Bài liên quan
Mặc dù các thiết bị di động ngày nay đã được trang bị bộ nhớ trong với dung lượng lớn hơn các thế hệ trước nhiều nhưng chúng vẫn dễ dàng bị đầy một cách nhanh chóng. Sẽ thật tuyệt vời nếu như bạn có thể mở rộng thêm dung lượng lưu trữ cho điện thoại bằng cách gắn thêm ổ đĩa USB flash. Hãy cùng tham khảo bài viết sau để biết được cách thực hiện.
Ngay cả khi chiếc điện thoại Android của bạn có khe cắm thẻ nhớ ngoài SD thì vẫn khá bất tiện khi bạn muốn đọc các file hay sao chép chúng từ bộ nhớ máy ra thẻ SD và ngược lại (đặc biệt là khi bạn có cài các ứng dụng lưu trữ trên thẻ SD).
Nếu bạn muốn chuẩn bị một vài bộ phim để xem trên máy bay hay tại khách sạn trong chuyến đi du lịch sắp tới thì bạn cũng không cần phải dọn dẹp lại bộ nhớ để dành chỗ cho những file phim với dung lượng khá lớn này. Mọi việc sẽ dễ dàng hơn nếu bạn bạn chép các file phim đó lên một ổ đĩa flash (còn hay được gọi là USB) giá rẻ với dung lượng trống thoải mái và cắm vào xem khi cần. Việc đó sẽ giúp tiết kiệm khá nhiều dung lượng bộ nhớ trong cho chiếc điện thoại của bạn.
Hiếm có thiết bị Android nào đi kèm với một cổng USB kích thước chuẩn, vì vậy bạn sẽ cần một chút chuẩn bị để có thể thực hiện việc gắn thêm ổ đĩa flash cho thiết bị của mình. Hãy xem bạn cần phải chuẩn bị những gì, và cách kiểm tra xem thiết bị của bạn có hỗ trợ các thiết bị cần thiết để thực hiện công việc này hay không?
Vậy bạn cần chuẩn bị những gì ?
1. Một sợi dây cáp OTG.
Công nghệ giúp cho bạn gắn thêm một ổ đĩa flash lên thiết bị Android của mình thực chất chính là công nghệ kết nối On – The – Go (OTG). Đa số cổng USB (gồm cả USB tiêu chuẩn cỡ lớn, mini USB và micro USB) nói chung đều chỉ ở dạng khách. Nhưng thời gian gần đây cổng USB trên các thiết bị di động đã được cải tiến để thêm vào chức năng hoạt động như là thiết bị chủ, người ta gọi đó là kết nối USB OTG.
Đây là một dạng kết nối cho phép thiết bị di động hoạt động như một máy tính, kết nối và đọc thông tin từ ổ USB, ổ cứng gắn ngoài hay dùng chuột và bàn phím để điều khiển.
Vì trên điện thoại thường sử dụng cổng microUSB nên ta cần một chiếc cáp (thường gọi là cáp OTG) để chuyển cổng microUSB thành cổng USB tiêu chuẩn, từ đó có thể giao tiếp với các thiết bị ngoại vi khác. Cáp OTG có giá khá rẻ, khoảng 50.000đ và được bán rộng rãi trên thị trường.


Những sợi cáp OTG có thể dễ dàng tìm thấy trên thị trường
2. Một chiếc điện thoại hỗ trợ kết nối OTG.
Thật không may, tuy công nghệ kết nối OTG đã được Android hỗ trợ trong nhiều năm nhưng không phải thiết bị di động nào chạy hệ điều hành Android cũng tự động hỗ trợ công nghệ này. Ngoài các yếu tố như sự hỗ trợ từ lõi Android Kernel và các driver đi kèm thì chiếc máy Android của bạn cũng cần sự tương thích về mặt phần cứng. Nếu phần cứng máy bạn không cho phép thiết bị trở thành máy chủ thông qua kết nối OTG thì bạn không thể tận dụng những lợi ích của OTG để gắn thêm ổ đĩa flash cho máy của mình.
Việc kiểm tra xem liệu chiếc điện thoại của bạn có hỗ trợ OTG không là tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, nó lại không được khuyến khích từ các nhà sản xuất. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng một số ứng dụng hỗ trợ như USB OTG Checker để kiểm tra.
Ứng dụng USB OTG Checker giúp bạn kiểm tra xem thiết bị của mình có hỗ trợ kết nối OTG hay không?
Một vấn đề khác nữa là nếu phần cứng của bạn đã hỗ trợ kết nối OTG nhưng kernel hay phiên bản Android của bạn chưa hỗ trợ thì bạn cần phải thực hiện một số việc như root máy, cài đặt driver hay cài ROM mới có hỗ trợ OTG. Nhưng bạn cũng cần tìm hiểu kỹ những kiến thức cần thiết trước khi thực hiện những công việc này. Chúng tôi khuyên bạn nên tìm kiếm trên các diễn đàn về thiết bị di động nổi tiếng như XDA-Developer để có những hướng dẫn cụ thể.
3. Ổ gắn ngoài
Thứ cuối cùng mà bạn sẽ cần phải chuẩn bị là một chiếc ổ flash gắn ngoài với dung lượng phù hợp với nhu cầu sử dụng của bạn. Một điều cần lưu ý đó là bạn cần kiểm tra xem ổ flash của bạn đã được đưa về định dạng FAT32 hay chưa vì mặc định Android chỉ hỗ trợ ổ USB với định dạng này.
Thực hiện
Trước tiên bạn cần cắm cáp OTG vào thiết bị Android của mình. Sau đó cắm ổ flash vào cáp OTG. Khi ổ flash được kết nối vs thiết bị Android của bạn thông qua cáp OTG thì trên màn hình điện thoại (hay tablet) sẽ có 1 thông báo với biểu tượng hình kết nối USB nhỏ. Khi bạn kéo thanh trạng thái xuống thì bạn sẽ thấy thông báo rằng thiết bị đang được gắn với một bộ nhớ flash kèm theo. Bạn không cần phải thực hiện bất cứ hành động gì tại thời điểm này do ổ flash đã được gắn và có thể sử dụng trên thiết bị di động của bạn ngay từ bây giờ.
Nếu bạn ấn vào dòng thông báo trên (hoặc vào phần Cài đặt => Bộ nhớ) thì sẽ thấy được các thông số cụ thể hơn về ổ flash đã được kết nối
Khi bạn đã sử dụng xong ổ flash này thì bạn có thể ấn vào ngắt kết nối bộ nhớ flash trong phần Cài đặt => Bộ nhớ.
Dưới đây là hình ảnh ổ flash đã được kết nối với thiết bị Android của chúng tôi với cái tên "usbdisk" và truy cập bằng ứng dụng ES File Explorer.
Và đây là hình ảnh việc sao chép dữ liệu từ bộ nhớ máy vào ổ flash gắn ngoài qua ứng dụng ES File Explorer.
Như các bạn có thể thấy thì tốc độ sao chép dữ liệu là khá nhanh. Tất nhiên nó còn tùy thuộc vào tốc độ của chiếc USB bạn gắn vào nữa.
Như vậy, nhờ vào công nghệ kết nối OTG và một chiếc ổ flash gắn ngoài, bạn sẽ không còn phải lo lắng về việc thiếu dung lượng lưu trữ hay phải sắm thêm những chiếc thẻ nhớ microSD nữa. Ổ USB vừa rẻ, vừa sẵn lại có dung lượng lớn và nhất là dễ dàng tháo lắp, thay thế.
Theo Vnreview

Post a Comment

 
Top

Nhận xét mới đăng tải!

Loading…
X