Bài liên quan
Đợt kiểm tra ngẫu nhiên đã phát hiện hàng loạt doanh nghiệp tại Hà Nội, TPHCM... sử dụng phần mềm không bản quyền tổng trị giá khoảng 15 tỉ đồng.
Đĩa phần mềm lậu vẫn còn được bày bán công khai tại nhiều nơi - Ảnh minh họa: Livemint |
Ngày 27-10, Liên minh phần mềm (BSA) cho biết Thanh tra Bộ VHTT&DL phối hợp với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), Bộ Công an tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên 16 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu và Bắc Ninh.
Kết quả đã phát hiện 14 doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng bất hợp pháp nhiều phần mềm không có bản quyền với tổng giá trị ước tính hơn 15 tỉ đồng.
Theo BSA, 14 doanh nghiệp này gồm bốn công ty Hàn Quốc, ba công ty Đài Loan, hai công ty của Mỹ, hai công ty của Nhật Bản và ba công ty còn lại là của Việt Nam, Úc và Thụy Sĩ.
Đoàn đã kiểm tra gần 400 máy tính của các công ty, phát hiện 1.251 phần mềm các loại bị cài đặt trái phép. Các phần mềm vi phạm chủ yếu được tìm thấy là các ứng dụng phần mềm văn phòng phổ biến của Adobe Systems, Autodesk, Lạc Việt, Microsoft và Symantec.
Một trong những công ty vi phạm nghiêm trọng nhất là Công ty TNHH Giấy Chánh Dương của Đài Loan đặt trụ sở tại lô B-2-CN, Đường D15, KCN Mỹ Phước, thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương với tổng giá trị phần mềm bị sử dụng trái phép lên đến hơn 1 tỉ đồng.
Trong quá trình cơ quan chức năng làm việc, công ty này bất hợp tác, không chịu trách nhiệm về sự việc trên.
Theo các chuyên gia kinh tế, chi phí mua phần mềm máy tính có bản quyền chỉ chiếm 5-6% chi phí hoạt động của các doanh nghiệp. Trong khi đó, chi phí rủi ro dành cho việc sử dụng phần mềm không có bản quyền sẽ là con số lớn hơn rất nhiều.
Hơn nữa doanh nghiệp phải đương đầu với nguy cơ mất dữ liệu do phần mềm bị nhiễm virus hay bị kiện tụng, bị phạt khi bị các cơ quan quản lý thanh kiểm tra.
Cuối năm 2013 đã có một doanh nghiệp Đài Loan hoạt động tại Việt Nam phải ra hầu tòa vì sử dụng phần mềm không có bản quyền.
Theo Báo Tuổi Trẻ
Post a Comment