Bài liên quan
"Cuộc chiến mã hóa" là cụm từ được giới truyền thông Mỹ nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong hai ngày qua sau khi giám đốc điều hành Apple Tim Cook tuyên bố sẽ chống lại phán quyết của tòa án Mỹ đòi hãng này mở khóa một chiếc iPhone để phục vụ cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) điều tra vụ xả súng ở California hồi tháng 12 năm ngoái.
Hai ngày sau tuyên bố của Tim Cook, Apple đã tạo cho mình một liên minh hùng mạnh chống lại chính quyền Mỹ, với các đồng minh là những "ông lớn" trong làng công nghệ Mỹ như Microsoft, Google, Facebook và Twitter.
Đúng như lời Tim Cook nói trong bức thư công bố hôm 17/2, "yêu cầu từ phía FBI là chưa từng có," "chính phủ yêu cầu chúng tôi làm điều chúng tôi đơn giản là không có, và một việc mà chúng tôi cho là quá nguy hiểm để tạo ra. Họ đã yêu cầu chúng tôi xây dựng một backdoor [một phần mềm gián điệp để lấy thông tin trên thiết bị máy tính] trên iPhone."
Yêu cầu trên của tòa án cũng như cơ quan chính phủ Mỹ đã đụng chạm tới nguyên tắc cốt lõi cơ bản trong hoạt động kinh doanh của các hãng công nghệ Mỹ, đó là nguyên tắc bảo mật quyền riêng tư của khách hàng. Và đó là lý do giải thích cho một chuỗi các phản ứng dây chuyền đồng thanh tương hỗ từ các "ông lớn" công nghệ Mỹ ủng hộ quyết định của Tim Cook.
Trong tuyên bố hôm 18/2, thể hiện tình đoàn kết với Tim Cook, giám đốc điều hành Google Sundar Pichai nói: "Chúng tôi biết rằng các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc bảo vệ công chúng chống lại tội phạm và khủng bố."
"Chúng tôi xây dựng các sản phẩm an toàn để giữ thông tin của người dùng an toàn và chúng tôi cung cấp cho các cơ quan thực thi pháp luật quyền truy cập các dữ liệu dựa trên các yêu cầu hợp pháp, hợp lệ. Nhưng đó hoàn toàn khác biệt với yêu cầu công ty cho phép xâm nhập (hack) các thiết bị và dữ liệu của khách hàng. Đây có thể là một tiền lệ đáng lo ngại. "
Tiếp sau Sundar Pichai, giám đốc điều hành của Microsoft Satya Nadella đã dẫn tuyên bố của nhóm Cải cách chương trình theo dõi của Chính phủ Mỹ (RGS) gồm 10 hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ như Apple, Facebook, Google, Microsoft, Twitter và Yahoo, để ủng hộ quyết định của Tim Cook.
Theo tuyên bố của nhóm RGS, các công ty công nghệ không nên bị yêu cầu để xây dựng các backdoor vào các công nghệ lưu giữ thông tin người dùng. Các công ty thuộc RGS vẫn cam kết hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các cam kết bảo vệ sự an toàn và thông tin của khách hàng.
Trong khi đó, mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook cảnh báo phàn quyết của tòa án yêu cầu Apple mở khóa iPhone là một "tiền lệ đáng sợ."
"Gã khổng lồ" mạng xã hội nhấn mạnh họ sẽ "chiến đấu mạnh mẽ" để chống lại những nỗ lực của chính phủ "làm suy yếu tính bảo mật" của các sản phẩm công nghệ tiêu dùng.
Có thể nói, cuộc tranh cãi về vấn đề đảm bảo quyền riêng tư trong các hoạt động sử dụng công nghệ máy tính, di động cá nhân giữa các hãng sản xuất công nghệ và cung cấp dịch vụ Internet với cơ quan bảo vệ pháp luật ở Mỹ vốn dằng co kéo dài nay đã được đưa lên cao trào với vụ mở khóa iPhone của Apple.
Chưa biết kết quả cuộc đấu trên ra sao nhưng rõ ràng vụ việc này đã đặt ra một vấn đề thời sự cấp bách không chỉ riêng nước Mỹ mà còn với bất cứ quốc giao nào khác trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố, diễn biến tội phạm phức tạp cùng sự phổ biến của xu hướng cuộc sống con người gắn liền với công nghệ di động; đồng thời thách thức nguyên tắc bảo mật cốt lõi của các hãng công nghệ, dịch vụ di động./.
Theo Vietnam +
Post a Comment