Bài liên quan
An ninh mạng đang trở thành vấn đề nóng ở Đức sau vụ toàn bộ hệ thống máy tính của Hạ viện nước này bị nhiễm phần mềm gián điệp. Mục tiêu của tin tặc không chỉ nhắm vào hạ tầng mạng của các cơ quan công quyền mà còn vào các doanh nghiệp của Đức.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn kết quả nghiên cứu của Hiệp hội công nghệ thông tin Đức (BITKOM) vừa công bố, cho thấy trung bình có tới một nửa số doanh nghiệp Đức từng là nạn nhân của các hoạt động đánh cắp dữ liệu, phá hoại hoặc gián điệp kinh tế và tập trung trong các ngành công nghiệp trọng yếu của Đức là sản xuất ôtô, hóa học và dược phẩm. Dữ liệu trong máy tính hoặc máy tính bảng của các nhà sản xuất ở những lĩnh vực này thường bị đánh cắp hoặc sao chép.
Theo chuyên gia Stefan Tomanek thuộc Viện An ninh mạng Đức, hầu hết các doanh nghiệp Đức hiện không được bảo vệ trước các cuộc tấn công mạng.
Ông Tomanek cũng đánh giá các doanh nghiệp nhận thức rất hạn chế về an ninh công nghệ thông tin và hầu hết không có các phương án đối phó khi xảy ra trường hợp mất cắp dữ liệu hoặc các bí mật bị công khai, nếu có cũng chỉ là trang bị các công nghệ mới sau một sự việc nhất định và sau đó không cập nhật thêm.
Trong khi đó, theo hãng an ninh mạng G-DATA, điểm yếu lớn nhất trong vấn đề an ninh mạng lại nằm ở con người.
Theo hãng này, các doanh nghiệp cần đào tạo nhân viên tốt hơn, đặc biệt là hướng dẫn cho họ biết về các nguy cơ bị tấn công mạng. Đa phần nhân viên ở các tập đoàn không quan tâm tới vấn đề này và có xu hướng sử dụng các thiết bị cá nhân kết nối và hệ thống mạng của doanh nghiệp. Những thiết bị cá nhân này hầu hết không được cài phần mềm bảo mật và trở thành cánh cửa để tin tặc tấn công vào hệ thống máy tính của cả doanh nghiệp.
Đức là nước có nhiều tập đoàn toàn cầu và nhiều doanh nghiệp quy mô vừa rất mạnh nhờ kinh nghiệm lâu năm, trình độ kỹ thuật cao và các bí quyết kinh doanh. Tuy nhiên, những lợi thế này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm mạng./.
Theo Vietnam +
Post a Comment