Bài liên quan
Theo tuyên bố của một tờ báo tại Đức, hệ thống tên lửa Patriot của Đức đặt gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria đã bị một "thế lực nước ngoài" hack để thực hiện "các câu lệnh chưa được làm rõ".
Hệ thống tên lửa Patriot của Không quân Đức
Trong một bài báo được đăng tải vào cuối tuần, tờ Behoerden Spiegen (Đức) khẳng định hệ thống tên lửa Patriot đặt trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria trong khuôn khổ Hiệp ước NATO đã bị một hacker chưa xác định danh tính chiếm quyền kiểm soát trong thời gian ngắn.
Behoerden Spiegen chưa rõ nội dung cuộc tấn công này, song cũng đưa ra giả thuyết rằng lỗ hổng trên hệ thống tên lửa của Đức gây ra cuộc tấn công này là một con chip có vai trò định hướng cho tên lửa hoặc một hệ thống trao đổi thông tin cho phép tên lửa gửi thông tin về hệ thống điều khiển.
Những cuộc tấn công dạng này có thể khiến Patriot mất khả năng phòng vệ trước các tên lửa đối địch hoặc thậm chí là tự động tấn công vào các mục tiêu chưa được cho phép.
Khi trả lời phỏng vấn với tờ Die Welt, đại diện của Bộ Quốc phòng Liên bang Đức đã phủ nhận thông tin này và khẳng định rằng không có dấu hiệu nào cho thấy một vụ hack như vậy đã diễn ra.
Patriot đã được ngụy trang
Hệ thống tên lửa Patriot được Quân đội Mỹ sử dụng từ năm 1984 và bắt đầu được sử dụng trong chiến trận thực kể từ Cuộc Chiến Vùng Vịnh vào năm 1991. Cũng giống như nhiều loại vũ khí khác do Mỹ thiết kế và sản xuất, Patriot cũng được bán cho các đồng minh thân cận của Mỹ như Nhật, Đức, Israel và Arab Saudi.
Gần đây, chính phủ Đức cũng đã tuyên bố sẽ dành nhiều tỷ Euro để nâng cấp các hệ thống tên lửa Patriot lên hệ thống tên lửa mới hơn do Mỹ và Italy thiết kế. Quá trình thay thế được dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2025.
Các hệ thống tên lửa phòng vệ của Đức được đặt gần biên giới Syria trong vòng 2 năm vừa qua, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu các đồng minh NATO phải bảo vệ quốc gia này trước nguy cơ đến từ cuộc nội chiến Syria. Theo Die Welt, hệ thống tên lửa Patriot bao gồm 2 radar và 6 ống phóng. Quân đội quốc gia Đức (Bundeswehr) sở hữu và điều khiển các hệ thống này.
Một chuyên gia an ninh số tại trung tâm nghiên cứu quốc phòng RUSI có tên Ewan Lawson cho rằng do các lý do an ninh, các vụ hack thành công vào các hệ thống tên lửa thường không được thông báo. Lawson cũng khẳng định chỉ có các thế lực quốc gia mới có thể hack được vào các hệ thống như Patriot.
Tên lửa Patriot trong một chuyến ghé thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Israel vào năm 2014
"Đó khó có thể là một tay hacker 'amateur' bỗng dưng gặp may mắn. Khi điều này xảy ra, đó là nỗ lực cố gắng có chủ đích từ một ai đó", chuyên gia của RUSI khẳng định. Theo ông, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nga, Israel và có thể là cả Iran mới có thể có đủ tiềm lực để hack thành công vào Patriot. Tuy vậy, Lawson cũng cho rằng công nghệ được sử dụng trên Patriot cũng đã cũ kỹ và cần phải được cập nhật.
Các tờ báo lớn đều cho rằng lý do để hack vào các hệ thống tên lửa chỉ có thể là để thu thập thông tin nhạy cảm hoặc để chiếm quyền điều khiển tên lửa. Caroline Baylon, một chuyên gia nghiên cứu bảo mật tại Chatham House cho rằng các vụ hack này có thể gây ra mối hại rất lớn.
"Bạn hãy tưởng tượng rằng tên lửa sẽ không được phóng để ngăn chặn các tên lửa đang tấn công, hoặc tên lửa sẽ bị phóng vào các mục tiêu không mong muốn. Các hệ thống tên lửa có cùng các lỗ hổng giống như các hệ thống hạ tầng tối quan trọng khác", Baylon khẳng định.
Sukhoi Su-24 đã từng là "nạn nhân" của Patriot trong cuộc nội chiến Syria
Thông thường, các vụ hack nhắm vào các thế lực công nghiệp hoặc quân sự thường không được công bố rộng rãi. Năm ngoái, Đức đã phải gánh chịu một cuộc tấn công số nhắm vào một xưởng thép không rõ tên, khiến cho một phần nhà máy này bị tê liệt và lò thiêu không thể ngừng hoạt động một cách an toàn.
Tại Iran, khi máy ly tâm tại các nhà máy điện nguyên tử ngừng hoạt động, chính phủ nước này đã nhanh chóng đưa ra các cáo buộc rằng Mỹ và Israel là thủ phạm. Con worm Stuxnet được coi là vũ khí chính trong cuộc tấn công này.
Theo Vnreview
Post a Comment