Bài liên quan
Israel vừa cáo buộc các hacker Trung Quốc đã tấn công và đánh cấp công nghệ đứng đằng sau Iron Dome, hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel được sử dụng từ năm 2011 của họ.
Những cáo buộc được đưa ra bởi Cyber Engineering Services trên website tin tức Krebs On Security. Thông tin ban đầu cho biết, có 3 công ty quốc phòng là Elisra Group, Israel Aerospace Industries (IAI) và Rafael Advanced Defence Systems đã gặp tổn thất sau một cuộc tấn công mạng. Theo các chuyên gia an ninh mạng của Israel thì cuộc tấn công đượcthực hiện bởi đơn vị 61.398, một tổ chức hacker được hậu thuẫn bởi quân đội Trung Quốc (theo Israel). 5 sỹ quan người Trung Quốc bị Mỹ truy nã hồi đầu năm vì hành vi xâm nhập vào cơ sở dữ liệu của các công ty năng lượng cũng xuất phát từ tổ chức này.
Các cuộc tấn công của hacker Trung Quốc nhằm vào Iron Dome bắt đầu từ tháng 10 năm 2011 (6 tháng sau khi hệ thống này được đưa vào vận hành) và các hoạt động này vẫn tiếp diễn cho đến tháng 8 năm 2012. Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF) cho biết hàng trăm tên lửa được bắn ra từ dãy Gaza, đặc biệt là trong các hoạt động quân sự hiện nay và một loạt các cuộc đụng độ vào năm 2012 đã bị hệ thống Iron Dome đập tan. Chính vì vậy đây được xem là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả nhất trên thế giới hiện nay.
Trong quá khứ, nhiều hành vi tương tự của hacker Trung Quốc đã được tiến hành nhắm vào các công ty tư nhân hoặc các phương tiện truyền thông của Israel. Ví dụ, IAI đã từng đập tan một cuộc tấn công bằng email lừa đảo, sau đó các hacker đã cài đặt các phần mềm độc hại trong 4 tháng tiếp theo nhằm mở rộng cuộc tấn công này. Trong trường hợp này, rất nhiều tài liệu bao gồm các file PDF, bảng tính,... đã bị đánh cắp.
Trở lại cuộc tấn công mạng lần này, mặc dù dữ liệu về Iron Dome là mục tiêu chính của các hacker nhưng bọn họ còn ghé thăm cơ sở dữ liệu của tên lửa Arrow III, công nghệ bay không người lái và tên lửa đạn đạo. Theo Joseph Drissel, người sáng lập của Cyber Engineering Services cho biết, nhiều IP trong cuộc tấn công không thuộc về các công ty của Israel. Thay vào đó, họ phải bảo vệ những IP này theo những thỏa thuận với Bộ quốc phòng Mỹ.
Chính điều này đã lý giải vì sao những bí mật này đã được giấu kín cho đến tận bây giờ. Thật dễ hiểu, khi một công ty được giao chịu trách nhiệm liên quan đến các bí mật quốc phòng thì những cuộc tấn công như thế này là điều họ không bao giờ muốn thừa nhận vì nó sẽ ảnh hưởng đến cả uy tín của công ty lẫn bí mật mà nó đang bảo vệ.
Mặc dù các thông tin có được là không rõ ràng nhưng các cơ quan an ninh Israel vẫn đổ lỗi cho phía Trung Quốc. Người ta phát hiện ra rằng hầu hết các hacker làm việc cho đơn vị 61.398 đều có những hoạt động chống lại Mỹ, đồng thời họ cũng nhắm vào các công ty tư nhân có liên quan đến cơ sở hạ tầng của các quốc gia và các ngành công nghiệp lớn.
Iron Dome là một trong những công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực quốc phòng thế giới, một số nước được cho là đang đàm phán với Israel để được chuyển giao công nghệ này. Cũng có thông tin Israel đang phát triển hơn nữa hệ thống này với một cái tên mới là Iron Beam. Điểm khác biệt giữa hai hệ thống này là Iron Dome sẽ sử dụng các thuật toán để xác định ngay tức khắc tên lửa trong một vùng không gian chính (để tiết kiệm đạn) được thiết lập trước đó, còn Iron Beam sẽ sử dụng một chùm tia laser và nhiều công nghệ để giúp kiểm soát tất cả các phạm vi trên bản đồ bằng cách theo dõi biến động nhiệt.
Minh Trung
Theo wired/Vnreview
Post a Comment