Bài liên quan
Những lời "tuyên chiến" với IS của nhóm hacker Anonymous vào đầu tuần này đã gây được sự chú ý. Ít người biết rằng nhiều nhóm hacker khác đã tham gia chống lại tổ chức IS trong suốt thời gian qua.
Vụ tấn công vào Paris đã thổi bùng ngọn lửa chống khủng bố, khiến cho nhiều nhóm hoạt động và hacker đặt mục tiêu tấn công các trang web, tài khoản mạng xã hội có liên quan tới khủng bố.
Nhiều mạng xã hội được khủng bố sử dụng để tuyên truyền, kêu gọi gia nhập
Anonymous là đơn vị "đình đám" nhất đưa ra lời tuyên chiến với IS, tuy nhiên vẫn có nhiều nhóm hacker thầm lặng đang chiến đấu với những phần tử khủng bố trên mạng hàng ngày. Một nhóm có tên gọi Ghost Security Group (GSG), có liên hệ với chính phủ Mỹ trong hoạt động chống khủng bố trên mạng cho biết từ đầu năm nay họ đã đánh sập hàng chục ngàn tài khoản Twitter có liên quan đến khủng bố.
Anonymous là nhóm đầu tiên đưa ra lời tuyên chiến với IS, nhưng cuộc chiến này đã bắt đầu từ lâu
Theo Reuters, GSG sử dụng nhiều phương thức, trong đó có cả việc giả làm người muốn tham gia IS để tìm thông tin của các nhóm ủng hộ IS. Người điều hành nhóm này cho biết phương thức hoạt động của họ "giống như tình báo". Các thông tin thu thập được sẽ được gửi tới FBI và nhiều cơ quan chống khủng bố khác thông qua cố vấn chống khủng bố của Quốc hội Mỹ, Michael S.Smith II.
Ông Smith cho biết một số thông tin do GSG cung cấp rất có giá trị, có thể giúp ngăn chặn các hành động của khủng bố. GSG liên lạc với Smith từ tháng Sáu và gửi các ảnh chụp màn hình cho thấy khủng bố đang chuẩn bị một vụ tấn công tại Tunisia. Thông tin này đã giúp cho các lực lượng kịp thời ngăn chặn vụ tấn công.
Ngoài các nhóm có tổ chức, những hacker hoạt động riêng lẻ cũng đang tích cực tìm kiếm và tấn công các tài khoản trên mạng xã hội và các trang web bị nghi ngờ của khủng bố sau vụ việc tại Paris. Tuy nhiên, các phương thức tấn công như DDoS là bất hợp pháp, còn cách giả làm khủng bố để tìm hiểu thông tin có thể dẫn tới sự hiểu nhầm đối với cơ quan chức năng. Với hành động của GSG, ông Mike Hayden, cựu giám đốc của NSA và CIA cho biết luật pháp của Mỹ có nhiều hạn chế nên các cơ quan của chính phủ không thể chính thức ghi nhận đóng góp của nhóm này, nhưng thực tế vẫn rất hài lòng với các thông tin mà họ cung cấp.
Một cách phản đối khủng bố khác mà mọi người đều có thể làm được là báo cáo các tài khoản nghi ngờ trên Twitter, YouTube hay Facebook. Trong năm qua cả ba mạng xã hội này đều đã hành động nhanh hơn với các báo cáo liên quan tới khủng bố. Facebook chặn tất cả những lời khen ngợi dành cho các nhóm liên quan tới khủng bố, còn YouTube thường xuyên loại bỏ các video bạo lực chỉ trong vài giờ.
GSG cũng cung cấp một danh sách các tài khoản Twitter mà họ đánh dấu là của khủng bố. Những người dùng mạng xã hội này có thể truy cập danh sách và báo cáo từng tài khoản, khiến chúng bị xóa nhanh hơn.
Do bị ngăn chặn trên Twitter, những kẻ khủng bố đang chuyển dần "địa bàn hoạt động" sang Telegram
J. M. Berger, một chuyên gia về IS cho biết ngoài Anonymous và GSG, còn rất nhiều nhóm khác như Counter Extremism Project hay Sawab Center đang thực hiện chống lại những hoạt động của IS trên mạng xã hội. Các hành động này gây khó khăn rất nhiều cho hoạt động tuyên truyền của chúng. Giờ đây IS đã chuyển phần lớn video tuyên truyền lên Telegram, và đây có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo của GSG.
Theo Vnreview
Theo Vnreview
Post a Comment