Bài liên quan
Không muốn có kết cục như Myspace, Facebook muốn đa dạng hóa dịch vụ và “trói chân” người dùng bằng mọi cách. Đây là lý do mạng xã hội này ép người dùng tải Messenger bằng được.
Hơn một năm trước, Facebook ra mắt Facebook Home, phần mềm được thiết kế để kiểm soát hoàn toàn smartphone của người dùng. Tuy sau đó trở thành “bom xịt”, Facebook Home giúp Facebook truyền tải thông điệp rõ ràng: mạng xã hội này mang trong mình sứ mệnh thống trị mọi thời gian dùng điện thoại của bạn.
Bước đi gây tranh cãi gần đây của Facebook khi ép tất cả người dùng iPhone, Android dùng Messenger càng khẳng định rõ điều đó. Nếu không thể lấy đi toàn bộ sự chú ý của bạn, Facebook sẽ “dội bom” bằng các ứng dụng khác nhau cho đến khi thỏa mãn ý đồ.
Ứng dụng Facebook Messenger trên di động
|
Facebook lý luận muốn mọi người chuyển sang Messenger vì ứng dụng nhanh hơn, giàu tính năng hơn, tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa lại chính là công ty muốn tự bảo vệ bằng cách đa dạng hóa dịch vụ cung cấp. Hiểu đơn giản, Facebook không muốn kết thúc như Myspace.
Phó Chủ tịch kiêm nhà phân tích cao cấp Nate Elliott của hãng nghiên cứu Forrester nhận định: “Hãy tưởng tượng một ngày News Feed mất dần sự quan trọng với người dùng. Họ không muốn mọi người ngừng sử dụng Messenger chỉ bởi vì họ ngừng xem News Feed. Đó là rủi ro mà Facebook có thể gặp phải nếu gộp tất cả một chỗ”.
Đây chính là chiến lược mà Mark Zuckerberg, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Facebook, theo đuổi gần đây. Đầu năm nay, mạng xã hội giới thiệu Creative Labs, một bộ phận chuyên phát triển ứng dụng mới “hỗ trợ mọi phương pháp con người kết nối và chia sẻ”. Trong cuộc phỏng vấn với New York Times hồi tháng 4/2014, anh cho biết về cơ bản, Creative Labs có nhiệm vụ xẻ nhỏ ứng dụng Facebook lớn.
Việc loại bỏ tính năng chat ra khỏi ứng dụng Facebook và ép tải Messenger hoàn toàn phù hợp với định hướng của công ty trong vài năm qua.
Năm 2012, Facebook chi 1 tỷ USD mua lại mạng chia sẻ hình ảnh Instagram. Con số này chưa thấm vào đâu với khoản tiền 19 tỷ USD công ty bỏ ra để có được ứng dụng nhắn tin WhatsApp hồi tháng 2/2014. Kể từ đó, Facebook còn thâu tóm ứng dụng theo dõi luyện tập Moves và start-up thực tế ảo Oculus VR.
Trước đây, Facebook thường tích hợp công nghệ của các công ty mua lại vào sản phẩm có sẵn và/hoặc đóng cửa dịch vụ. Song, Instagram, WhatsApp, Moves và Oculus vẫn hoạt động độc lập. Vì thế, nếu ngày nào đó bạn thấy chán ghét phải xem News Feed và đăng nhập Facebook ít hơn, bạn thực chất vẫn là “nô lệ” cho mạng xã hội này khi còn dùng Messenger, WhatsApp để liên lạc, Instagram để chia sẻ ảnh, Moves để biết đi được bao xa…
Theo ông Elliott, sở hữu nhiều ứng dụng đáp ứng mọi nhu cầu khác nhau sẽ giúp Facebook thống trị trải nghiệm di động. Ngoài ra, do còn là một công ty quảng cáo lớn, bạn càng dùng nhiều ứng dụng, Facebook càng hiểu nhiều về bạn. Gene Dolgin, một Giám đốc của hãng tư vấn Endeavour Partners, cho rằng doanh thu từ quảng cáo Facebook thu về tỉ lệ thuận với kiến thức về người dùng thu thập được từ ứng dụng, dịch vụ mà nó cung cấp.
Dường như chiến lược của Facebook đang phát huy tác dụng: theo công ty phân tích ứng dụng App Annie, 4/5 ứng dụng Android, iPhone được tải nhiều nhất trong tháng 6/2014 đều thuộc về Facebook, đó là Facebook, WhatsApp, Facebook Messenger và Instagram.
Tất nhiên, không phải cố gắng nào của Facebook cũng được đền đáp. Một số dịch vụ của hãng như Poke, Camera, Slingshot hay Paper đều không thành công, thậm chí còn dẫn đến kết cục bị kết liễu trong ê chề. Dù vậy, hiện tại người dùng có vẻ không hề mệt mỏi khi bấm vào ứng dụng Facebook và lướt không ngừng trên News Feed. Công ty cho biết trong quý II năm nay, số người dùng di động hàng ngày đã tăng thêm 39%.
Theo ICTNews
Post a Comment