Bài liên quan

Chưa thỏa mãn với thị trường nội địa, các hãng điện thoại Trung Quốc như Xiaomi, OnePlus, Lenovo đặt mục tiêu cao hơn vào thị trường toàn cầu.

Nếu muốn biết Trung Quốc tiến bộ như thế nào, hãy nhìn vào thị trường smartphone siêu cạnh tranh nơi đây. Dù Samsung và Apple thống trị trên toàn cầu, các gã khổng lồ này đều “tơi tả” trước sức ép của các thương hiệu Trung Quốc. Không chỉ vậy, điện thoại Trung Quốc bắt đầu bành trướng ra phạm vi toàn cầu. Trận chiến định hình lại thị phần di động khốc liệt nhất sắp diễn ra.
Theo hãng nghiên cứu Canalys, Xiaomi là hãng bán được nhiều smartphone thứ 5 thế giới trong quý II/2014
Các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đã có bàn đạp vững chắc. Nhờ vào điện thoại giá rẻ nhưng giàu tính năng, doanh số smartphone tại quốc gia đông dân nhất thế giới bùng nổ với hơn 100 triệu máy bán ra trong quý II/2014, chiếm hơn 1/3 doanh số thế giới, biến Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất. Ngoạn mục hơn, 8/10 thương hiệu đầu bảng đều là nội địa. Xiaomi, công ty non trẻ chuyên bán hàng qua mạng, vượt mặt Samsung giữ vị trí số 1. Sau khi bán 15,4 triệu máy trong cùng kỳ, “Apple Trung Quốc” ước tính doanh số cả năm 2014 đạt 60 triệu máy, đặt mục tiêu 100 triệu máy trong năm 2015.
Sự trỗi dậy của smartphone bình dân mang đến lợi ích cho người dùng nước này khi nhiều người mới có cơ hội lên mạng lần đầu tiên trong đời. Tuy nhiên, các hãng Trung Quốc không bó hẹp tại quê nhà mà đang hướng đến thị trường nước ngoài đầy sức hút.
Tháng 7/2014, Xiaomi đặt chân đến Ấn Độ. Hãng đặt quan hệ với doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu Flipkart. Điện thoại Xiaomi có mặt tại gần như mọi quốc gia Đông Nam Á và dự đính bán tại Brazil trong thời gian tới. Dù chưa chính thức bán ở Mỹ, dữ liệu GPS cho thấy đã có khoảng 1 triệu smartphone Xiaomi đang dùng tại đây. Do người ngoại quốc khó phát âm chữ “Xiaomi”, công ty đã mua tên miền mi.com, có thể dùng tên “Mi” cho thị trường quốc tế.
Một cái tên khác cũng đáng được chú ý là OnePlus. Smartphone của hãng có tính năng và cấu hình hiện đại nhưng giá chỉ khoảng 300 USD, chưa bằng nửa giá iPhone mới nhất. Carl Pei, Giám đốc OnePlus Global, tự tin cho rằng OnePlus “sinh ra để trở thành một công ty toàn cầu”. Kể từ khi thành lập cuối năm 2013, doanh nghiệp này đã hướng đến 16 quốc gia, trong đó có cả những thị trường “khó chịu” như Anh, Mỹ.
Bên cạnh các hãng mới nổi còn là những công ty đã quen mặt với giới công nghệ như Huawei với dòng Ascend, Honor; Lenovo với việc thâu tóm Motorola Mobility. Tin đồn mới đây nhắc đến khả năng Lenovo mua lại BlackBerry, "gã khổng lồ" smartphone một thời tuy nhiên chưa có gì chắc chắn.
Lei Jun (trái) là "bản sao" của Steve Jobs?
Không thể phủ nhận họ là thế lực mới nổi, nhưng các công ty Trung Quốc kể trên sẽ “làm ăn” thế nào bên ngoài là điều đáng quan tâm. Một số nhà quan sát tỏ ra nghi ngờ, chỉ xem hãng smartphone Trung Quốc như kẻ sao chép sản phẩm của người khác một cách trơ trẽn. Đích thân Jonathan Ive, người thiết kế iPhone, iPad cho Apple, đã gọi Xiaomi là “kẻ cắp”, “lười biếng”. Rõ ràng, Xiami vay mượn nhiều thứ từ Apple, từ thiết kế điện thoại tinh tế cho đến giao diện người dùng, thậm chí nhà sáng lập Lei Jun còn “nhái” cả phong cách ăn mặc quần jeans áo thun đen của cố Tổng Giám đốc Apple Steve Jobs.
Một đe dọa khác đối với công ty Trung Quốc khi tiến ra thị trường toàn cầu là kiện tụng. Ben Qiu, người đang làm cho hãng luật Cooley, tin rằng Xiaomi nhiều khả năng gặp phải các cáo buộc vi phạm bản quyền trên trường quốc tế. Song đội ngũ lãnh đạo thông minh của Xiaomi, trong đó có cả cựu tướng Google, có thể đã chuẩn bị kỹ càng phương án cho trận chiến pháp lý.
Anh chỉ ra Tencent, ông lớn Internet Trung Quốc, mở rộng thành công một phần nhờ luật sư trưởng quá quen với môi trường của Silicon Valley. Ngoài vấn đề luật sư, các hãng điện thoại Trung Quốc còn phải xây dựng danh mục bằng sáng chế phong phú. Để bán thiết bị tại các nước giàu có, nơi thực hiện quyền sở hữu tài sản trí tuệ nghiêm ngặt, họ phải trả khoảng 1/4 doanh thu cho người nắm giữ bản quyền. Có được kho “vũ khí” nguy hiểm trong tay, họ không chỉ tránh được xung đột mà còn có thể bán hoặc thỏa thuận sử dụng chéo khi cần thiết. Lenovo đã dành không ít tiền để mua hàng ngàn bằng sáng chế từ NEC, Motorola và các “quỷ lùn” bản quyền.
Sự cạnh tranh căng thẳng và cuộc đua nảy sinh ý tưởng mới là lý do tốt nhất để tin rằng doanh nghiệp Trung Quốc có thể làm nên chuyện. Sức ép từ thị trường lớn, người tiêu dùng tiết kiệm buộc họ phải giảm chi phí linh kiện, sản xuất hiệu quả hơn và áp dụng tiến bộ công nghệ nhanh hơn. Có như vậy, họ mới đủ sức để cạnh tranh với các "gã khổng lồ".
Không thể phủ nhận nhiều công ty Trung Quốc khởi đầu từ việc bắt chước các hãng ngoại quốc. Song đây cũng là khởi nguồn cho sự tiến bộ tại những công ty tại các nước phát triển. Apple không phát minh ra máy nghe nhạc hay smartphone. Steve Jobs thậm chí còn treo lá cờ cướp biển lên máy tính Mactintosh cũ như lời nhắc nhở nhân viên rằng những người đổi mới phải là người phá vỡ quy tắc. Sự chuyển dịch từ sao chép sang đổi mới đang diễn ra ngay lúc này với tốc độ nghẹt thở trong các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc.
Theo ICTnews

Post a Comment

 
Top

Nhận xét mới đăng tải!

Loading…
X