Bài liên quan
Mảng kinh doanh cốt lõi Google Search nhiều khả năng phải tách riêng khỏi công ty mẹ, tùy thuộc phiếu bầu từ Nghị viện châu Âu sắp tới.
Châu Âu luôn là chiến trường nóng giữa giới chức địa phương và những doanh nghiệp công nghệ nước ngoài – Ảnh: Internet |
Khi cuộc chiến pháp lý giữa Google và châu Âu, với cáo buộc độc quyền mà châu Âu dành cho công ty công nghệ Mỹ đã bước sang năm thứ tư, một bước ngoặt bất ngờ đã xuất hiện với đề xuất bỏ phiếu thông qua việc ban hành sắc lệnh "cưỡng bức chia tách" một số mảng kinh doanh truyền thống vốn vẫn được tích hợp trong hàng loạt dịch vụ của Google, cụ thể là công cụ tìm kiếm - mảng kinh doanh “cốt tử” của gã khổng lồ Internet.
Theo Business Insider, trong bối cảnh Google luôn chiếm giữ 90% thị phần tìm kiếm trực tuyến tại châu Âu, từ năm 2011, nhiều công ty địa phương đã lên tiếng than phiền rằng Google đã can thiệp để loại họ khỏi những kết quả tìm kiếm, gây khó khăn cho người dùng trong việc muốn tiếp cận những công ty này.
Không chỉ những doanh nghiệp nhỏ, bản thân Microsoft tại châu Âu cũng lên tiếng “tố” Google đã hiệu chỉnh dịch vụ Youtube để các video ở đây rất khó xuất hiện trên công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft.
Mới đây, nhiều đại biểu Nghị viện châu Âu đã đề xuất phương án bỏ phiếu để “cưỡng chế” Google chia tách các mảng kinh doanh của họ như một biện pháp chống độc quyền, tương tự như Microsoft từng bị buộc phải ngưng tích hợp mặc định trình duyệt Internet Explorer khỏi hệ điều hành Windows của họ tại thị trường châu Âu. Nhưng khác với trường hợp của Microsoft, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử một công ty nước ngoài bị Nghị viện châu Âu buộc phải chia tách các mảng kinh doanh của họ.
Diễn biến căng thẳng này như được tô điểm thêm bằng lá thư mới đây của hai ủy ban thuộc chính phủ Hoa Kỳ, với nội dung lo ngại về “cam kết duy trì thị trường tự do của châu Âu”: “Đề xuất này cùng những ý kiến tương tự chỉ xây thêm những bức tường chắn, thay vì những cầu nối và không quan tâm đến hiệu ứng tiêu cực chúng có thể gây ra cho quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và châu Âu”, thượng nghị sĩ Ron Wyden và Orrin Hatch cùng hai nghị sĩ Dave Camo và Sander Levin viết.
Ảnh minh họa: CNN / Shutterstock |
Tuy nhiên, đằng sau những động thái pháp lý chống lại Google tại "lục địa già" không chỉ có giới chức châu Âu, mà còn có cả chính những doanh nghiệp Mỹ.
Theo Reuters, đáp lại phản ứng của phía Mỹ, một quan chức châu Âu cấp cao cho biết những công ty Hoa Kỳ đang “sử dụng Hội đồng châu Âu như một chiến trường để đánh lẫn nhau. Chính họ tìm đến chúng tôi với những đơn kiện. Chính họ không chịu thỏa mãn ngay cả khi đối thủ đã nhượng bộ, mà vẫn muốn tấn công thêm”, ông nói.
Năm ngoái (2013), Microsoft đã phải nhận lãnh án phạt chung cuộc trị giá 700 triệu USD vì độc quyền kèm theo trình duyệt Internet Explorer trên những máy tính cài sẵn hệ điều hành Windows.
Theo BBC, cuộc điều tra toàn diện kéo dài bốn năm qua của liên minh châu Âu nhằm vào Google chủ yếu xoay quanh những nhóm chính như sau:
- Cách Google hiển thị các dịch vụ tìm kiếm theo chiều dọc của họ so với những đối thủ và sản phẩm cạnh tranh khác.
- Cách Google sao chép nội dung từ những trang web khác – chẳng hạn bài đánh giá nhà hàng – để dùng trong những dịch vụ của họ.
- Sự độc quyền Google có trong việc bán quảng cáo quanh những thuật ngữ tìm kiếm của người dùng.
- Gây khó khăn cho khách hàng quảng cáo khi họ muốn chuyển sang dùng dịch vụ của các công cụ tìm kiếm đối thủ.
Vào tháng 2-2014, Google đã đồng ý thay đổi cách hiển thị kết quả tìm kiếm đối với những dịch vụ của mình, song phương án nhượng bộ mà công ty này đề nghị đã vấp phải sự phản đối của các nguyên đơn, dẫn đến việc Hội đồng châu Âu phải tìm ra những phương án pháp lý mới.
Về phần mình, Google cho biết họ vẫn tiếp tục đàm phán với châu Âu để giải quyết vấn đề, nhưng không bình luận về đề xuất bỏ phiếu mới.
Theo Báo tuổi trẻ
Post a Comment