Bài liên quan
Đó là nhận định của ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) tại sự kiện Ngày Khoa học và Công nghệ ngành Ngân hàng Việt Nam (Banking Vietnam 2016) diễn ra ngày 19/5 tại Hà Nội.
Ngày 19/5, sự kiện Ngày Khoa học và Công nghệ ngành Ngân hàng Việt Nam (Banking Vietnam 2016) đã diễn ra tại Hà Nội với chủ đề: "Đổi mới và sáng tạo – Nhân tố then chốt nâng cao hiệu quả hoạt động và lợi thế cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập mới". Tham dự có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Thành Hưng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh cùng nhiều lãnh đạo ngành CNTT, ngân hàng và các chuyên gia cao cấp khác.
Banking Vietnam 2016 là sự kiện diễn ra thường niên, tạo nên những diễn đàn trao đổi về các xu hướng công nghệ, thách thức về mặt công nghệ, dịch vụ ngân hàng đối với hệ thống ngân hàng trong nước và định hướng của Ngân hàng Nhà nước đối với các hoạt động này.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nói, hiện nay mức độ tự do hoá trong các hoạt động ngân hàng đang tăng lên, cạnh tranh gay gắt, sự kiện Banking Vietnam qua 18 kỳ tổ chức đã góp phần tích cực trong ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là mở rộng tiện ích thanh toán, giúp nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị của ngân hàng, đây cũng là dịp để các ngân hàng nhận diện về cơ hội, thách thức đối với ngành ngân hàng Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, việc mất an toàn thông tin trong lĩnh vực ngân hàng xảy ra với tần suất ngày càng nhiều. Gần đây, hàng loạt sự cố liên quan đến bảo mật ngân hàng đã gây rúng động toàn cầu, trong đó có sự cố ngân hàng Bangladesh bị hacker chiếm đoạn 81 triệu USD. Tiếp đó, một ngân hàng Việt Nam cũng được nêu tên trong việc suýt mất 1 triệu Euro với phương thức tương tự.
Do đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng: "Bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin và ứng dụng hiện đại, ngành ngân hàng cần chú ý trong công tác đảm bảo an toàn thông tin, hệ thống thông tin càng hiện đại thì rủi ro và hậu quả khi mất an toàn thông tin sẽ càng cao".
Thứ trưởng Hưng cũng khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ luôn đồng hành và sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ ngành ngân hàng Việt Nam trong việc ứng dụng CNTT và đảm bảo an toàn thông tin để nâng cao hiệu quả, tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại sự kiện Banking Vietnam 2016
Có một thực tế là trong khi các quốc gia đầu tư nhiều tỷ USD mỗi năm cho công nghệ mới thì ngành ngân hàng ở Việt Nam chỉ dành số tiền khá khiếm tốn cho hoạt động này. Chia sẻ với VnReview, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Xuân Hòe cho biết trung bình mỗi năm các ngân hàng khu vực châu Á Thái Bình Dương đầu tư khoảng 70,2 tỷ USD cho công nghệ. Trong đó, quốc gia có đầu tư lớn vào công nghệ ngân hàng là Malaysia với khoảng 12 tỷ USD/năm.
"Chưa có số liệu chính thức của toàn hệ thống ngân hàng tại Việt Nam nhưng tính riêng 13 ngân hàng và 2 trường đại học, kinh phí đầu tư cho công nghệ và đào tạo khoảng 2.000 tỷ đồng/năm (khoảng 106 triệu USD) và tổng mức đầu tư trong 5 năm trở lại đây là 11.000 tỷ đồng (khoảng 583 triệu USD). Dù mức đầu tư không cao nhưng tất cả công nghệ tiến bộ trên thế giới đã được ứng dụng rộng rãi vào hệ thống ngân hàng Việt Nam", ông Hòe chia sẻ.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước.
Theo vị đại diện của Ngân hàng Nhà nước, hiện chưa có công ty an ninh mạng nào phục vụ dịch vụ công cho chính phủ. Do đó để phòng ngừa nguy cơ mất an toàn thông tin, các ngân hàng cần tạo ra một cơ sở dữ liệu dự phòng, để không may cơ sở dữ liệu đầu tiên bị tấn công thì còn có cơ sở dữ liệu dự phòng. "Chính phủ có thể hỗ trợ các ngân hàng, hoặc các nhà đầu tư có thể giúp chính phủ thuê những công ty an ninh mạng để tăng cường bảo mật cho ngành ngân hàng. Các giải pháp đó trên thế giới đã làm rồi và hoàn toàn có thể áp dụng cho việt nam. Điều đó là hoàn toàn khả thi, vấn đề là chúng ta cần có thể chế, thì mới thực hiện được",vị này nhận định.
Trong bối cảnh ngành ngân hàng đang phải đối mặt với nguy cơ bảo mật toàn cầu, đơn cử như sự cố ngân hàng Bangladesh bị hacker chiếm đoạn 81 triệu USD, ngân hàng TPBank của Việt Nam cũng suýt mất 1 triệu Euro... thì sự kiện Ngày Khoa học và Công nghệ ngành Ngân hàng Việt Nam (Banking Vietnam 2016) được cho sẽ là nơi đưa ra câu trả lời cho các nguy cơ bảo mật trong ngành ngân hàng. Thế nhưng khi được hỏi về vấn đề này, các diễn giả đã thoái thác và yêu cầu phóng viên tìm câu trả lời từ ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Tin học Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước).
Sự kiện Banking Vietnam 2016 được tổ chức bởi Viện Chiến lược Ngân hàng, Cục Công nghệ Tin học và IDG Việt Nam. Năm nay, sự kiện này vẫn tập trung vào hai mảng hoạt động chính là hội thảo và triển lãm với mục tiêu chung là giới thiệu những thành tựu mới về công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản trị - kinh doanh ngân hàng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của hệ thống các ngân hàng Việt Nam.
Hoạt động Hội thảo tại Banking Vietnam bao gồm 1 phiên chính và 2 phiên chuyên đề chuyên sâu. Trong đó, phiên chính của Hội thảo tập trung thảo luận các nội dung về Chiến lược tổng thể phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Cơ hội và thách thức đối với ngành Ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2016-2020; Chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin trên nền tảng kỹ thuật số và Xây dựng hạ tầng bảo mật bền vững cho các ngân hàng.
Hai chuyên đề chuyên sâu lần này là "Nâng cao năng lực quản lý và đổi mới hạ tầng thông tin ngành Ngân hàng" và "Đổi mới kênh phân phối - Nâng cao trải nghiệm và gắn kết khách hàng".
Theo Vnreview
Post a Comment