Bài liên quan
Tại vùng sa mạc hẻo lánh gần Bluffdale thuộc bang Utah của Hoa Kỳ, có ẩn giấu một sinh vật được tạo thành từ những con số 0 và 1. Nó có tên là "MonsterMind" (Bộ óc Quái vật), một vũ khí mạng tự động hoạt động dựa vào nguồn dữ liệu từ Kho Dữ liệu Nhiệm vụ của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).
Trung tâm Dữ liệu của NSA ở bang Utah, Hoa Kỳ
Theo tiết lộ mới đây của cựu điệp viên Edward Snowden, MonsterMind rất mạnh mẽ nhưng cũng dễ bị đánh lừa. Chương trình này – lần đầu tiên được thế giới biết đến – có thể tự động săn tìm nguồn gốc cuộc tấn công mạng từ nước ngoài. Phần mềm sẽ liên tục tìm kiếm những luồng dữ liệu chỉ ra những mối đe dọa. Khi phát hiện ra cuộc tấn công, MonsterMind sẽ tự động ngăn chặn nó xâm nhập vào lãnh thổ Mỹ.
Những chương trình như vậy đã có từ nhiều thập kỷ trước, nhưng không giống như những phần mềm đã biết, MonsterMind có một khả năng mới độc nhất vô nhị: Thay vì chỉ đơn giản phát hiện và tiêu diệt mã độc trước khi nó xâm nhập vào hệ thống, MonsterMind sẽ tự động đánh trả bằng vũ lực mà không cần sự can thiệp của con người. Đó chính là vấn đề – theo Snowden – bởi vì các cuộc tấn công mạng thường đi qua máy tính của một nước thứ ba. "Những cuộc tấn công này có thể là giả mạo. Ví dụ, một ai đó ở Trung Quốc có thể tạo ra một cuộc tấn công trông có vẻ như xuất phát từ Nga. Và thế là ta sẽ một cuộc tấn công từ Mỹ nhắm vào một bệnh viện ở Nga. Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?" – Snowden nói.
MonsterMind nghe có vẻ giống như chương trình Skynet trong bộ phim "Kẻ hủy diệt"
Như đã mô tả ở trên, MonsterMind là một giải pháp có phần quá bạo lực để gói gọn cuộc chiến tranh mạng vào một chương trình. Điểm đáng sợ của MonsterMind là nó sẽ quét qua một lượng lớn các giao tiếp điện tử và tìm kiếm các mối đe dọa. Nhưng nhược điểm của MonsterMind là cách mà chương trình này tự động quyết định nơi sẽ đánh trả. Mạo danh – như Snowden đã nói – là một cách đơn giản để che dấu nguồn gốc của một cuộc tấn công. Nó giống như việc ném một hòn sỏi để đánh lạc hướng viên cai tù để nhân vật chính trốn thoát vậy.
Các cuộc tấn công mạng hiện nay hầu hết đều nhằm đánh cắp thông tin các nhân hoặc dữ liệu ngân hàng, hay đôi khi là nhằm vào các ngành công nghiệp (như việc chính phủ Mỹ định tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran bằng virus máy tính). Chưa có bất kỳ một cuộc tấn công nào trong số đó gây nên một cuộc trả đũa bằng vũ lực, nhưng có vẻ thế giới sẽ lại một lần nữa đứng trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân gây ra bởi các phần mềm trên Internet.
Anh Minh
Theo Popsci
Post a Comment