Bài liên quan
Có ít nhất 9 công ty công khai 40% mức doanh thu đến từ việc hợp tác với Apple. Mục tiêu của họ: giữ mối quan hệ này hoặc giảm sự phụ thuộc vào đơn hàng của Apple.


Năm ngoái, Apple bán ra được 150 triệu chiếc iPhone, mỗi chiếc có đến vài chục thành phần do các công ty khác sản xuất. Đó là lý do tại sao mà Apple trở thành "vua" trong mắt các nhà sản xuất linh kiện. Mỗi lần Apple tung ra một model thì vài nhà cung cấp đột nhiên trở thành kẻ thắng cuộc và vài nhà cung cấp khác biến thành kẻ thua cuộc. Apple nổi tiếng "tàn nhẫn" về khoản thương thuyết với các công ty trong chuỗi cung cấp linh kiện cho họ, luôn yêu cầu linh kiện sản xuất bằng công nghệ cao nhất nhưng có mức lãi rất thấp, và Apple không hề ngần ngại trong việc loại bỏ cả những công ty đối tác lâu năm. Theo số liệu của Bloomberg, có ít nhất 9 công ty đạt hơn 40% doanh thu từ việc cung cấp linh kiện cho Apple.

Trong số này, có nhà sản xuất màn hình chạm TPK Holding của Đài Loan, từng sản xuất điều khiển chạm trong dòng iPhone đầu tiên. Nhờ vào việc hợp tác với Apple mà TPK trong năm 2010 đã được niêm yết trên sàn chứng khoán. Hai năm sau, Apple thay đổi thiết kế trong màn hình iPhone và chuyển sang mua màn hình từ đối thủ của TPK, trong đó có cả LG. Để giữ được mối quan hệ đối tác với Apple, TPK chuyển sang lắp đặt các thành phần màn hình của các công ty khác sản xuất, ít có lãi hơn nhưng dù gì cũng giữ được mối quan hệ với Apple. Theo TPK, năm ngoái, lãi ròng của TPK giảm 50% và giá cổ phiếu giảm đến 73% so với thời gian đỉnh điểm hồi năm 2011, còn 6,3 USD/cổ phiếu.

Theo các chuyên gia kinh tế, làm ăn với Apple có rủi ro rất cao, doanh nghiệp có thể "bắt được vàng" hoặc mất rất nhiều. Công ty Audience, nhà sản xuất bộ xử lý âm thanh di động, từng hợp tác với Apple, có giá cổ phiếu từ 6 USD nhảy vọt lên đến 22 USD hồi năm 2012 ngay sau khi cung cấp linh kiện bộ xử lý âm thanh cho iPhone 5. Có thời kỳ công ty này có đến 82% doanh thu là từ Apple, sau đó rớt xuống dưới 1%. Do vậy mà Audience phải cố hết sức để tìm những đơn hàng từ các nhà sản xuất điện thoại khác. Apple không cho Audience biết kế hoạch của họ sắp tới là có đặt hàng tiếp hay không. Còn hiện nay, Audience chủ yếu bán chip xử lý âm thanh của họ cho đối thủ của Apple là Samsung.

Dialog Semiconductor (Đức) hiện là nhà cung cấp phụ thuộc vào Apple nhiều nhất. Năm ngoái, 80% trong doanh thu 903 triệu USD của nhà sản xuất chip này đều gắn với các hợp đồng cung cấp chip quản lý điện năng cho iPhone. Thậm chí, CEO của Dialog, ông Jalal Bagherli, cho rằng việc hợp tác này giống như Dialog là đội ngũ R&D mở rộng của Apple. Ông muốn đa dạng hoá sản phẩm để có thể sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu luôn thay đổi của Apple. Nhiều công ty sản xuất linh kiện thường không thích điều này bởi vì thay đổi sản xuất linh kiện là điều rất rắc rối. Đó có thể xem là cách mà Dialog muốn được "tồn tại" với Apple.

Đối với iPhone 6 và iPhone 6 Plus, đạt ngay 4 triệu lượt đặt hàng trong 24 giờ đầu tiên công bố, nhà sản xuất Taiwan Semiconductor Manufacturing hiện đang cung cấp bộ xử lý cho Apple, có thể xem là một trong những kẻ thắng cuộc đợt này. Tháng 7 vừa qua, họ đã công bố lợi nhuận đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Còn cổ phiếu của GT Advanced Technologies hầu như tăng gấp đôi từ khi công ty này cung cấp kính sapphire cho Apple Watch. Cổ phiếu của NXP Semiconductor cũng tăng hơn 10% từ đầu tháng 8 vừa qua sau một loạt thông tin cho rằng chip của họ được dùng cho Apple Pay.

Một số nhà cung cấp đang cố gắng giảm rủi ro phụ thuộc vào Apple. Dialog đang cố gắng bán chip sạc nhanh cho các nhà sản xuất máy tính xách tay ở Trung Quốc. Năm ngoái, Cirrus Logic, nhà sản xuất linh kiện âm thanh, đạt 73% doanh thu từ Apple, mua lại công ty đối thủ Wolfson Microelectronics và bắt đầu bán linh kiện cho các nhà sản xuất điện thoại khác khi bị Apple "bỏ rơi" hồi năm 2009 ngay sau khi cung cấp linh kiện cho iPhone 3GS. Thậm chí Foxconn Technology là công ty lắp ráp sản phẩm của Apple ở Trung Quốc cũng thiết lập một nhà máy máy chủ, liên doanh với HP và mở rộng sản phẩm máy chủ cho các cửa hàng bán lẻ.

Nguồn: Bloomberg

Post a Comment

 
Top

Nhận xét mới đăng tải!

Loading…
X