Bài liên quan
Liên quan đến tin nhắn rác, chiều 18-7, Tuổi Trẻ đã trao đổi với một đại diện của các nhà mạng liên quan.
Dù người dùng phàn nàn nhưng tin nhắn rác vẫn “móc túi” khách hàng - Ảnh: Hữu Khoa
Một lãnh đạo của Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN (VNPT) cho biết theo quy định và các nhà mạng đang thực hiện rất triệt để là khi phát hiện có tin nhắn rác liên quan đến đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung số (CP) nào thì nhà mạng sẽ xử lý CP đó.
Cụ thể là khóa đầu số hoặc cắt hợp đồng tùy theo mức độ vi phạm đối với các điều khoản trong hợp đồng.
Về vấn đề “trách nhiệm của nhà mạng đến đâu khi được hưởng 55% doanh thu từ số tiền các đối tượng vi phạm pháp luật lừa đảo được”, vị lãnh đạo này cho rằng đối chiếu theo Luật viễn thông, nhà mạng chỉ có trách nhiệm xem xét CP vi phạm điều khoản nào trong hợp đồng để xử lý sau khi sự việc đã được phát hiện, bởi lẽ nhà mạng không có quyền kiểm soát tin nhắn nên không thể biết đâu là tin nhắn, đâu là cuộc gọi lừa đảo.
Chỉ khi nào khách hàng nhận được tin nhắn rác báo với nhà mạng hoặc cơ quan công an thì mới có cơ sở để xử lý. Cũng theo vị lãnh đạo này, Luật viễn thông cũng quy định nhà mạng phải chịu trách nhiệm về những sản phẩm dịch vụ do nhà mạng trực tiếp làm ra, còn việc sử dụng dịch vụ thì thuộc trách nhiệm của người sử dụng.
Vị lãnh đạo này cho biết theo quy trình thì việc xử lý sẽ được tiến hành ngay nếu CP đó do nhà mạng quản lý. Còn CP đó do nhà mạng khác quản lý thì phải thông báo với thanh tra sở thông tin - truyền thông để cơ quan thanh tra làm việc với nhà mạng quản lý CP đó, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm.
Hiện nay các nhà mạng đều đang hợp tác với nhau trong việc kiểm soát tin nhắn rác hay các dịch vụ lừa đảo như vậy.
Về vấn đề “ăn chia” 45-55, vị lãnh đạo này cho biết đó là sự phân chia trong chuỗi giá trị kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đó, ai làm công đoạn nào sẽ được hưởng công đoạn đó. Nhà mạng được hưởng 55% doanh thu do phải chịu trách nhiệm đầu tư, quản lý, điều hành hạ tầng và thực hiện việc thu cước, chăm sóc khách hàng, giải quyết khiếu nại. Còn đối tác CP được hưởng 45% là dựa trên các giá trị sản phẩm do họ làm ra.
M.QUANG
Chưa có biện pháp chế tài nhà mạng
Trong kinh doanh, quản trị rủi ro là yếu tố bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp. Nhà mạng ở đây cũng là doanh nghiệp cho nên đương nhiên phải biết, phải thực hiện tốt yếu tố này.
Để có thể quản trị các rủi ro trong kinh doanh, khi có những sự kiện, hiện tượng bất thường từ phía khách hàng, đối tác kinh doanh, doanh nghiệp phải lưu ý xử lý các bất thường đó. Với một dạng dịch vụ mạng mơ hồ về nội dung kinh doanh mà lại có doanh thu lớn, khối lượng doanh thu ngày càng gia tăng thì xét về góc độ kinh doanh, các nhà mạng phải coi đây là một tình huống bất thường để xem xét, theo dõi và xử lý. Đó không phải là một dạng dịch vụ đang thu hút cộng đồng như bóng đá theo giải lớn, chương trình truyền hình thực tế đang độ “hot” để nhà mạng an tâm với việc gia tăng doanh thu từ tin nhắn của các thuê bao. Với những dạng đầu số dịch vụ mà nhà mạng cũng không rõ là dịch vụ gì, trong khi doanh số gia tăng hằng ngày, khối lượng cao... thì về nguyên lý quản trị rủi ro, đương nhiên phải đặt đây là những trọng điểm bất thường trong quan hệ với đối tác.
Vậy tại sao nhà mạng không lưu ý được vấn đề này, theo tôi, có lẽ bên cạnh một số quan điểm cho rằng nhà mạng có nguồn lợi rất lớn từ cơ chế hợp tác phân chia doanh thu, lợi nhuận với đối tác thì một vấn đề nổi cộm lên là do chế tài pháp lý xử lý đối với nhà mạng trong trường hợp này không rõ ràng. Đối với những tổ chức phát tán tin nhắn rác, lừa lọc khách hàng, Luật viễn thông và nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông đã có quy định rõ ràng, thậm chí người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo mức độ nghiêm trọng của hậu quả gây ra. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp viễn thông thì quả thật chưa có quy định xử lý rõ ràng vấn đề này.
Từ đó suy ra việc xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự những đơn vị, những người lạm dụng dịch vụ, lừa lọc khách hàng không phải là phương cách hữu hiệu. Việc các nhà mạng không quan tâm phòng ngừa những bất thường từ phía đối tác cũng một phần xuất phát từ việc thiếu quy định cụ thể, rõ ràng về chế tài xử lý nhà mạng. Điều này đòi hỏi sự lưu ý quản lý hữu hiệu hơn về loại hình hợp tác kinh doanh dịch vụ bất thường này từ phía Bộ Thông tin và truyền thông.
Luật sư Trần Minh Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội)
|
Post a Comment