Bài liên quan


Tác chiến mạng là dạng xung đột dựa trên Internet với những hành động tiến công vì động cơ chính trị nhằm vào thông tin và các hệ thống thông tin của đối phương. Hiện nay, bất kỳ quốc gia nào cũng có thể phát động chiến tranh trên không gian mạng để chống bất kỳ quốc gia nào khác, vì hầu hết các hoạt động kinh tế, chính trị, và cả quân sự đều dựa vào mạng và kết nối với Internet. Cuộc chạy đua vũ trang mới trên không gian mạng giữa các quốc gia đang nóng dần lên. Mỹ cũng như các quốc gia khác đang tăng cường lực lượng tiến công trên không gian mạng. Dưới đây giới thiệu về lực lượng tác chiến mạng thuộc Lục quân Mỹ.
Đánh giá được tầm quan trọng chiến lược của đấu tranh vũ trang trong không gian mạng để đạt mục đích quân sự, nên Bộ chỉ huy Quân đội Mỹ thành lập lực lượng tác chiến mạng (LLTCM) và không những tăng cường tiềm lực của lực lượng này.
Hiện tại, LLTCM (tổng số hơn 60 nghìn quân và chuyên viên dân sự) không phải là binh chủng riêng, mà nằm trong thành phần Bộ chỉ huy tác chiến trong không gian mạng của Lục quân, Không quân, Hải quân và Hải quân đánh bộ đều  trực thuộc Bộ chỉ huy tác chiến không gian mạng (USCYBERCOM) của Bộ chỉ huy chiến lược liên hợp. Về mặt hành chính thì trực thuộc Bộ trưởng các lực lượng vũ trang và Tư lệnh hải quân đánh bộ.
Ví dụ, thành phần tác chiến mạng trong lục quân là Bộ chỉ huy tác chiến vũ trụ của Lục quân (hoặc Bộ chỉ huy tác chiến mạng). Chức năng chính của đơn vị này là tổ chức, huấn luyện, trang bị và sử dụng LLTCM trong lục quân, để hỗ trợ hoạt động cho Bộ chỉ huy tác chiến không gian mạng, bảo vệ mạng hạ tầng của Bộ quốc phòng và chiếm ưu thế trong không gian mạng toàn cầu, cũng như các chiến dịch quân sự của Quân đội Mỹ.
Bộ chỉ huy tác chiến mạng Lục quân có nhiệm vụ: Lập kế hoạch đồng thời chỉ huy hoạt động tác chiến mạng của Lục quân (hoạt động, tiến công); Kiểm tra tình trạng mạng máy tính và bảo vệ mạng chỉ huy - thông tin toàn cầu của lục quân; Duy trì thông báo về tình trạng không gian mạng bằng cách thu thập và xử lý thông tin; Tổ chức phối hợp với bộ chỉ huy tác chiến mạng các quân, binh chủng khác; Tiến hành nghiên cứu trong môi trường tác chiến không gian mạng, hiện đại hóa phương tiện mạng và đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực này.
Quân số của Bộ chỉ huy tác chiến mạng Lục quân Mỹ (và 2 tập đoàn quân) lên tới gần 7 nghìn quân và 14 nghìn chuyên viên dân sự. Trong thành phần 2 tập đoàn quân có Bộ chỉ huy mạng và công nghệ máy tính và Bộ chỉ huy trinh sát và an ninh. Cơ quan này liên quan phần nào tới việc tổ chức và tiến hành tác chiến mạng, có lực lượng và phương tiện của Bộ chỉ huy các chiến dịch thông tin mặt đất và bộ phận tác chiến trong không gian mạng.
Các đơn vị thuộc lực lượng tác  chiến  mạng của Lục quân Mỹ bao gồm:
1. Trung tâm tác chiến mạng và tích hợp hệ thống máy tính được triển khai tại Fort - Belvoir, là khâu then chốt trong hệ thống thông báo tình huống trong lực lượng Lục quân và quyết định giải pháp tiến hành tác chiến mạng. Trung tâm này được thành lập năm 2009, bằng cách liên kết nhóm ứng phó khẩn cấp khi xảy ra sự cố với mạng máy tính của lục quân và trung tâm tác chiến và an ninh mạng toàn cầu.
Nhiệm vụ của các tổ chức này bao gồm: trực tiếp chỉ huy lực lượng tác chiến mạng Lục quân bằng cách cung cấp các thông tin và mệnh lệnh tương ứng; thu thập và tổng hợp thông tin từ các đài quan sát tình huống trong mạng máy tính; tổ chức hiệp đồng với trung tâm tác chiến liên hợp của bộ chỉ huy tác chiến mạng chiến lược liên hợp và các trung tâm tác chiến mạng của các quân, binh chủng. 
2. Bộ chỉ huy mạng máy tính và công nghệ, có Ban tham mưu đóng tại Fort-Huachuca (bang Arizona) với nhiệm vụ chỉ huy “tác chiến mạng bảo đảm” bằng các biện pháp bảo đảm an ninh và bảo vệ mạng (bảo vệ thông tin và mạng máy tính, đối phó với các hoạt động bất hợp pháp), điều hành hệ thống hạ tầng mạng (lập kế hoạch, thiết kế, triển khai mạng, lắp đặt và bảo dưỡng thiết bị), cũng như dự báo hệ thống (phát hiện và sửa chữa hư hỏng).
Quân số của bộ này có tới gần 6 nghìn quân và 11 nghìn chuyên gia dân sự, hoạt động ở tuyến trước qua 6 trung tâm an ninh hạ tầng mạng và tác chiến mạng tại một số thành phố của Đức, Mỹ, Hàn Quốc....
Những trung tâm này được thành lập vào thời gian từ 2009 đến 2011, bằng cách phối hợp các trung tâm thông tin liên lạc, trung tâm xử lý thông tin, trung tâm an ninh và tác chiến mạng đã hoạt động ở tuyến trước. Chức năng của các trung tâm này là tổ chức cho các cơ sở mạng khu vực làm việc liên tục, an toàn; giữ ổn định truy xuất thông tin, dữ liệu khi diễn ra các chiến dịch quân sự trong khu vực chịu trách nhiệm của Bộ chỉ huy liên hợp các lực lượng vũ trang Mỹ.
3. Bộ chỉ huy tình báo và an ninh (đóng tại Fort-Belvoir) chịu trách nhiệm chỉ huy “hoạt động chiến đấu trên mạng”, là hoạt động ngoài phạm vi mạng thông tin-chỉ huy toàn cầu của Lục quân. Bộ chỉ huy tình báo và an ninh này có tổng số gần 8 nghìn quân và 9 nghìn chuyên gia dân sự. 
Để giải quyết nhiệm vụ, trong thành phần Bộ chỉ huy đã thành lập Tổ tình báo quân đội hoạt động chiến đấu trên không gian mạng, với nhiệm vụ chính là hoạt động tiến công ở tuyến trước theo ý đồ của chỉ huy khu vực. Tổ này còn có nhiệm vụ thu thập tin tình báo ở các mạng và hệ thống máy tính của các quốc gia khác, nghiên cứu về các mối đe dọa không gian mạng và tiến hành tấn công có chủ đích.
Bên cạnh đó là Bộ chỉ huy các chiến dịch thông tin mặt đất (đóng tại Fort-Belvoir), có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và hoàn thiện các biện pháp tiến hành chiến dịch thông tin cũng như đào tạo nhân lực cho công việc chuyên môn; nghiên cứu phương pháp và khả năng tích hợp tác chiến mạng (hoạt động, tiến công) với chiến dịch thông tin và các chiến dịch quân sự khác của Lục quân Mỹ.
Tư lệnh chỉ huy mạng máy tính và công nghệ đồng thời là Phó tư lệnh Bộ chỉ huy tác chiến trong không gian mạng, còn Tư lệnh Bộ chỉ huy trinh sát và an ninh là Phó tư lệnh về “Hoạt động chiến đấu trên mạng”. Sự phân chia trách nhiệm này xác định phạm vi hoạt động của lực lượng trong và ngoài giới hạn mạng thông tin - chỉ huy toàn cầu của Lục quân.
Bộ chỉ huy Lục quân quan tâm tới vấn đề sử dụng lực lượng tác chiến mạng, theo đánh giá của các chuyên gia Mỹ, không chỉ trong các quân binh chủng của Quân đội Mỹ mà còn thúc đẩy phát triển lý thuyết và thực hành đấu tranh trong không gian mạng. Một ví dụ về vấn đề này, đó là trong Lục quân đã có lệnh tiến hành tác chiến mạng trong thời bình. Ngoài ra, Bộ chỉ huy Lục quân đã nỗ lực lên kế hoạch chiến lược về tiến hành tác chiến mạng cho tương lai. Kế hoạch soạn thảo của Bộ chỉ huy Lục quân có tiêu đề: “Kế hoạch phát triển khả năng của Lục quân trong tiến hành tác chiến trong không gian mạng giai đoạn từ 2016 đến 2028”. Văn bản này phản ánh cách nhìn nhận của Mỹ về vai trò và vị trí của LLTCM trong hệ thống bảo đảm an ninh quốc gia và hướng tới sử dụng rộng rãi trong quân sự. Chẳng hạn, họ đánh giá tình huống tác chiến 10-15 năm sau để đưa ra yêu cầu phát triển LLTCM.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, Bộ chỉ huy tác chiến mạng thuộc Bộ chỉ huy chiến lược liên hợp, không chỉ giữ vai trò là cơ quan chủ chốt điều hành LLTCM, mà còn chỉ đạo tiến hành tác chiến mạng của quân đội NATO. Mục đích là tập hợp tiềm năng của các nước đồng minh và tạo dựng một cơ sở dữ liệu thống nhất, trong đó tập trung nỗ lực nắm vững tình huống trong không gian mạng để giúp quân đội Mỹ giữ ưu thế so với đối phương. Để đạt được điều này, Mỹ đang có xu hướng xây dựng môi trường thông tin theo nguyên tắc “mạng trung tâm”, không phân đoạn theo không gian, phạm vi, chủ đề, tổ chức và các đặc điểm khác. 
Nhằm giải quyết nhiệm vụ này, Mỹ không chỉ đưa mạng chỉ huy - thông tin toàn cầu “GIG” vào cơ cấu mà còn phát triển khả năng trinh sát trong không gian mạng song song với các hình thức trinh sát khác, để phân biệt mối đe dọa thật và giả, cũng như thể hiện sức mạnh số của Mỹ ngoài phạm vi phân khúc của mình. Cũng theo tiêu chí này, tác chiến mạng được phân loại như sau:
Hoạt động chiến đấu trong không gian mạng (Chiến tranh mạng): tác động lên đối phương mang tính toàn cầu, ngoài phạm vi mạng chỉ huy.
Hoạt động trên mạng đối phương và Bảo đảm tác chiến trong không gian mạng: hoạt động ở ranh giới phân khúc không gian mạng của Lục quân Mỹ.
Đấu tranh trong không gian mạng: theo nghĩa rộng có thể hiểu là hoạt động trinh sát (tình báo).
Ngoài ra, những khả năng khác cũng được chú trọng (phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và thực thi pháp luật) và các hoạt động được tiến hành trên một nền tảng nhất quán, theo một ý tưởng thống nhất với tác chiến mạng (trinh sát vô tuyến điện tử, hoạt động trong phổ điện từ và các không gian khác).
Nói chung, phương pháp tiếp cận của Lục quân Mỹ đối với việc phân loại tác chiến mạng đã được nghiên cứu kỹ và hoàn toàn dựa trên các nguyên tắc “mạng trung tâm”. Điều này giải thích sự quan tâm của các chuyên gia Mỹ tới nội dung các nhiệm vụ được giải quyết trong quá trình tiến hành tác chiến mạng. Với việc thực hiện “tác chiến mạng bảo đảm”, Bộ chỉ huy Lục quân Mỹ không chỉ tổ chức bảo vệ mạng, mà còn duy trì việc truy cập dữ liệu được liên tục, ổn định dựa trên cơ sở hạ tầng mạng khi tiến hành các hoạt động quân sự.
Quân đội Mỹ đang tích cực chuẩn bị để có thể sẵn sàng cho những cuộc chiến tranh mạng trên quy mô lớn. Giới chỉ huy quân sự Mỹ tin tưởng vào xu thế tất yếu và thắng lợi của những người đầu tiên xây dựng các điều kiện bảo đảm cho ưu thế hoạt động của mình trong không gian mạng. Quân đội Mỹ đã xây dựng và tiếp tục hoàn thiện hệ thống chỉ huy tác chiến trong không gian mạng, đã được chứng minh qua thực tế và nghiên cứu của Bộ chỉ huy Lục quân Mỹ.

Theo ATTT

Post a Comment

 
Top

Nhận xét mới đăng tải!

Loading…
X