Bài liên quan
Với công nghệ màn hình máy vi tính/smartphone mới do ĐH UC Berkeley và ĐH MIT (Mỹ) phát triển, bạn sẽ không còn cần phải đeo kính cận/kính viễn mỗi lần cần đọc nội dung số nữa.
Brian Barsky, một giáo sư bộ môn khoa học máy tính và khoa học thị giác tại Đại học UC Berkeley, Mỹ đặt ra câu hỏi: "Liệu chúng ta có thể đảo ngược các vấn đề thị giác và đặt lên màn hình những hình ảnh có thể trở nên sắc nét dưới mắt nhìn của người bị cận/viễn hay không?".
Trong một thử nghiệm, các nhà khoa học đặt hình ảnh một chữ "E" được cố tình làm mờ lên màn hình iPod. Nhưng, trong mắt của một bệnh nhân bị viễn thị, chữ "E" này lại nằm đúng tâm nét và được hiển thị rất rõ ràng. Để tạo ra hình ảnh này, các nhà khoa học không cần nhờ đến các loại màn hình đặc biệt. Thay vào đó, họ sử dụng một phần mềm có thể thay đổi cường độ ánh sáng từ mỗi điểm ảnh nhằm bù đắp cho vấn đề thị giác cụ thể của người xem.
Giáo sư Barsky cho biết: "Điều chúng tôi đang làm thực ra là thay đổi ánh sáng phát ra từ mỗi pixel theo một phương pháp được kiểm soát rất cẩn thận. Công nghệ của chúng tôi làm méo hình ảnh để khi người dùng nhìn vào màn hình, hình ảnh sẽ được hiển thị rõ nét tới riêng người dùng đó. Khi người khác nhìn vào hình ảnh, họ sẽ thấy hình ảnh này rất tệ".
Theo nghiên cứu của Viện Mắt Quốc gia Hoa Kỳ, khoảng 10% người Mỹ bị viễn thị. Giải pháp màn hình của UC Berkeley và MIT sẽ không chỉ giúp ích cho những người này mà còn có thể giải quyết các bệnh thị giác nguy hiểm hơn. "Tôi không chỉ quan tâm đến sự tiện lợi dành cho hàng triệu người phải đeo kính, mà còn cả hàng triệu người có các bệnh thị giác mà kính mắt không khắc phục được".
Trước đó, các nhà khoa học tại UC Berkeley đã từng nghiên cứu công nghệ màn hình dành riêng cho người có tật về mắt bằng cách giảm độ tương phản cho hình ảnh. Nghiên cứu cụ thể và sản phẩm màn hình của đội nghiên cứu do giáo sư Barsky lãnh đạo sẽ được công bố tại hội nghị Siggraph diễn ra trong tháng này tại Vancouver, Canada.
Lê Hoàng
Theo CNET/VnReview
Post a Comment