Bài liên quan
Smartphone khiến chúng ta ngu đi, Facebook phá vỡ tình bạn thực sự, hay Google là thủ phạm khiến trí nhớ con người bị thui chột. Điều đó có đúng không hay chỉ là những lầm tưởng tai hại về công nghệ?
Công nghệ thật tồi tệ vì nó phá hỏng trí nhớ của bạn? Điều này rất … đúng chỉ vì tất cả mọi người luôn nói như thế! Đặc biệt, gần đây còn có thông tin nói Google khiến chúng ta ngày càng đần độn hơn, còn mạng xã hội lại phá vỡ các mối quan hệ trong thế giới thực.
Tuy nhiên, theo một bài viết trên trang The Week, những sợ hãi này chỉ là hoang tưởng, hoàn toàn dựa trên sự suy đoán, tính giai thoại, nỗi sợ hãi về những điều chưa biết. Nó không hề được minh chứng bằng khoa học thực tiễn. Sau đây là 3 nỗi sợ hãi vô căn cứ như thế về công nghệ.
Chuyện lầm tưởng thứ nhất: Smartphone khiến chúng ta ngu đi
Ngày 4/7/2014 vừa qua, tờ Khoa học đã xuất bản một bài báo với tựa đề “Những thách thức của tâm trí rảnh rang” ("Just think: The challenges of the disengaged mind.") của giáo sư Timothy D.Wilson. Bài báo cho thấy mọi người rất sợ phải ngồi không, không làm gì và không nói chuyện với ai – họ thà làm một điều gì đó tiêu cực hơn còn hơn là không làm điều gì cả.
Bài viết đã dẫn ra những bằng chứng cho thấy mọi người sợ phải ngồi im lặng với những suy nghĩ của chính mình. Trong hai nghiên cứu, về các sinh viên và những người có tuổi đời từ 18 đến 77, kết quả cũng tương tự: mọi người không thích ngồi không mà không làm gì cả.
Các tác giả nghiên cứu không gắn kết kết quả trên với việc sử dụng ĐTDĐ. Họ suy đoán có nhiều lý do khiến mọi người không thích ngồi im lặng không làm gì. Có thể vì mọi người sợ sẽ chìm vào những nỗi lo lắng hoặc các suy nghĩ tiêu cực; cũng có thể họ cảm thấy khó khăn khi không được chỉ dẫn phải nghĩ đến điều gì; thậm chí đó có thể là vì con người luôn luôn mong mỏi được kết nối với thế giới.
Một bài viết trên tạp chí Forbes còn nói rằng “Nghiên cứu cực sốc cho thấy tại sao công nghệ không thực sự khiến chúng ta thông minh hơn”. Bài viết cố tình gắn hiện tượng “con người bị ngu đi” vì sự xuất hiện của iPhone và các thiết bị Android.
Mặc dù nhận thức rõ các số liệu khoa học không hề liên hệ gì giữa việc sử dụng công nghệ và khả năng “ngồi im lặng”, nhưng điều đó cũng không ngăn cản tác giả đi tới quan điểm “bài trừ công nghệ”, khi nói: “Việc sử dụng các thiết bị di động ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ ít tuổi, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về khả năng của các thế hệ tương lai”.
Chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy những người cha, mẹ tuyệt đối tin rằng điện thoại thông minh là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc con cái họ ghét học hành.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng những niềm tin trên không hề có bằng chứng khoa học rõ ràng.
Chuyện lầm tưởng thứ hai: Mạng xã hội phá hỏng tình bạn
Có một niềm tin tương tự khác: đó là Facebook cũng như các mạng xã hội truyền thông đang phá hỏng các mối quan hệ.
Trong một nghiên cứu với trên 1.210 học sinh có độ tuổi từ 10 đến 17, các nhà nghiên cứu đã nhận ra việc các học sinh, những người sử dụng các liên kết online để nói chuyện với bạn bè đều có bạn thân, đều cảm nhận thấy riêng tư và hài lòng với xã hội hơn là những sinh viên không sử dụng mạng xã hội.
Thậm chí, Tiến sỹ Adriana Manago còn chỉ ra, những học sinh có nhiều bạn bè trên facebook có kinh nghiệm cao hơn trong việc hài lòng với cuộc sống, nhận thức xã hội và họ hạnh phúc hơn.
Theo giáo sư John Cacioppo của trường Đại học Chicago, trải nghiệm của con người với xã hội đa phương tiện đơn thuần chỉ là sự phản chiếu sự trải nghiệm đó với những người bạn của họ ở thế giới thực.
Bởi vậy, nếu một số người nói với bạn rằng truyền thông đa phương tiện phá hỏng khả năng chúng ta có “tình bạn trên thế giới thực”, thì hãy nhớ rằng, không có sự thực nào chứng minh điều này.
Chuyện lầm tưởng thứ ba: Google đang phá hỏng trí nhớ của bạn
Cuối cùng, một niềm tin khá phổ biến nữa là Google sẽ làm cho chúng ta ngu đần đi, bởi Google khiến chúng ta cảm thấy không cần thiết phải nhớ bất cứ điều gì nữa.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu đã phân tích cách truy cập vào các thông tin lưu trữ (của Google) ảnh hưởng tới trí nhớ con người ra sao. Thực tế, khi con người biết những thông tin đã được lưu trên máy tính, họ có khả năng nhớ cao về nơi nó lưu trữ và làm thế nào để lấy được nó sau này. Không phải là Google làm họ lười đi, mà là Google cung cấp cho họ một cơ chế khác để mã hóa thông tin: lưu một địa chỉ để làm sao tìm được thông tin hơn là nội dung của thông tin đó.
Trí nhớ của chúng ta có khả năng rất đáng ngạc nhiên: khi biết thông tin sẽ được cung cấp khi cần, bạn sẽ nhớ cách để có được thông tin, thay vì chính bản thân thông tin. Điều đó giống như khi chúng ta săn bắn và hái lượm, nhận thấy rằng không thể mang tất cả các “chiến lợi phẩm” về hang, anh ta chỉ cần nhớ là đã hái nó ở đâu.
Bởi vậy, khi bạn xem qua một bài báo nói với bạn rằng những tiện ích mới nhất sẽ dẫn bạn đến sự tụt lùi của nền văn minh, bạn nên có sự hoài nghi.
Theo ICTNews
Post a Comment