Bài liên quan
Giám đốc phân tích Doug Madory của hãng nghiên cứu Dyn Research cho rằng, sự cố "sập Internet toàn diện" tại Triều Tiên hết sức bất thường và "không giống với bất cứ hiện tượng nào" ông từng thấy trước đó.
Mặc dù vậy, Madory cũng không dám khẳng định về nguyên nhân của sự cố, cũng như đưa ra bất cứ giả thiết nào về tác giả vụ tấn công nhằm vào Triều Tiên. "Tôi không biết ai đã làm việc này, nhưng biểu hiện của vụ việc rất không bình thường. Thường thì hệ thống mạng của họ rất vững và ổn định", Bloomberg dẫn lời.
Sau 24 giờ hoạt động chập chờn và ngày một thiếu ổn định thì mạng Internet quốc gia của Triều Tiên đã hoàn toàn bị sập trong hơn 2 tiếng đồng hồ, trang Twitter của Dyn Research đưa tin. Rất nhiều phỏng đoán đã được đưa ra, hoặc có thể chính phủ Bình Nhưỡng chủ động ngắt kết nối để bảo trì nhưng cũng có thể là nạn nhân của một chiến dịch tấn công mạng. Hơn nữa, thời điểm của vụ việc cũng dấy lên nhiều nghi ngờ bởi nó trùng với lúc chính phủ Mỹ đang cáo buộc Triều Tiên đứng đằng sau vụ tấn công nhằm vào Sony Pictures hồi cuối tháng 11. Thậm chí Tổng thống Mỹ Barack Obama đã "thề" sẽ có hành động thích đáng đáp trả Bình Nhưỡng vì vụ tấn công này.
"Chúng tôi đang cân nhắc những lựa chọn đáp trả", người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Marie Harf cho biết trong cuộc họp báo ngắn đêm qua (giờ Việt Nam). Đây có thể coi là bước ngoặt mới nhất liên quan đến bộ phim "The Interview" của hãng Sony Pictures. Với hai ngôi sao Seth Rogen và James France, bộ phim này dự định công chiếu dịp Giáng sinh năm nay với kịch bản đề cập đến âm mưu ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên. Phía Bình Nhưỡng đã chỉ trích gay gắt bộ phim, nhưng Sony quyết định vẫn giữ nguyên kế hoạch công chiếu.
Đến cuối tháng 11 vừa qua, một nhóm hacker tự nhận là ủng hộ Triều Tiên đã đánh cắp hàng ngàn tài liệu mật bên trong hệ thống máy tính của Sony rồi tung hê lên mạng Internet. Chúng đe dọa sẽ tiếp tục tấn công khủng bố bất cứ rạp nào đồng ý chiếu bộ phim. Sony cuối cùng cũng phải cúi đầu trước sức ép và hủy phát hành The Interview. Tuy nhiên, quyết định này của Sony cũng vấp phải sự phản đối và chỉ trích từ phương Tây, do đó, hãng này lại chữa cháy bằng việc cải chính rằng, "đang cân nhắc cách thức khác để phát hành bộ phim".
Cùng lúc, các quan chức của Chính phủ Mỹ tuyên bố vụ Sony bị hack có liên quan tới Bình Nhưỡng nhưng không tiết lộ chi tiết cụ thể về cáo buộc này. Tuần trước, FBI thông báo rằng họ có những bằng chứng cho thấy Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về vụ việc nhưng không cung cấp bất cứ thông tin nào để "bảo vệ các nguồn tin nhạy cảm". Về phần mình, Triều Tiên phủ nhận mọi liên đới với vụ tấn công nhưng lại lên tiếng ca ngợi các hacker.
Tuy vậy, theo Huffington Post thì ngoại trừ Nhà Trắng tỏ ra chắc chắn với kết luận về vai trò của Triều Tiên trong vụ việc, các chuyên gia bảo mật đều không dám khẳng định chuyện gì đã thực sự xảy ra. Một số nhà nghiên cứu, thậm chí cả thành viên của nhóm hacker khét tiếng Anonymous đã chất vấn về việc liệu có đủ bằng chứng để đổ tội cho Triều Tiên thật hay không.
"Tôi chưa thấy bằng chứng nào cho thấy Triều Tiên đứng đằng sau vụ này", Kyle Wilhoit, một nhà nghiên cứu cao cấp của Trend Micro cho biết. Wilhoit cho rằng nếu chỉ vì FBI nhìn thấy những điểm tương đồng giữa đoạn mã được sử dụng trong vụ hack Sony với các mã độc khác của Triều Tiên thì chưa thể kết luận chúng cùng do một kẻ tấn công gửi đi.
"Tôi biết có thể phía Mỹ đang có nhiều dữ liệu mà họ không thể chia sẻ, nhưng chừng nào tôi chưa có thêm được bằng chứng, chừng đó tôi vẫn nghi ngờ", ông nói.
Marc Rogers, Giám đốc bảo mật của Hội thảo Def Con cũng phản biện cáo buộc của FBI rằng địa chỉ IP dẫn đến Triều Tiên là "bằng chứng thiếu thuyết phục nhất". Trong bài viết trên blog cá nhân ngày hôm qua, Rogers nói rằng địa chỉ IP là chứng cớ mơ hồ nhất trong các vụ điều tra hacker.
Cùng lúc, nhà phân tích Kim Zetter cũng lập luận rằng, các hacker "nhà nước" thường không theo đuổi những nạn nhân có cơ chế bảo mật kém hoặc đăng tải các dữ liệu đánh cắp được lên Pastebin như diễn biến của vụ Sony hack. Đây đều là những đặc trưng của các nhóm hacker như Anonymous và Lulzec.
Bản thân một thành viên của Anonymous cũng chia sẻ với Huffington Post rằng anh ta nghi ngờ việc Triều Tiên là thủ phạm.
Theo VietnamNet
Post a Comment