Bài liên quan
Không chỉ có trường hợp diva Mỹ Linh bị những kẻ lừa đảo giả mạo để trục lợi, những năm gần đây trên mạng xã hội Facebook xuất hiện rất nhiều Facebook nhái tương tự.
Như VietnamPlus đã thông tin, tối 30/3, trên Facebook của mình, diva Mỹ Linh khuyến nghị mọi người hãy chia sẻ bài viết của cô để cảnh báo cộng đồng mạng về thông tin lừa đảo được trích dẫn trong một đường link đính kèm. Mục tiêu của kẻ gian là tạo ra một bức thư của Mỹ Linh nhằm quảng cáo cho lọ thuốc xịt chống ngủ ngáy.
Trên thực tế, việc tung tin giả mạo những năm gần đây xuất hiện rất nhiều. Không chỉ thế giới mà tại Việt Nam, việc này cũng liên tục được cảnh báo.
Vào năm 2014, danh hài Hoài Linh đã phải lên tiếng vì việc có những trang Facebook giả mang tên anh để kêu gọi từ thiện nhằm trục lợi. Tới năm 2016, anh tiếp tục chia sẻ trên trang cá nhân về việc này và cảnh báo tới cộng đồng nhằm tránh trường hợp xấu xảy ra cho mọi người. Theo ảnh chụp của Hoài Linh, có nhiều trang Facebook giả mạo, trong đó có một trang có hơn 15.000 người theo dõi.
Năm 2015, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng cũng viết dòng trạng thái cũng như chụp trang Facebook giả mạo anh để cảnh báo. “Bạn làm như thế là vì mục đích gì? Đừng nói với tôi là bạn hâm mộ quá và thích quá nhé! Vì các fan của tôi ai cũng có ý thức! Không ai giống như bạn và một số những trang khác đang sử dụng tên và hình ảnh của tôi để tạo trang cá nhân dưới tên của tôi! Nếu không vì mục đích lường gạt người khác thì còn lý do nào nữa????,” nam ca sỹ bức xúc.
Đầu năm 2017, một tài khoản Facebook lấy tên Ưng Hoàng Phúc đăng tải hình ảnh rất nhiều tiền và chia sẻ đó là tiền cátxê một đêm diễn. Tuy nhiên, nam ca sỹ khẳng định rằng đó là giả mạo. Thậm chí, năm 2010, một tài khoản Facebook cũng lấy tên Ưng Hoàng Phúc và trong bài viết có nói xấu ca sỹ Thủy Tiên, năm 2011 thì một tài khoản khác mạo danh anh nói xấu Quang Huy…
Hay như chuyện MC nổi tiếng của Việt Nam là Lại Văn Sâm đã nhiều lần khẳng định 100% tài khoản cá nhân và fanpage trên Facebook mang tên Lại Văn Sâm đều là giả mạo. Thế nhưng, khi gõ vào công cụ tìm kiếm trên mạng xã hội này, có thể thấy nhan nhản các tài khoản có tên và dùng hình ảnh của ông để hút cộng đồng. Thậm chí, có những fanpage thu hút hơn 200.000 lượt like...
Không chỉ trong giới showbiz, các doanh nhân thành đạt cũng bị giả mạo. Mới đây, Công ty Cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) cũng phát thông tin cho biết, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một số trang Fanpage mang tên Trần Bá Dương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco. Ngoài việc phản hồi tới Facebook, Thaco đã khẳng định lãnh đạo của mình không sử dụng bất cứ trang mạng xã hội nào (Facebook, Twitter, Instagarm… ), không sử dụng website, blog cá nhân…
Thậm chí, các trang fanpage bán hàng cũng từng bị… làm nhái. Hồi tháng 9/2016, Thegioididong thông báo một số fanpage giả mạo chuỗi siêu thị Thegioididong và Điện máy Xanh, kêu gọi khách hàng đăng ký để nhận ưu đãi giảm giá sốc như iPhone 5-5S với giá 100.000 đồng. Hãng lập tức khẳng định việc sử dụng tên, logo, hình ảnh của các trang này vi phạm luật pháp, khiến cho người tiêu dùng hoang mang, niềm tin bị giảm sút và quyền lợi của khách hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Fanfage thật và một trang Facebook giả danh Thế Giới Di Động bán iPhone 5/5S với giá 100.000 đồng. (Nguồn: Thegioididong)
“Một trang web giả mạo đăng những thông tin khuyến mại sốc chỉ trong một thời gian ngắn đã thu hút mấy trăm nghìn lượt like, share, comment và đăng ký tham gia và tương ứng với đó là có cả trăm ngàn người đang bị lừa,” đại diện Thegioididong cho biết.
VietnamPlus cũng từng đăng tải nhiều bài viết liên quan tới việc tin tức giả mạo, trong đó có việc đối tượng xấu lợi dụng cái chết của người nổi tiếng để trục lợi. Thậm chí, có những người nổi tiếng đã bị chết từ… 15-20 lần trên mạng Internet.
Kẻ gian thường “cài cắm” sản phẩm quảng cáo của mình vào thông tin của người nổi tiếng nhằm tạo ra thứ nội dung khiến độc giả tin rằng đó là của người nổi tiếng cung cấp và mua sản phẩm.
Hoặc, có nhiều trường hợp, kẻ gian dùng tên, hình ảnh của người nổi tiếng và cập nhật thường xuyên hoạt động của họ. Khi có lượng theo dõi đủ lớn, chủ trang sẽ dùng để cài các đoạn quảng cáo hay tuyên truyền những nội dung xấu độc, kích động bạo lực, chính trị…
Ở góc độ an ninh mạng, cũng không ngoại trừ kẻ gian dùng những tài khoản này để phát tán đường link có chứa mã độc, rồi từ đó ăn cắp tài khoản của họ hoặc tạo niềm tin để lừa đảo trúng thưởng, ăn cắp thông tin… Đây cũng là một xu hướng tấn công mạng phổ biến trong thời gian qua và là một trong năm xu hướng của năm 2017 vừa được Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam chia sẻ.
Đáng chú ý, với sức mạnh của mạng lưới khổng lồ của Facebook và Google, các tin tức giả đang có “đất diễn” để lan truyền một cách chóng mặt. Nhiều người đã lầm tưởng đó là trang của thần tượng và chia sẻ lại trên tường của họ, kéo theo đó là một loạt những người khác cũng mắc sai lầm. Thông thường, người dùng sẽ ít cảnh giác với những dòng tin tức đánh vào tình cảm như thông báo về cái chết, bệnh tật của người nổi tiếng…
Hiểm họa từ những tài khoản giả mạo phát đi tin giả đã rõ ràng, đòi hỏi bản thân Facebook cũng như các mạng xã hội khác phải có những biện pháp khẩn cấp để bảo vệ người dùng. Song, có vẻ như sự bảo vệ này chưa thực sự triệt để và tin tức giả vẫn cứ tràn lan không thể kiểm soát. Có lẽ, đã đến lúc cần áp dụng những biện pháp mạnh hơn nữa từ nhiều phía, nhiều quốc gia để nạn tin tức giả bớt hoành hành, tạo môi trường Internet lành mạnh cho cộng đồng.
Còn ở phía người dùng, trong lúc chờ đợi “cơn bão” FakeNews hạ nhiệt, hơn lúc nào hết khi tham gia vào môi trường mạng cần giữ sự tỉnh táo trước những luồng thông tin khác nhau để tránh gặp phải những trường hợp đáng tiếc./.
Theo Vietnam +
Post a Comment