Bài liên quan
62% sự cố mất an toàn an ninh thông tin tại Việt Nam năm 2013 có nguyên nhân do lỗi của con người, trong đó 52% là lỗi về chuyên môn nghiệp vụ và 10% do thiếu chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.
Số liệu thống kê các sự cố mất an toàn an ninh thông tin tại Việt Nam năm 2013 của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam vừa được ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin nhấn mạnh chiều nay, 15/9/2014 tại phiên họp lần đầu tiên của Ban Điều hành triển khai Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020 ở trụ sở Bộ TT&TT.
Theo đó, có tới 62% nguyên nhân của các sự cố là do lỗi của con người, trong đó, 52% là lỗi về mặt chuyên môn nghiệp vụ nói chung và 10% là lỗi do thiếu chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp (ví dụ không trung thực).
Kết quả điều tra sơ bộ của Bộ TT&TT cũng cho thấy tại Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực an toàn an ninh thông tin. Đa phần cán bộ phụ trách về CNTT của các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được bồi dưỡng, đào tạo về nghiệp vụ an toàn an ninh thông tin. Nguồn cung nhân lực an toàn an ninh thông tin đang rất hạn chế. Hoạt động đào tạo chính quy về an toàn an ninh thông tin tại Việt Nam có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu. Mới có rất ít cơ sở giáo dục đào tạo kỹ sư, cử nhân chuyên ngành an toàn an ninh thông tin.
52% sự cố mất an toàn an ninh thông tin tại Việt Nam do lỗi về chuyên môn nghiệp vụ của con người. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
Nhằm khắc phục bất cập nêu trên, ngày 14/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 99 phê duyệt Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn an ninh thông tin đến năm 2020. Trong đó lựa chọn 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn an ninh thông tin gồm: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học CNTT – Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng, và Học viện An ninh nhân dân – Bộ Công an.
Để triển khai Quyết định 99, ngày 6/9/2014, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã ký Quyết định số 1269 thành lập Ban Điều hành Đề án. Và phiên họp đầu tiên của Ban Điều hành vừa chính thức diễn ra chiều nay, 15/9/2014, tập trung thảo luận về dự thảo Quy chế hoạt động và Chương trình công tác năm 2014 của Ban Điều hành. Đồng thời nghe báo cáo về tình hình triển khai Đề án 99 trong năm 2014 cũng như tình hình đăng ký thực hiện các nhiệm vụ năm 2015 của các cơ sở đào tạo trọng điểm. Ngoài ra, các thành viên Ban Điều hành còn tập trung thảo luận về giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về cơ chế tài chính (như học phí, học bổng cho đào tạo nhân lực chất lượng cao) để đẩy mạnh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, dự án đã nêu trong Đề án nêu trên.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng yêu cầu Cục An toàn thông tin, đơn vị chủ trì soạn thảo Quy chế và Chương trình công tác của Ban Điều hành cần tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thành dự thảo theo nguyên tắc Ban Điều hành sẽ không lấn vào chức năng quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành liên quan cũng như chức năng nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo. Dự kiến cuối tuần này sẽ ký ban hành Quy chế hoạt động của Ban Điều hành Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020.
4 mục tiêu đáng chú ý trong Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn an ninh thông tin đến năm 2020:
- Đưa 300 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo về an toàn an ninh thông tin ở nước ngoài, trong đó có 100 tiến sĩ.
- Đào tạo 2.000 học viên có trình độ đại học và trên đại học về an toàn an ninh thông tin chất lượng cao.
- Đưa 1.500 lượt cán bộ chuyên trách về an toàn an ninh thông tin đi đào tạo ngắn hạn cập nhật công nghệ, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo có uy tín của nước ngoài.
- Tập huấn, đào tạo ngắn hạn nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn an ninh thông tin cho 10.000 lượt cán bộ làm về an toàn an ninh thông tin và CNTT tại các cơ quan Nhà nước.
Post a Comment