình game rất nhanh nhưng không tìm ra nơi nào để được đào tạo về viết kịch bản, sáng tạo nội dung, mỹ thuật..., do đó, nếu không tìm hiểu sâu và tự học hỏi thật nhiều, khả năng thành công với game là rất thấp.
Sau sự kiện Flappy Bird, cộng đồng developer Việt Nam tuy nhận được sự quan tâm hơn một chút trong giới công nghệ và trên các tin tức về công nghệ, nhưng theo anh Hải Nam thì người tiêu dùng thường không quan tâm sản phẩm tới từ đâu, do đó mức độ thuận lợi khi phát triển và phát hành mỗi game là không đổi. Vì vậy, nếu là người mới, hãy kiếm một doanh nghiệp outsource, học nghề 1-2 năm lấy kinh nghiệm cơ bản, khả năng lập trình, làm việc nhóm, nghiên cứu quy trình, rồi chuyển sang làm trong một startup mới 1-2 năm, sau đó hãy tính đến việc startup của riêng mình nếu muốn.
Ngọc Mai

Post a Comment

 
Top

Nhận xét mới đăng tải!

Loading…
X