Bài liên quan
Trong khi mà Apple và Google đang cạnh tranh nhau trên thị trường điện thoại thông minh đắt tiền thì Mozilla âm thầm đưa FireFox OS tấn công vào thị trường điện thoại thông minh giá rẻ.
Nghe giống như tên của trình duyệt Firefox, nhưng không phải, đây là hệ điều hành Firefox, do chính những tay viết code kỳ cựu tại Mozilla phát triển như là một hệ điều hành mở, so với những chuẩn đóng của công ty trước nay. Mozilla giống như 2 mảnh ghép mang tên “Mosaic” và “Godzilla”, khởi đầu là một bộ phận phát triển nguồn mở của Netscape trước khi bị dẹp bỏ hồi năm 2003, giống như một nhóm phi lợi nhuận chuyên ngồi viết code cho những công ty khác thương mại hoá sản phẩm. Tuy vậy, đến nay, nhóm này đã thực sự tự mình kiếm được tiền, đạt 100 triệu USD lợi nhuận trong 311 triệu doanh thu hồi năm 2012, trong đó có hơn 90% doanh thu đến từ các kết quả tìm kiếm từ Google.
Mozilla tiếp tục chuyển sang thị trường hệ điều hành di động, khiến nhóm này có ít “đồng minh” hơn và trở thành đối thủ với Google và Apple. Android thống lĩnh thị trường này, chiếm đến 78% so với vị trí thứ 2 là iOS chỉ đạt 18% của Apple (theo IDC). Nhưng cả 2 hệ điều hành này đều không dành cho các điện thoại thông minh tầm phổ thông mà các nhà mạng đang rất muốn cung cấp cho những thị trường đang phát triển. Bằng cách đơn giản hoá quản lý dữ liệu và cắt bớt các tài nguyên tốn pin, Firefox OS hấp dẫn người dùng nhờ vào giá rẻ và khả năng kết mạng.
Khởi đầu là nhà cung cấp dịch vụ Telefónica tung ra điện thoại Firefox tại Tây Ban Nha và 7 quốc gia Nam Mỹ khác hồi năm ngoái. Bây giờ, Deutsche Telekom cũng đã bắt đầu bán điện thoại Firefox ở Ba Lan, Hy Lạp, Hungary, Đức, và sẽ tiếp tục mở rộng ra các quốc gia khác gồm Croatia, Macedonia, Montenegro và cộng hoà Czech ngay trong năm nay. Hồi tháng 5 vừa rồi, hãng América Móvil cũng đã trình làng dòng điện thoại chạy hệ điều hành Firefox tại Mexico và tháng 6 này, Mozilla cho biết họ sẽ bán điện thoại Firefox ở Ấn Độ với giá 25 USD/chiếc.
Có vẻ điện thoại nền Firefox không thể chiếm ưu thế được so với điện thoại nền Android và iOS ở các thị trường phát triển như Mỹ và Nhật, là những nơi mà người dùng không quá chi li về giá cả thiết bị hay gói dữ liệu. Nhưng điều này không có nghĩa là Apple và Google không bị đe doạ cạnh tranh ở những thị trường đang nổi, là nơi mà hầu hết đồ thị tăng trưởng đều đi lên. Đối với các nhà cung cấp dịch vụ, tính độc lập trong việc triển khai có nhiều lợi ích cho họ, vì họ không phải đi thương thảo về chi phí bản quyền với Mozilla. Điều này cũng giúp họ linh động hơn trong việc tinh chỉnh lại thiết bị sao cho phù hợp nhất với hệ điều hành. Và một điều mà các nhà cung cấp dịch vụ yêu mến là Firefox không ép buộc họ gửi dữ liệu người dùng về máy chủ của Mozilla để phân tích hay thống kê. Trong khi về vấn đề này, Apple và Google không cho biết ý kiến gì.
Giám đốc công nghệ của Mozilla, ông Andreas Gal, cho biết dự án phát triển hệ điều hành Firefox đã có cách nay được 3 năm, khi mà trang web mở trên trình duyệt máy tính thường được phát triển để xem trên những chuẩn mở, chia sẻ như HTML, là chuyẩn không dành cho điện thoại thông minh hay máy tính bảng. Mã nguồn đóng của Apple chỉ có thể chạy trên thiết bị của riêng Apple. Google cho các nhà sản xuất điện thoại khả năng tạo ra các phiên bản tuỳ chỉnh cho hệ điều hành Android, nhưng điều này không có nghĩa là khách hàng Google không phải thường xuyên cập nhật những bản vá bảo mật hoặc các nâng cấp khác. Điện thoại có cấu hình yếu lại gặp vấn đề khác, vì phải chạy hệ điều hành Android phiên bản thấp, mà điều này lại có thể không tương thích được các phần cứng và ứng dụng mới.
Ông Gal lớn lên tại Đức, có bằng tiến sỹ ngành khoa học máy tính của đại học California tại Irvine trước khi gia nhập Mozilla hồi năm 2008. Ngồi sát bên một nhân viên Mozilla khác trên chuyến bay dài đến Hàn Quốc hồi năm 2011, ông quyết định Mozilla nên tạo ra một hệ điều hành di động nguồn mở với mục đích thử nghiệm. Sau khi trở về, ông gửi một email đến các nhà phát triển Mozilla về kế hoạch này. Ba ngày sau, Telefónica tài trợ cho dự án này và còn gửi vài kỹ sư của họ qua Mozilla để hỗ trợ.
Ông Paco Montalvo, phụ trách thiết bị của Telefónica, cho biết nhóm của ông cũng đã thảo luận với khách hàng và quyết định không chuyển sang dùng iOS hay Android vì những vấn đề về tương thích trong ứng dụng. Gần đây, hãng Deutsche Telekom và Telenor cũng đã bỏ thời gian nghiên cứu về hệ điều hành mới này.
Mozilla và Telefónica đồng ý thị trường đầu tiên nhắm đến là Brazil, là nơi mà Telefónica có đến gần 30% thị phần di động, và tiếp đến sẽ là thị trường tương tự Mexico.
Vì lý do Mozilla chưa mang Firefox OS vào các điện thoại cao cấp nên họ vẫn giữ được mã nguồn ở cấp đơn giản, không tốn nhiều pin. Firefox OS cho người sử dụng dễ dàng theo dõi được dữ liệu sử dụng để giảm tiền thanh toán gói dữ liệu. Hệ điều hành này cũng hỗ trợ radio FM, một tính năng rất hấp dẫn đối với thị trường Nam Mỹ. Để giúp người dùng dễ dàng nắm bắt cách sử dụng lần đầu tiếp xúc, không như các hệ điều hành di động khác, Firefox OS có thể tìm kiếm nhiều ứng dụng cùng lúc. Ví dụ như nếu gõ Madonna, điện thoại sẽ cho kết quả về thông tin cô ca sỹ này trên Wiki và những bài hát của cô từ một dịch vụ âm nhạc trực tuyến.
Sau đó, Firefox có thể tự động tải những kết quả tìm kiếm này lên các ứng dụng di động tương ứng, được viết theo chuẩn HTML5 mới, không gửi người dùng đường link để tải một ứng dụng tương thích nào để cài đặt. Nhiều ứng dụng mạng xã hội quan trọng nhất, gồm WhatsApp, Facebook và Twitter cũng được chuyển sang HTML5, có nghĩa là Mozilla đã vượt qua được cái ngưỡng mà bất kỳ hệ điều hành mới nào cũng phải đối diện là thuyết phục các nhà phát triển viết ứng dụng cho hệ điều hành mới.
Firefox OS không chỉ mở ra cánh cửa cho điện thoại giá rẻ, mà nó còn cho thấy tính đơn giản và tính trực quan hơn nhiều so với các hệ điều hành khác. Ở những thị trường giàu có hơn, Telefónica mang điện thoại này hướng đến nhóm người sử dụng là thanh thiếu niên đang tìm mua chiếc điện thoại đầu đời. Còn ở thị trường phát triển, đối tượng sử dụng là người lớn, mà trước mắt, các quốc gia như Colombia, Venezuela, Peru và Uruguay rất có tiềm năng.
Telefónica chưa công bố dữ liệu kinh doanh nhưng chi nhánh ở Colombia cho biết 8% điện thoại thông minh bán ra thị trường của họ chạy Firefox OS. Còn Deutsche Telekom cho biết Firefox đã đạt được doanh số đặt ra, chiếm 3% điện thoại thông minh bán ra tại Ba Lan. Chưa đầy 1 năm xuất hiện trên thị rường, 3% là một thành tựu đối với Mozilla. So với Microsoft trên toàn cầu, họ mới chỉ đạt 3% điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Windows. IDC dự đoán năm nay, Firefox OS sẽ có mức tăng trưởng toàn cầu gấp 6 lần năm ngoái.
|
Post a Comment