Bài liên quan
Tình hình kinh tế ngày càng khó khăn, việc các doanh nghiệp tăng cường quảng bá trên nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là những kênh miễn phí như OTT đang là lựa chọn được nhiều người nhắm đến. Tuy nhiên, lợi đâu chưa thấy chỉ thấy hình thức này chứa quá nhiều rủi ro.
OTT - Mảnh đất màu mỡ để spam tin nhắn quảng cáo
Có rất nhiều lý do để các cá nhân và doanh nghiệp lựa chọn các kênh OTT phát tán tin nhắn quảng cáo của mình. Một trong những số đó, quan trọng nhất vẫn là số lượng người dùng nhiều, dễ sử dụng và đặc biệt, hoàn toàn miễn phí.
Thông thường các cá nhân, doanh nghiệp sẽ dễ dàng mua danh sách điện thoại được bán trên mạng để làm “đầu vào” cho những phần mềm phát tán tin nhắn rác. Tuy nhiên, rất khó để biết các thuê bao trong danh sách này sử dụng ứng dụng OTT nào là chủ yếu. Do vậy, nhằm đảm bảo tỉ lệ thành công cao, những ứng dụng OTT như Viber với số lượng người sử dụng hàng ngày lớn hiện đang là mục tiêu hàng đầu. Các ứng dụng OTT khác như Zalo, Line, Btalk… cũng lần lượt nằm trong danh sách sách bị chọn. Đây gần như đã trở thành cách thức chung mà các cá nhân và doanh nghiệp muốn quảng bá sản phẩm sử dụng hiện nay.
Với số lượng người dùng hàng ngày cao, Viber luôn là đích nhắm hàng đầu của các “Spammer”.
|
Bên cạnh đó, còn nhiều nguyên nhân khác khiến OTT trở thành nơi bị tin nhắn rác làm “ô nhiễm” như việc tìm kiếm và mua bán các phần mềm gửi tin nhắn rác quá dễ dàng, hay việc dễ sử dụng do các phần mềm này thường có giao diện “ăn theo” các OTT xịn vốn đã quen thuộc. Nhưng hơn hết, với khả năng gửi tin nhắn có thể đính kèm hình ảnh, video …. hoàn toàn miễn phí, OTT dường như trở thành một “công cụ marketing” chi phí thấp mà nhiều doanh nghiệp không thể làm ngơ.
Nhưng lại chứa đựng quá nhiều rủi ro
Mặc dù nhanh chóng tiếp cận được người dùng, chi phí rẻ nhưng việc phát tán tin nhắn thông qua các ứng dụng OTT như hiện nay lại chứa đựng quá nhiều rủi ro cho thương hiệu và doanh số bán sản phẩm.
Việc thường xuyên bị spam tin nhắn quảng cáo từ một doanh nghiệp hay thương hiệu sẽ khiến người dùng cảm thấy bực mình và đánh mất thiện cảm đối với thương hiệu đó. Hơn nữa, người dùng thường phản ứng chung là không đọc những tin nhắn quảng cáo mà thẳng tay xóa đi và đưa vào danh sách chặn số vĩnh viễn. Điều đó khiến cho các doanh nghiệp mất đi các khách hàng tiềm năng.
Bên cạnh đó, hầu hết các nhà cung cấp OTT đều có chính sách không cho phép gửi tin nhắn quảng cáo qua hệ thống. Vì vậy, họ cũng đã đưa ra nhiều biện pháp riêng bảo vệ người dùng khỏi tin nhắn quảng cáo. Trong số các OTT, có thể kể đến Viber đã rất mạnh tay trong việc ngăn chặn tin nhắn rác bằng cách liên tục nâng cấp ứng dụng, thêm chức năng chặn số, cải tiến bộ lọc tin nhắn quảng cáo và đặc biệt sẵn sàng kiện những nhà cung cấp phần mềm spam lợi dụng nền tảng thương hiệu Viber ra trước pháp luật, trước đó Viber đã gửi công văn đến Công ty cổ phần Solid và Công ty cổ phần công nghệ Viettek. Việc này đồng nghĩa với ngày “khai tử” của các phần mềm spam tin nhắn qua OTT không còn xa, do vậy chi tiền vào những phần mềm này sẽ không là lựa chọn sáng suốt cho một chiến lược quảng bá sản phẩm lành mạnh.
Thay vì tiếp nhận thông tin như các hình thức marketing khác, người dùng thường tỏ khó chịu và xóa ngay tin nhắn rác
|
Với những rủi ro kể trên có thể nói việc gửi tin nhắn quảng cáo rác trên các nền tảng OTT không thật sự là một chiến lược marketing hiệu quả, dễ gây khó chịu cho khách hàng khi tiếp nhận thông tin của doanh nghiệp qua hình thức đó. Các doanh nghiệp nên có cách tiếp cận thông minh hơn để tạo được thiện cảm cho khách hàng tiềm năng của mình, bởi chỉ khi khách hàng cảm thấy hài lòng thì họ sẽ ủng hộ doanh nghiệp và sản phẩm.
Theo ICTNews
Post a Comment