Bài liên quan
Theo nghiên cứu từ KPCB năm 2014, một phần tư tổng lưu lượng internet toàn cầu tới từ các thiết bị di động, tăng 25 lần so với năm 2008. Phần lớn trong số này tới từ các thiết bị như tablet hay smartphone, vốn đang bùng nổ mạnh mẽ về lượng người dùng.

Sự bùng nổ của smartphone
Bất chấp sự bùng nổ đó, các thiết bị thông minh mới chỉ chiếm hơn một phần ba tổng số lượng thiết bị di động trên thế giới. Gần hai phần ba còn lại, tức là khoảng 2.8 tỷ thiết bị, vẫn là những chiếc điện thoại "chưa thông minh", vốn được gọi phổ biến với cái tên feature phone hay dumb phone. Đa phần trong số đó không thể truy cập Internet theo cách thông thường và thuận tiện như trên smarphone hay tablet. Hiện tại, một số startup đang tìm cách đưa Internet (hay ít nhất là một phần của nó) đến với thị trường đầy tiềm năng còn gần như bị bỏ ngỏ này. Có bao giờ bạn thử tưởng tượng mình sẽ có thể truy cập được Gmail hay Facebook từ một chiếc Nokia 1280?
Từ "Google" bằng SMS
Tháng 3 năm 2011, Innoz, một startup của Ấn Độ, quyết định triển khai SMSGyan ("Gyan" trong tiếng Hindi nghĩa là "Tri thức"), một dịch vụ cho phép người dùng tiến hành tìm kiếm và nhận kết quả theo thời gian thực ngay trên các thiết bị feature phone. Toàn bộ quá trình được thực hiện thông qua các tin nhắn (SMS).
Các nhà đồng sáng lập trẻ tuổi của Innoz nhận thấy một thực tế rằng đa số người dân Ấn Độ với chỉ đủ khả năng sắm được cho mình một chiếc điện thoại di động cơ bản, và có rất ít cơ hội được tiếp cận với Internet để tìm kiếm và tra cứu thông tin. Năm 2009, Deepak Ravindran cùng các công sự là Mohammed Hisamuddin, Ashwin Nath và Abhinav Sree quyết định bỏ học từ trường Cao đẳng Kỹ thuật Lal Bahadur Shastri để xây dựng Innoz. Tại đây họ đã phát triển hệ thống cho phép tiếp nhận các truy vấn của người dùng thông qua SMS, sử dụng các thuật toán để tiến hành tìm kiếm trên Internet và các cơ sở dữ liệu liên quan, từ đó trả về kết quả cho người dùng dưới dạng một tin nhắn 480 ký tự.
Toàn bộ quá trình tìm kiếm và nhận kết quả của SMSGyan được thực hiện hoàn toàn thông qua các tin nhắn SMS, khác với dịch vụ gần tương tự của Google là Google SMS Search (đã đóng cửa vào tháng 5 năm 2013), vốn thường trả về kết quả có yêu cầu người dùng tiếp tục truy cập Internet qua WAP để tìm kiếm thông tin. Hơn thế nữa, kết quả tìm kiếm của SMSGyan cũng được địa phương hóa rất cao, phù hợp với nhu cầu của đa số người dùng sở hữu những chiếc feature phone.
Thực hiện tìm kiếm với truy vấn "Ai là thủ tướng của Ấn Độ" năm 2011
Hiện dịch vụ của Innoz đang phát triển rất tốt với hơn 120 triệu người dùng thường xuyên và hơn 1.3 tỷ truy vấn hàng tháng, mang lại doanh thu 3 triệu USD tính đến cuối năm 2012. Công ty đã đạt được thỏa thuận hợp tác với Wikipedia, Bing, Wolfram Alpha cùng các cơ sở dữ liệu tổng hợp về y tế, giao thông vận tải và thể thao.
Không chỉ dừng lại ở tìm kiếm, Innoz đang từng bước xây dựng hệ sinh thái Internet offline của mình với việc giới thiệu kho ứng dụng SMS App Store đầu tiên trên thế giới. Người dùng sẽ có thể gửi và nhận tin nhắn Gmail, cập nhật trạng thái trên Facebook hay Twitter, xem các ghi chú từ Evernote…, tất cả đều thông qua tin nhắn. Innoz cũng hợp tác với các dịch vụ vì cộng đồng như Google's Person Finder – ứng dụng cho phép tìm kiếm nạn nhân nhân các thảm họa tự nhiên và nhân tạo, hay các ứng dụng học và dịch thuật các văn bản Tiếng Anh. (Ấn Độ là một quốc gia đa ngôn ngữ với 22 ngôn ngữ đồng chính thức, trong đó Tiếng Anh được dùng nhiều ở các thành phố lớn, nhưng lại không phổ biến ở các làng quê).
Đến "Facebook" bằng USSD
USSD (Unstructured Supplementary Service Data) là một giao thức được sử dụng bởi các nhà mạng GSM cho phép các thiết bị di động giao tiếp với các dịch vụ của nhà cung cấp, tiêu biểu là các dịch vụ tra số dư tài khoản, ví dụ như nhà mạng Viettel của Việt Nam với các cụm phím *101# và *102# quen thuộc.
Không giống như các tin nhắn SMS, giao thức USSD cho phép tạo ra kết nối giao tiếp hai chiều theo thời gian thực với nhà cung cấp. Điều này cho phép các dịch vụ USSD có khả năng hồi đáp linh hoạt hơn so với các dịch vụ sử dụng SMS.
Sử dụng giao thức này, U2opia, một startup có trụ sở tại Singapore đang hướng đến việc phủ sóng các mạng xã hội phổ biến tới cả những chiếc feature phone không hề hỗ trợ Internet.
Truy cập vào Facebook trên dumb phone
Thông qua USSD, U2opia cho phép người dùng kết nối tới các dịch vụ Internet cụ thể như Facebook hay Twitter, với giao diện được thiết kế lại riêng để phù hợp với màn hình nhỏ không hỗ trợ đồ họa phức tạp của những chiếc feature phone. Điều này được thực hiện thông qua nền tảng độc quyền của công ty là Fonetwish với sự đồng ý hợp tác và hỗ trợ từ Facebook và Twitter.
Trải nghiệm người dùng chỉ dừng lại ở mức cơ bản nhất, nhưng những tính năng của các mạng xã hội này vẫn được hỗ trợ đầy đủ. Người dùng có thể theo dõi notification, truy cập newsfeed, cập nhật status, đăng bài viết lên tường nhà bạn bè, và cả gửi và nhận tin nhắn. Những gì người dùng phải làm là nhập các mã lệnh tương ứng để gửi và nhận thông tin.
Kể từ khi ra mắt năm 2011, U2opia luôn có mức tăng trưởng ổn định, và đến nay đã có 17 triệu người dùng của 53 nhà cung cấp mạng tại 36 quốc gia. Thị trường tiềm năng còn rất lớn khi thông qua hơn 50 nhà mạng này, U2opia có thể tiếp cận được với hơn 1 tỷ người dùng, đặc biệt tại các thị trường đang phát triển. Tính riêng tại Ấn Độ, nhờ vào một loạt thỏa thuận hợp tác với các hãng viễn thông lớn, bao gồm cả hãng viễn thông quốc doanh BSNL, hơn 550 triệu khách hàng sử dụng feature phone có thể tiếp cận được với dịch vụ của hãng, trong tổng hố hơn 900 triệu thuê bao di động của nước này.
Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Fonetwish
Hiện startup tới từ Singapore đang hướng đến việc xây dựng một nền tảng phát triển ứng dụng cho phép các bên thứ ba xây dựng và phát hành các ứng dụng của riêng mình dựa trên giao thức USSD, đồng thời được lựa chọn để triển khai dịch vụ tại các nhà mạng mà U2opia đã hợp tác. Với việc đã mua một mã lệnh thống nhất với tất cả các nhà mạng (*315#), U2opia có thể dễ dàng bán các mã lệnh phụ cho các bên thứ 3 (chẳng hạn *315*1234#)
Smartphone và dumb phone, 2 xu hướng di động tồn tại song hành
Có thể nói những startup như Innoz hay U2opia, thông qua việc tận dụng sức lan tỏa của những dịch vụ phổ biến trên Internet như Google, Facebook hay Twitter, đã tiếp cận và khai thác thành công thị trường gần 3 tỷ người dùng feature phone còn gần như bị bỏ ngỏ.
Những dịch vụ như của Innoz và U2opia đã mang lại cho đa người dùng, đặc biệt tại các nước đang đang và kém phát triển, cơ hội lần đầu được tiếp cận với Internet, kho thông tin khổng lồ của nhân loại. Khác với nhu cầu và thói quen dùng Internet của các quốc gia mà Internet đã phát triển, nơi Internet trở thành một kênh giải trí phổ biến, người dùng khi lướt web đòi hỏi website phải trực quan, bắt mắt, hình ảnh đẹp… thì những người dân của các quốc gia kém phát triển thực sự dùng Internet để đáp ứng nhu cầu thông tin của họ. Họ hiện tại chỉ dùng Internet để nắm bắt thông tin nhằm giải quyết những vấn đề thiết yếu của cuộc sống và nâng cao thu nhập của bản thân và gia đình.
Lợi ích cho các người dân là vậy, còn đối với các startup như Innoz hay U2opia, điều họ quan tâm nhất chính là việc thu thập các thông tin nhân khẩu học và thói quen của một cộng đồng những người dùng rộng lớn ở các nước đang phát triển. Những thông tin này vô cùng có giá trị với những tổ chức và công ty quan tâm, chẳng hạn như một CLB bóng đá muốn tương tác nhiều hơn với người hâm mộ, một công ty giống cây trồng muốn quảng bá sản phẩm mới tới người nông dân, hay một chương trình tuyên truyền về sử dụng nước sạch của một tổ chức y tế phi lợi nhuận…Dữ liệu rộng lớn và chính xác về người dùng là lợi thế lớn nhất của xu hướng đưa Internet lên dumb phone này.
Qua đây, chúng ta có thể thấy hai xu hướng chính của Internet trên điện thoại di động trong thời gian tới. Một là hướng smartphone với cấu hình mạnh mẽ có thể thay máy tính trở thành thiết bị chính xử lý phần lớn các tác vụ tính toán cho người dùng. Hướng thứ hai đó là điện thoại sẽ có giá cực rẻ, đến mức gần như cho không, và chỉ được sử dụng để liên lạc và truy cập vào Internet ở mức cơ bản.
Innoz hay U2opia chính là những startup điển hình cho xu hướng thứ hai kể trên. Tuy nhiên họ cũng không hề bỏ ngỏ thị trường smartphone. Innoz đã có những động thái cụ thể thông qua việc giới thiệu Brownie, một ứng dụng hướng đến các smartphone Android trên toàn thế giới cho phép sử dụng các dịch vụ Internet offline của hãng như một phương thức kết nối thứ hai sau các kết nối thông thường như Wifi hay 3G… Trong khi đó, U2opia cũng cho biết công ty đang phát triển thêm những sản phẩm mới, lần này là nhắm vào những chiếc smartphone.
Tôi nghĩ rằng trong tương lai hai xu hướng di động này sẽ cùng tồn tại, phát triển song hành và xác lập lên vị thế nhất định của mình ở trên thị trường. Chúng ta hãy cùng chờ xem chúng sẽ phát triển, tương tác, định hình và phân chia thị trường di động trong tương lai thế nào.
Theo Techinasia

Post a Comment

 
Top

Nhận xét mới đăng tải!

Loading…
X