Bài liên quan
Hacker Trung Quốc thực hiện ít nhất 50 cuộc tấn công vào mạng máy tính của nhiều nhà thầu quân sự nước này trong hai năm 2012 và 2013.
Thượng nghị sĩ Carl Levin - Ảnh: Reuters |
Hôm qua, Reuters dẫn tuyên bố của tiểu ban Thượng viện Mỹ cho biết các tin tặc này có liên quan với Chính phủ Trung Quốc và đã liên tục xâm nhập hệ thống máy tính của các hãng hàng không Mỹ, các công ty kỹ thuật quân sự và nhà thầu có liên quan đến các hoạt động hậu cần quân đội, việc triển khai binh sĩ cũng như trang thiết bị quân sự của Mỹ.
Có bàn tay của Bắc Kinh?
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) khẳng định cơ quan này đang tiếp tục điều tra những vụ tấn công mạng có dấu hiệu do Chính phủ Trung Quốc “đỡ đầu”. “Chúng tôi vẫn đang phối hợp với các đối tác của mình để nhận dạng các mối đe dọa, bảo vệ cơ sở hạ tầng của quốc gia trước những tổn hại tiềm ẩn và ngăn chặn các nhóm hoặc cá nhân có dấu hiệu là mối nguy hại trong gián điệp mạng”, thông báo từ FBI cho biết.
Chuyên gia an ninh mạng Dmitri Alperovitch - trưởng bộ phận kỹ thuật của Công ty an ninh mạng Crowdstrike - khẳng định Trung Quốc trong nhiều năm qua rất “quan tâm” đến những mô hình hậu cần của quân đội Mỹ. Tin tặc Trung Quốc luôn nhắm vào những nhà thầu tư nhân đang làm việc cho quân đội Mỹ, như các nhà thầu cung cấp phương tiện vận chuyển hậu cần từ lương thực, đạn dược đến nhiên liệu trong quân sự.
Chuyên gia này bình luận tin tặc nhắm đến các nhà thầu này vì thông thường họ không có trình độ phòng chống tin tặc như các tập đoàn sản xuất vũ khí lớn của Chính phủ Mỹ. “Quân đội sử dụng các mạng máy tính bí mật không kết nối Internet nhưng các nhà thầu tư nhân thì không. Đó là một thử thách thật sự” - ông Alperovitch nhận định. Giới chức ngoại giao Trung Quốc thường trú ở Washington chưa đưa ra bình luận về vụ việc.
Những vụ xâm nhập trong thời bình này là bằng chứng rõ hơn về những hành động gây hấn của Trung Quốc trong vấn đề gián điệp mạng. Các chiến dịch quân sự của chúng ta đang bị đe dọa |
Ông Carl Levin (chủ tịch tiểu ban quân sự Thượng viện Mỹ) |
Lỗ hổng của Mỹ
Cuộc điều tra cũng phát hiện những kẽ hở trong các thủ tục báo cáo việc thiếu chia sẻ thông tin trong các bộ phận thuộc Chính phủ Mỹ khiến quân đội nước này không nhận biết ngay lập tức một lượng lớn mạng máy tính của các nhà thầu làm việc cho mình đã bị tấn công.
Đơn cử, kết quả điều tra cho biết các tin tặc có nguồn gốc Trung Quốc đã thâm nhập hệ thống máy tính của những nhà thầu làm việc cho Bộ chỉ huy vận tải Mỹ (Transcom) khoảng 50 lần trong thời gian từ ngày 1-6-2012 đến 31-5-2013. Trong đó có ít nhất 20 vụ xâm nhập thành công nhưng Transcom chỉ nhận biết được hai vụ.
Kết quả điều tra của tiểu ban quân sự Thượng viện Mỹ còn phát hiện “tin tặc có yếu tố quân đội Trung Quốc” từng tấn công vào mạng máy tính một nhà thầu của Transcom trong khoảng thời gian 2008 và 2010.
“Nhiều thư điện tử, tài liệu, mật khẩu máy tính và của người sử dụng đã bị tổn hại. Đến năm 2012, thêm một vụ tấn công vào hệ thống của một nhà thầu tàu thương mại có ký kết hợp đồng với Transcom” - tài liệu điều tra cho biết.
Giới chuyên gia cho rằng vụ điều tra của Thượng viện Mỹ có khả năng sẽ làm leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ liên quan đến vấn đề gián điệp mạng. Hồi tháng 5-2014, nhà chức trách Mỹ đã cáo buộc năm quan chức của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc do thám mạng các công ty hạt nhân, kim loại và năng lượng của Mỹ nhằm ăn cắp những bí mật thương mại.
Ngồi tù vì lộ bí mật cho “người tình” Trung Quốc
Ông Benjamin Pierce Bishop, nguyên trung tá Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của quân đội Mỹ ở Oahu, hôm 17-9 đã bị một tòa án Mỹ tuyên án 7 năm 3 tháng tù giam với tội chuyển thông tin bí mật quốc phòng cho “nhân tình” gốc Trung Quốc và tàng trữ số lượng lớn tài liệu mật tại nhà riêng.
Trong số tài liệu này có cả tài liệu liên quan kế hoạch quốc phòng của các lực lượng quân sự Mỹ giai đoạn 2014-2018.
Trung tá Bishop, 60 tuổi, đã nhận tội “làm gián điệp”. Ông đã chuyển tài liệu mật qua email và điện thoại cho người tình trẻ từ tháng 5-2012, trong đó có cả thông tin về kế hoạch các kỳ huấn luyện quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc trong năm 2012, việc triển khai hệ thống rađa cảnh báo sớm và hệ thống hạt nhân chiến lược của Mỹ.
“Người tình” gốc Trung Quốc của trung tá Bishop mới 27 tuổi, đến Mỹ học và tốt nghiệp trong vài năm gần đây. Giới công tố viên và FBI chưa cho biết liệu “người tình” Trung Quốc có đang làm việc cho Bắc Kinh hay không.
|
Post a Comment