Bài liên quan
Thiết bị lạ (Unknown device) sẽ hiện lên trong công cụ quản lý thiết bị Device Manager khi Windows không thể xác định được thiết bị đó, dẫn tới không có driver phù hợp. Cho tới khi driver của thiết bị này được cài đặt, máy sẽ không thể kết nối với PC một cách bình thường.
Windows có thể tự động nhận dạng và tải về driver dành cho hầu hết tất cả các thiết bị. Tuy nhiên, khi tính năng này không hoàn thành được nhiệm vụ của mình – do cài lại Windows hoặc nếu bạn tắt chế độ tự động tải driver – bạn sẽ phải tự mình nhận dạng thiết bị cũng như tìm driver.
Truy tìm thiết bị lạ
Bạn sẽ tìm được thông tin về thiết bị lạ trên Device Manager. Để mở công cụ này trên Windows 8/8.1, bạn chỉ cần bấm phím Windows + X và chọn Device Manager. Đối với Windows 7, hãy bấm phím Windows + R, sau đó gõ devmgmt.msc vào hộp thoại Run và bấm Enter. Ngoài ra, bạn có thể vào Device Manager bằng Control Panel hoặc tìm kiếm trên menu/màn hình Start.
Bạn sẽ tìm thấy các thiết bị lạ và thiết bị không hoạt động ở dưới mục Other devices. Mỗi thiết bị này sẽ được đánh dấu bằng hình tam giác màu vàng có dấu chấm than.
Thông thường chúng sẽ được đặt tên là "Unknown device", tuy nhiên trong một số trường hợp tên của máy cũng sẽ được hiển thị. Mặc dù vậy, thực chất Windows vẫn không thể xác định được thiết bị, còn người dùng cũng không thể biết cần dùng đến driver nào.
Tìm Hardware ID (ID phần cứng) của thiết bị lạ
Để nhận dạng thiết bị, bạn hãy click chuột phải vào máy và chọn mục Properties để xem thêm thông tin.
Windows sẽ thông báo cho bạn rằng driver phù hợp cho thiết bị này không tồn tại, đây là lỗi có mã 28.
Hãy chọn thẻ Details, bấm vào menu đổ Properties và chọn Hardware ID. Windows sẽ hiển thị rất nhiều thông tin về thiết bị, tuy nhiên Hardware ID là thứ bạn cần để nhận dạng cho máy.
Bạn sẽ tìm thấy một danh sách chứa các kí tự khác nhau. Nếu chỉ nhìn vào danh sách này, rất khó để bạn có thể thu thập được thông tin gì hữu ích. Tuy nhiên, chúng lại là mã số độc nhất tương ứng với phần cứng của thiết bị.
Tiếp theo, bạn cần tìm kiếm trên Google với từ khóa chính là Hardware ID vừa tìm được ở phía trên. Kết quả tìm kiếm sẽ hé lộ cho bạn biết tên của thiết bị lạ kia là gì. Từ đây, bạn có thể tìm được driver dành cho máy.
Trong ví dụ dưới đây, thiết bị này có thể là Nexus 4 hoặc Nexus 7 2013 đã bật tính năng USB Debugging, vì vậy chúng ta cần cài đặt driver ADB. Để làm được điều này, bạn cần tải về và cài đặt Android SDK, sau đó kích hoạt công cụ Platform-tools. Sau đó, Windows sẽ nhận dạng được ADB và thiết bị của bạn.
Cài driver
Sau khi tìm được driver tương thích, bạn có thể cài đặt nó thông qua công cụ cài đặt có sẵn của Windows. Nếu bạn cần cài đặt driver bằng tay đối với với driver đã được tải về máy tính, hãy bấm vào nút Update Driver ở cửa sổ Properties của thiết bị. Tiếp theo, chọn Browse my computer for driver software để cài đặt driver đã có trong ổ cứng.
Tự động xác định thiết bị và cài driver
Windows được trang bị tính năng tự động cài driver bằng cách tìm driver tương thích trên mạng và tải về thông qua Windows Update. Nhờ vậy, bạn không cần tự mình thực hiện các thao tác này. Nếu bạn tắt tính năng tự động của Windows đi, có thể nhiều thiết bị mà bạn cắm vào máy tính sẽ không được nhận dạng.
Để bật tính năng này, hãy vào Control Panel và bấm vào mục Hardware and Sound, sau đó chọn View devices and printers. Bấm chuột phải vào biểu tượng máy tính và chọn Device installation settings.
Sau đó, hãy kích hoạt Yes, do this automatically (recommended) hoặc Always install the best driver software from Windows Update. Nhờ vậy, Windows có thể tự động download driver và thiết lập cài đặt cho thiết bị.
Sau khi đã kích hoạt, trong Device Manager, hãy bấm vào nút Update Driver ở mục Properties của thiết bị. Bạn sẽ tìm được driver thông qua Windows Update. Đôi khi, Windows Update không sở hữu tất cả driver của tất cả các thiết bị, vì thế bạn vẫn phải tự mình đi tìm trong những trường hợp này.
Việt Dũng
Theo How To Geek
Post a Comment