Bài liên quan
Thông báo mới nhất của Kaspersky Việt Nam phát đi ngày 24/12 cho thấy, lần đầu tiên mối đe dọa ngân hàng điện tử lọt vào Top 10 chương trình độc hại được thiết kế để đánh cắp tiền.
Cụ thể, theo số liệu thống kê từ Kaspersky Security Bulletin 2015, năm 2015, trojan ngân hàng điện tử Faketoken và Marcher là 2 cái tên nằm trong top 10 phần mềm tài chính độc hại. Những chương trình này thuộc về Marcher - “gia đình trojan” chuyên đánh cắp thông tin thanh toán từ thiết bị Android.
Chuyên gia bảo mật Yury Namestnikov của Kaspersky Lab cho hay, năm 2015 tội phạm mạng tập trung thời gian và nguồn lực vào phát triển chương trình độc hại trên thiết bị di động. Điều này là tất yếu khi hàng triệu người trên khắp thế giới hiện đang sử dụng smartphone để thanh toán hàng hóa và dịch vụ.
Ông Namestnikov cũng dự báo, trong năm tới, số chương trình độc hại nhằm vào ngân hàng điện tử thậm chí sẽ còn nhiều hơn nữa.
Cũng theo Kaspersky, trong năm 2015, phần mềm độc hại được sử dụng nhiều nhất thế giới - ZeuS - đã bị Dyre/Dyzap/Dyreza truất ngôi. Hơn 40% cuộc tấn công được trojan ngân hàng thực hiện trong năm 2015 đều là do Dyreza sử dụng thủ pháp hiệu quả để lây nhiễm web nhằm đánh cắp dữ liệu và truy cập vào hệ thống ngân hàng trực tuyến.
Ngoài ra, năm 2015 cũng chứng kiến sự lây lan nhanh của ransomware (mã độc mã hóa tập tin) với nhiều nền tảng mới. Trong đó, có tới 17% cuộc tấn công bằng ransomware nhắm tới Android (chỉ sau 1 năm hệ điều hành phổ biến nhất thế giới bị loại mã độc này nhắm tới)./.
Theo Vietnam +
Post a Comment