Bài liên quan
Máy đánh chữ cổ điển đang quay trở lại các cơ quan chính phủ phương Tây thay cho máy vi tính hiện đại.
Một chiếc máy đánh chữ hiệu Olivetti Lettera 22 - Ảnh: Reuters |
Theo báo Guardian, mới đây chính trị gia người Đức Patrick Sensburg chính thức kêu gọi Chính phủ Đức sử dụng máy đánh chữ, vì đó là công nghệ “không thể bị xâm nhập”.
Trên thực tế ngay sau vụ “người thổi còi” Edward Snowden phanh phui chương trình do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), Chính phủ Nga đã bắt đầu dùng lại máy đánh chữ để tránh nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu tương tự. Ông Nikolai Kovalev, cựu giám đốc Tổng cục An ninh Liên bang Nga, từng khẳng định: “Để giữ bí mật, phương thức hiệu quả tối ưu là viết tay hoặc đánh máy chữ”.
Sở Cảnh sát thành phố New York (Mỹ) gần đây chi gần 1 triệu USD để trang bị máy đánh chữ loại thủ công hoặc dùng điện. Tòa soạn báo Times ở London (Anh) thậm chí còn lắp đặt một chiếc loa phát ra âm thanh máy chữ để tạo thêm hưng phấn cho đội ngũ phóng viên, biên tập.
Báo Guardian phân tích: “Sau khi bạn đánh máy một tài liệu và cất vào chỗ an toàn, gần như cách duy nhất để người khác lấy được là khi chính bạn đưa nó cho họ. Đây là lý do vì sao người Nga quyết định trở lại với máy đánh chữ ở một vài văn phòng chính phủ. Và đó cũng là lý do vì sao tại Mỹ, một số cơ quan chưa bao giờ có ý cho các máy đánh chữ về vườn”.
Chuyên gia lý thuyết truyền thông Mỹ Henry Jenkins cho rằng các phương tiện truyền thông cũ không bao giờ chết, chúng chỉ đơn giản thay đổi hình thái. Và trong xã hội hiện đại, máy đánh chữ thậm chí không chết mà có vẻ như đang hồi sinh.
Theo Tuoitre
Post a Comment