Bài liên quan

Kết nối Internet tại Triều Tiên hoàn toàn tê liệt hôm thứ Hai (22/12) sau vài ngày hoạt động không ổn định. Đây được xem là một trong các sự cố nghiêm trọng nhất mà mạng Internet Triều Tiên gặp phải những năm qua.

Diễn biến mạng tại Triều Tiên từ ngày 21/12 đến 22/12. Nguồn: Dyn Research
Internet “sập” tại Triều Tiên chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu Mỹ sẽ có “lời đáp trả cân xứng” tới những cuộc tấn công gần đây nhằm vào Sony Pictures mà FBI cho  là Triều Tiên có liên quan. Chưa có bằng chứng rõ ràng về nguyên nhân sập mạng tại đây.
Doug Madory, Giám đốc Phân tích Internet tại Dyn Research, một công ty quản lý Internet, cho biết tín hiệu Internet tại Triều Tiên chập chờn từ thứ Sáu (19/12). Tình trạng ngày càng tệ hơn vào cuối tuần và sáng thứ Hai, Internet Triều Tiên chính thức tê liệt. Ông nhận định có khả năng Triều Tiên bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS). CloudFlare, công ty Internet có trụ sở tại San Francisco, cũng xác nhận lượng lớn kết nối Internet tại Triều Tiên bị triệt tiêu, “cho thấy mạng Triều Tiên đã biến mất”.
Triều Tiên hiện có khoảng 1.024 địa chỉ giao thức Internet song con số thực sự có thể cao hơn. Trong khi đó, Mỹ có hàng tỷ địa chỉ tương tự. Các địa chỉ tại quốc gia châu Á được quản lý bởi Star Joint Venture, nhà cung cấp dịch vụ Internet của nhà nước, định tuyến các kết nối qua China Unicom của Trung Quốc.
Dù sự cố gián đoạn dịch vụ có thể do các vấn đề bảo trì gây ra, ông Madory và các chuyên gia khác cho biết những vấn đề như vậy thường không gây ra tổn thất trên diện rộng và kéo dài.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Obama đề nghị Trung Quốc giúp ngăn chặn khả năng phát động tấn công mạng của Triều Tiên, bước đi đầu tiên hướng tới “lời đáp trả cân xứng” của ông Obama cũng như cảnh báo sâu rộng đến các đối tượng khác đang có ý đồ thực hiện các cuộc tấn công tương tự nhằm vào Mỹ trong tương lai.
Tuy nhiên, sự cố Internet gián đoạn dường như không ảnh hưởng đến phần lớn dân chúng Triều Tiên, những người chưa được tiếp cận với Internet. Đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất chính là các hãng thông tấn cũng như lực lượng chiến binh  mạng.
Nếu cuộc tấn công bắt nguồn từ Mỹ, đây có thể xem như trường hợp hiếm vì Mỹ thường dồn sức cho các chiến dịch gián điệp mạng nhằm thu thập thông tin quốc phòng hoặc về nghi phạm khủng bố. Trong cuộc chiến Iraq, Mỹ từng gửi đi các tin nhắn giả mạo tới  máy tính hay điện thoại để dụ Al Qaeda vào bẫy.
Tấn công DDoS mang tính chất phá hoại nhiều hơn, chỉ có tính tạm thời và khiến đối tượng tốn thêm một chút chi phí khắc phục. Các chuyên gia an ninh cho rằng có nhiều giả thiết về sự cố mạng tại Triều Tiên, chẳng hạn Triều Tiên ngắt kết nối để chuẩn bị cho cuộc tấn công khác hay đây là kết quả của nhóm tin tặc nào đó.
Theo ICTNews

Post a Comment

 
Top

Nhận xét mới đăng tải!

Loading…
X