Bài liên quan
Các nguồn thạo tin tiết lộ Mỹ cách đây 5 năm từng bí mật cố gắng triển khai virus máy tính Stuxnet để tấn công chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Chiến dịch nói trên diễn ra cùng lúc với vụ tấn công bằng “sâu máy tính” Stuxnet hiện đã nổi tiếng thế giới nhằm vào chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran hồi năm 2009 và 2010, làm hư hại ít nhất 1.000 máy ly tâm được sử dụng để làm giàu uranium.
Theo một nguồn tin tình báo Mỹ được Reuters trích dẫn, các chuyên viên phát triển Stuxnet đã tạo ra một loại virus liên quan, vốn sẽ được kích hoạt khi gặp các thiết lập bằng ngôn ngữ Triều Tiên trên một thiết bị nhiễm loại sâu máy tính này.
Tuy nhiên, các chuyên viên Mỹ đã không thể xâm nhập vào "các máy tính cốt lõi" điều khiển chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, một nguồn tin khác từng là quan chức tình báo cấp cao của Mỹ được báo cáo về chương trình trên, cho biết.
Hệ thống mạng của Triều Tiên thuộc loại khó xâm nhập nhất thế giới.
Cựu quan chức tình báo này còn nói thêm rằng chiến dịch do Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) chỉ huy này đã thực sự lúng túng trước sự bí mật tuyệt đối của Triều Tiên, cũng như trước tình trạng hoàn toàn cô lập với bên ngoài của hệ thống thông tin liên lạc của nước này.
Triều Tiên được cho là đang sở hữu một trong những mạng lưới thông tin liên lạc biệt lập nhất thế giới. Người dân Triều Tiên phải xin phép cảnh sát nếu muốn sở hữu máy tính và mạng Internet chỉ dành cho một nhóm nhỏ quan chức cấp cao. Triều Tiên cũng chỉ có duy nhất đường cáp Internet chính kết nối với thế giới bên ngoài thông qua quốc gia đồng minh Trung Quốc.
Trái lại, người Iran lướt web thoải mái và có tương tác với các công ty trên khắp thế giới, nên nguy cơ bị tấn công mạng cao hơn so với Triều Tiên.
Một phát ngôn viên của NSA đã từ chối bình luận về thông tin này. Cơ quan này trước đó cũng hết sức “kiệm lời” về vụ tấn công bằng virus Stuxnet nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo.
Mỹ từng xúc tiến nhiều chiến dịch gián điệp mạng, nhưng Triều Tiên là quốc gia thứ hai sau Iran trở thành mục tiêu bị NSA tấn công bằng phần mềm được thiết kế để hủy hoại thiết bị.
Washington lâu nay luôn bày tỏ lo ngại về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, coi chương trình này vi phạm các thỏa thuận quốc tế. Triều Tiên đã phải gánh chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt sau khi tiến hành một số vụ thử tên lửa và hạt nhân.
Tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Washington và Bắc Kinh đang thảo luận khả năng tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng. Triều Tiên coi các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này là hành động tấn công vào quyền tự vệ của họ.
Theo PCWorld
Post a Comment