Bài liên quan
Ngoài những tính năng mới thú vị, phiên bản Android 5.0 Lollipop vừa được Google giới thiệu sẽ tích hợp một số cải tiến quan trọng về bảo mật.
Bảo mật Android luôn luôn là một chủ đề nhạy cảm. Hầu hết câu chuyện bảo mật Android thường xoay quanh những mối đe dọa ảnh hưởng đến người dùng nếu họ tải tập tin trực tiếp từ một trang web, rồi sau đó bỏ qua những cảnh báo xuất hiện trên thiết bị.
Trong các phiên bản Android trước đây, người dùng hầu như phải nhờ đến ứng dụng của hãng thứ ba trên cửa hàng Google Play Store để bảo vệ thiết bị của mình và quét theo thời gian thực các mối đe dọa tiềm ẩn.
Nhưng với phiên bản Android 5.0 Lollipop sắp phát hành, các thiết lập bảo mật của Google sẽ chặt chẽ hơn và mang đến cho người dùng một nền tảng di động có độ tin cậy cao hơn.

Các thiết lập bảo mật của Android 5.0 Lollipop sẽ chặt chẽ hơn và mang đến cho người dùng một nền tảng di động có độ tin cậy cao hơn.

1. Bảo mật Android 5.0 Lollipop có nhiều lớp hơn bao giờ hết
Android trước giờ được tích hợp thiết lập “sandbox” cho phép các ứng dụng truy cập chỉ một phần nhỏ dữ liệu của thiết bị. Sandbox là kỹ thuật rất quan trọng trong bảo mật giúp hạn chế việc truy cập vào tài nguyên hệ thống của các ứng dụng ngoài. Với Lollipop, chiếc “hộp cát” này sẽ được mở rộng lên một tầm cao mới.
Điều đó có nghĩa là giờ đây hệ thống bảo mật của Android sẽ để mắt nhiều hơn đến các trang web nguy hiểm tiềm tàng cũng như đến các hoạt động có nguy cơ rủi ro trên mạng của người dùng, cho dù họ đang sử dụng trình duyệt Chrome mặc định hay chương trình của bên thứ ba. Ngoài ra, phiên bản Lollipop sẽ có cách tiếp cận mới đến SELinux, một yếu tố cốt lõi trong kho vũ khí bảo mật của nền tảng Android.
2. Lollipop có tính năng Smart Lock mới
Hãy quên đi những mối đe dọa về mặt lý thuyết. Sự nguy hiểm thực sự đối với hầu hết người dùng chỉ đơn giản là không khóa thiết bị và sau đó người khác sẽ có thể truy cập được vào dữ liệu cá nhân của họ một cách dễ dàng. Lollipop giới thiệu một tính năng mới gọi là Smart Lock để giúp chống lại vấn đề này và để giữ cho chiếc điện thoại Android của bạn an toàn hơn.

Với tính năng Smart Lock, người dùng có thể truy cập thông tin của họ một cách dễ dàng và an toàn hơn.

Có thể bạn đã nghe nói về thiết bị Bluetooth Smart Lock. Nói ngắn gọn, thiết bị này hoạt động giống như tính năng Trusted Bluetooth mà Motorola đang cung cấp trên một số mẫu điện thoại của hãng.
Bạn có thể thiết lập một thiết bị Bluetooth cụ thể, chẳng hạn như một smartwatch hay dàn âm thanh stereo trên xe hơi, được cho là "đáng tin cậy". Sau đó, bất cứ khi nào smartphone ở gần các thiết bị này, chúng sẽ tự động kết nối với nhau và bạn không cần phải nhập mật khẩu hay mã PIN để truy xuất vào điện thoại của mình. Nếu thiết bị Bluetooth không nằm trong phạm vi cho phép, điện thoại của bạn sẽ tự động khóa và yêu cầu phải nhập mật khẩu hoặc mã PIN để truy cập. Ý tưởng này là nhằm để cung cấp chế độ bảo mật hợp lý và không gây ra những bất tiện khi sử dụng.
Ngoài khả năng kết nối qua Bluetooth, Smart Lock trong Android 5.0 còn có một tùy chọn kết nối NFC mới. Bạn có thể cấu hình một thẻ NFC cụ thể để làm việc như một chiếc chìa khóa cho thiết bị của mình và sau đó chỉ cần gõ nhẹ vào mặt sau của smartphone hoặc tablet để nhanh chóng mở khóa màn hình.
3. Smart Lock chỉ là khởi đầu
Nếu có thể mở khóa một thiết bị dựa trên Bluetooth, chúng ta có thể hy vọng sớm có tùy chọn để mở khóa dựa trên mạng Wi-Fi. Google hầu như không thích nói về các tính năng tiềm năng có thể được xem xét cho tương lai, nhưng theo một số chuyên gia phân tích, công nghệ Smart Lock sẽ ngày càng được cải tiến cùng với các phiên bản Android mới. Nói cách khác, tính năng này sẽ được cập nhật thường xuyên thông qua cửa hàng Play Store của Google.
Điều đó cho phép Google bắt đầu nghĩ về xác thực như một dịch vụ, qua thời gian có thể đổi mới thực sự nhanh chóng và không bị ràng buộc vào những hạn chế của một bản cập nhật phần mềm đầy đủ hoặc sửa đổi phần cứng vật lý. Ngoài Wi-Fi, các nhà nghiên cứu nói chung đã xem xét đến các yếu tố rộng lớn hơn, chẳng hạn như điện thoại có thể tự động biết khi chúng đang ở một nơi an toàn được thiết lập trước.
Về lý thuyết, điện thoại của bạn sẽ cần phải dựa vào mạng Wi-Fi để biết bạn đang ở nhà và do đó không cần bật các thiết lập bảo mật bổ sung (nếu bạn lựa chọn). Trong tương lai, Google sẽ xây dựng ngày càng nhiều thiết lập bảo mật mà không làm giảm khả năng sử dụng của thiết bị.
4. Điện thoại Android 5.0 có thể mở khóa cho thiết bị Chrome OS
Tính năng này được giới thiệu lần đầu tiên tại Hội nghị các nhà phát triển Google I/O mùa hè năm nay. Nếu có một chiếc điện thoại chạy Android 5.0, bạn sẽ có thể đăng nhập vào máy tính Chromebook của mình mà không cần phải gõ mật khẩu.

Điện thoại Android 5.0 có thể được dùng để mở khóa máy tính Chromebook.

Google đã không tiết lộ nhiều chi tiết cụ thể về tính năng này, nhưng dường như điện thoại Android của bạn có thể mở khóa Chromebook bằng kết nối Bluetooth LE.
Google cũng không cho biết liệu người dùng có thể sử dụng tính năng này ngay khi Lollipop được phát hành hay không, nhưng hy vọng tính năng sẽ là một tính năng hấp dẫn một khi Chromebook trở nên phổ biến rộng rãi trên thị trường.
5. Tính năng mã hóa thiết bị trong Lollipop hoàn toàn mới
Android đã được cung cấp các tùy chọn để mã hóa dữ liệu vài năm nay, nhưng nó vẫn chưa có những thiết lập thân thiện với người dùng. Trong phiên bản Android 5.0 Lollipop, việc mã hóa đã thực sự được làm mới và thực tế hơn.
Nếu muốn mã hóa thiết bị chạy các phiên bản Android cũ, bạn có thể bật tùy chọn và sau đó phải mất một khoảng thời gian rất dài để chờ đợi trong khi hệ thống xử lý mã hóa tất cả dữ liệu cùng một lúc.
Với Lollipop, thiết bị sẽ nhắc bạn kích hoạt tính năng mã hóa ngay khi lần đầu tiên mở máy. Lúc đó, sẽ không có nhiều dữ liệu cục bộ và mọi việc sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng. Từ lúc này, dữ liệu mới sẽ được mã hóa ngay khi chúng được tạo ra, giúp tiết kiệm thời gian và giảm thiểu những rắc rối.
Theo PCWorld

Post a Comment

 
Top

Nhận xét mới đăng tải!

Loading…
X