Bài liên quan
Bài viết được gửi đến từ Lincoln Vũ. Anh đã từng tham gia khởi nghiệp CNTT từ 2007, và đặc biệt là từ 2011 với dự án CayMay – Class on the Cloud nhằm đem giáo dục trực tuyến đến cho tất cả mọi người. Tốt nghiệp thạc sĩ CNTT tại đại học Columbia, New York và cử nhân tại Đại học Quốc gia Singapore, Lincoln đã có thời gian 8 năm hoạt động trong lĩnh vực này.
Là người yêu thích công nghệ số và các sản phẩm, ý tưởng táo bạo, Lincoln muốn đem góc nhìn của mình chia sẻ với cộng đồng công nghệ và cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam.
Mới đây các báo rầm rộ đưa tin bắt tạm giam 4 đối tượng của công ty Việt Hồng trong việc phát tán phần mềm ptracker và ptrackerERP. Thứ nhất, chúng ta hãy phân tích các tính năng và cơ cấu dữ liệu của phần mềm xem nó có khả năng vi phạm pháp luật hay không. Tiếp đó, chúng ta hãy đi vào tính hợp pháp của việc phân phối phần mềm này. Và cuối cùng, là trách nhiệm pháp lý trong việc sử dụng phần mềm này thuộc về ai, người sử dụng hay nhà sản xuất.

Mô hình hoạt động của phần mềm giám sát Ptracker
Về tính năng, phần mềm ptracker, theo như mô tả trên chính website của công ty (hiện chỉ còn xem được bản cache trên Google) cho phép lưu lại tọa độ theo thời gian (lộ trình GPS), các tin nhắn, lịch sử cuộc gọi, nghe lại cuộc gọi, kích hoạt ghi âm, nghẹ trực tiếp, khoanh vùng quản lý (gửi thông báo khi điện thoại di chuyển khỏi vùng quy định), và lịch sử lướt web. Có thể nói, đây là một bộ công cụ khá hoàn hảo, cho phép bạn điều khiển và theo dõi điện thoại di động từ xa.
Việc này không hề mới, chúng ta đều biết đến các điện thoại iPhone với tính năng FindMyIphone truy tìm vị trí của nó trong thời gian thực, khóa điện thoại từ xa, báo mất cắp, iCloud cho phép bạn đồng bộ hóa (hay nói đơn giản là lưu trữ) toàn bộ hình ảnh bạn chụp lên máy chủ của Apple, ứng dụng Facebook cài trên điện thoại, cũng hoàn toàn có thể được tùy chỉnh để lưu toàn bộ ảnh của bạn lên máy chủ của Facebook.
Với Google, câu chuyện tương tự cũng đã diễn ra hàng năm nay, trước đây là trên máy tính cá nhân, và bây giờ là các máy tính Android, tất cả các trang web bạn truy cập Google đều lưu lại, các từ khóa bạn gõ, email, lịch và các cuộc hẹn, tất cả các số điện thoại của bạn bè bạn đều có thể được lưu trên máy chủ, các cuộc gọi, hình ảnh, file, đều có thể được đồng bộ với máy chủ khi cần.
Ngay cả với dòng sản phẩm giá thấp, ví dụ như Q-mobile, chúng ta cũng có thể tìm thấy những tính năng điều khiển từ xa như: xóa danh bạ, xóa tin nhắn, báo mất,… được cài sẵn trong điện thoại, và có thể bật lên khi cần thiết.
Việc kiểm soát điện thoại, thu thập lịch sử dữ liệu trên điện thoại, cũng như việc lưu trữ dữ liệu sinh ra bởi người sử dụng trên máy chủ, và truy cập được chúng qua một thiết bị thứ 3, hoàn toàn là một khía cạnh tiến bộ của công nghệ. Chúng ta cho phép các công ty nước ngoài làm như vậy một cách thoải mái, thì không có cớ gì lại buộc tội một công ty Việt Nam làm như thế là phạm pháp? Chưa kể đến là không thể buộc tội được?
Việc phần mềm có các tính năng như ẩn việc theo dõi, hủy việc gỡ cài đặt,…là những tính năng đòi hỏi sự hiểu biết cao về lập trình của các lập trình viên. Việc này cũng giống như việc chúng ta không thể gỡ Internet Explorer ra khỏi Windows (trước đây), hay không gỡ được một số ứng dụng mặc định trên iOS. Tuy nhiên, việc một công ty thứ 3, không phải công ty sản xuất thiết bị/hệ điều hành, tạo ra những phần mềm như thế này, nhiều khả năng sẽ vi phạm bản thỏa thuận giữ nhà sản xuất thiết bị/hệ điều hành và bên cung cấp ứng dụng phần mềm. Tuy nhiên nó sẽ vẫn chỉ là việc vi phạm hợp đồng và thỏa thuận giữa các công ty với nhau, còn không mang tính tội phạm hay hình sự.
Tiếp theo, chúng ta hãy nhìn sang khía cạnh phân phối phần mềm ptracker. Phần mềm này không được đưa lên Google Play, "chợ" ứng dụng chính thức của Android, giống như Apple App Store. Đây có thể nói là một thiếu sót của công ty Việt Hồng khi không đưa, hoặc không đưa được ứng dụng này vào Google Play do lý do tiềm tàng về vi phạm thỏa thuận với Google như đã nói ở trên. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy một ứng dụng tương tự có tên "Theo dõi điện thoại"/Phone tracker của SmartApk Tools. Chúng ta chưa nói đến khía cạnh ptracker liệu có phải hàng nhái hay không, song việc không được vào Google Play đã làm giảm đi những bảo vệ pháp lý với những người sản xuất phần mềm này.
Việc công ty này hướng dẫn người dùng cài phần mềm ptracker chỉ bằng cách tải file .apk về máy và cài đặt, là một cách làm thuận tiện đối với những người dùng (đặc biệt là người thạo IT), có thể xuất phát từ hàm ý tốt của những người phát triển. Song việc không đi kèm theo một khuyến cáo (Disclaimer) nào về việc sử dụng phần mềm này khi phân phối nó, đã tạo ra kẽ hở cho việc dính líu đến pháp lý của người sử dụng. Đây có thể nói là sự "dại dột" của công ty Việt Hồng, khi không thêm một đoạn cảnh báo nói rõ việc sử dụng ứng dụng này vào mục đích theo dõi trái phép người khác, mục đích nghe lén, quay phim hay ghi âm trộm, v.v… là một việc bất hợp pháp và công ty sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào liên quan đến việc sử dụng trái phép ứng dụng này.
Những khuyến cáo (Disclaimer) là một phần mặc định và không thể thiếu trong phần mềm, hay thậm chí trong tất cả các sản phẩm từ tài chính, dịch vụ đến dụng cụ, thiết bị của các công ty, đã cực kỳ phổ biển ở nước ngoài. Tiếc thay các công ty Việt Nam dường như chưa quan tâm đúng mức đến điều này, và phải chịu hậu quả đáng tiếc.
Chính việc thiếu khuyến cáo này với người sử dụng, đã và đang gây khó khăn cho công ty Việt Hồng khi người sử dụng dùng nó để theo dõi người khác mà không được người khác cho phép, để nghe lén, và sử dụng hình ảnh mà không được sự đồng ý.
Việc lưu trữ và truy cập được trực tuyến là hoàn toàn bình thường, song việc cho phép ai truy cập, có khuyến cáo tính hợp pháp của việc truy cập không, là trách nhiệm của những người quản lý phần mềm/trang web truy cập các dữ liệu này. Việc những thông tin của khách hàng có bị tùy tiện bán cho bên thứ 3, có thể được truy cập dễ dàng bởi nhân viên công ty hay người ngoài công ty hay không, là những khía cạnh liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân đã được quy định ít nhiều tại điều 27 Luật Công nghệ thông tin. Việc công ty Việt Hồng có vi phạm điều này hay không và nếu có, đến mức nào, sẽ nên là nhân tố chính, xác định mức độ vi phạm pháp luật của những thành viên công ty.
Trong khi vụ việc vẫn đang được xử lý, những người làm công nghệ thông tin rất mong sẽ tiếp tục nhận được thông tin về sự việc này. Bài viết hy vọng góp phần phân biệt rõ giữa việc sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, tính năng mới trong các sản phẩm kỹ thuật số, với việc sử dụng những công nghệ này cho việc vi phạm pháp luật. Bài viết cũng hy vọng giúp phân biệt rõ ở đây ai là người vi phạm, ai là người vô tình hoặc sơ suất tiếp tay cho việc vi phạm này bằng việc thiếu sót những khuyến cáo sử dụng rõ ràng. Phải chăng đã đến lúc những người sản xuất phần mềm Việt Nam phải biết bảo về mình như những người sản xuất dao, kéo, không phải chịu trách nhiệm cho việc giết người hay gây thương tích?
Theo VnReview

Post a Comment

 
Top

Nhận xét mới đăng tải!

Loading…
X