Bài liên quan
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, đa số khách hàng đều cài ptracker để giám sát vợ, chồng, em gái. Chưa phát hiện khách hàng nào sử dụng phần mềm này cho mục đích cạnh tranh không lành mạnh, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Nghe lén

Vụ việc 14.000 người dùng smartphone ở Việt Nam bị phần mềm Ptracker theo dõi đang gây xôn xao dư luận. Bởi lẽ, mối lo sợ quyền riêng tư bị xâm phạm đã hiện hữu chứ không còn là câu chuyện của ai đó hay ở đâu đó và đặc biệt, quyền riêng tư bị xâm phạm nghiêm trọng bởi chính... người thân của mình.
Phần mềm Ptracker do công ty Việt Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội) cung cấp có thể xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc thoại, ghi âm môi trường xung quanh, định vị vị trí điện thoại, quay phim, chụp ảnh, bật/tắt 3G. Nó còn cho phép người sử dụng điều khiển từ xa điện thoại bị cài phần mềm giám sát bằng cách nhắn tin tới điện thoại này. Khởi đầu của phần mềm này là từ phần mềm giám sát hành trình.
Cụ thể, trước tháng 6/2013, đối tượng Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc công ty đã sử dụng danh nghĩa cá nhân và danh nghĩa của Công ty Việt Hồng để kinh doanh thiết bị giám sát hành trình, phục vụ cho các khách hàng là tổ chức, công ty có nhu cầu định vị, xác định vị trí của nhân viên, xe ô tô... Tuy nhiên, do các thiết bị này hoạt động không ổn định nên Hùng nảy sinh ý định viết một phần mềm cài vào smartphone Android, thay thế cho thiết bị giám sát trên. Để thực hiện ý tưởng này, Hùng đã liên hệ với Lê Thanh Lâm, kỹ sư lập trình để thuê viết phần mềm.
Tháng 9/2013, Lâm đã viết xong phần mềm trên, bổ sung một số tính năng như bí mật ghi âm cuộc thoại, lấy tin nhắn từ điện thoại. Hùng trả công cho Lâm làm 2 đợt, tổng cộng 8 triệu đồng và hứa sẽ thưởng thêm nếu làm tốt. Đồng thời, Hùng cũng thuê Lâm vào làm việc chính thức tại Việt Hồng với mức lương 15 triệu đồng/tháng.
Kể từ đó đến nay, Hùng tiếp tục chỉ đạo Lâm phát triển chức năng bí mật ghi âm xung quanh, lấy danh bạ điện thoại, quay phim, chụp ảnh, lấy lịch sử duyệt web từ điện thoại bị giám sát, đồng thời tăng lương cho Lâm. Ngoài ra, Lâm và các nhân viên trong công ty còn được hưởng tiền thưởng từ doanh thu kinh doanh phần mềm ptracker.
Đáng lưu ý là người ta buộc phải trực tiếp cài đặt vào điện thoại của nạn nhân chứ không phải phát tán qua ứng dụng hoặc liên kết độc hại. Điều đó có nghĩa, người có nhu cầu theo dõi phải "chiếm" được điện thoại nạn nhân trong một khoảng thời gian.
Cho nên, cũng không có gì khó hiểu khi thông tin điều tra ban đầu cho thấy đa số khách hàng cài ptracker đều để giám sát vợ, chồng, em gái chứ chưa phát hiện khách hàng nào sử dụng phần mềm này cho mục đích cạnh tranh không lành mạnh, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...
Theo VietNamNet

Post a Comment

 
Top

Nhận xét mới đăng tải!

Loading…
X