Bài liên quan
Một vài người sử dụng máy ảnh số không biết rằng họ có thể cập nhật firmware cho máy ảnh của mình, dù đó là loại máy compact rẻ tiền hay máy DSLR đắt tiền.
Bài viết dưới đây sẽ giải thích vì sao nên cập nhật firmware. Người sử dụng cũng có thể áp dụng lý thuyết này cho việc cập nhật hệ điều hành trên điện thoại.

Firmware là gì và tại sao nó lại quan trọng?
Bên trong máy ảnh của bạn có một bộ vi xử lý giống như là một máy tính cỡ nhỏ. Bộ vi xử lý này sử dụng một phần mềm lưu trữ trong thẻ nhớ flash của máy ảnh. Phần mềm đó gọi là firmware và nó chính là hệ điều hành cho máy ảnh của bạn. Nó cho phép bạn điều khiển các chế độ và chức năng thông qua hệ thống thực đơn (menu) và phím bấm. Firmware cũng đảm nhiệm tự động lấy nét, phơi sáng, xử lý ảnh, giảm nhiễu và những chức năng quan trọng khác của máy ảnh. Nếu không có firmware, máy ảnh của bạn chẳng khác gì... cục gạch.
Tại sao phải kiểm tra để cập nhật firmware?
Các bản cập nhật thường bao gồm các miếng vá lỗi và các tính năng được cải tiến. Tuy nhiên, một số mẫu máy ảnh chẳng bao giờ có firmware cập nhật.
Khi một máy ảnh mới được đưa vào dây chuyền lắp ráp, nhà sản xuất sẽ tải firmware vào trong máy. Sau khi chiếc máy ảnh đó được đưa ra thị trường, người dùng có thể phát hiện ra một số lỗi trong quá trình vận hành và phản hồi tới nhà sản xuất. Nhà sản xuất sẽ xem xét các lỗi đó và cung cấp bản vá dưới dạng bản cập nhật firmware. Một số bản vá không quá quan trọng, nhưng đôi khi có những bản vá khắc phục được các lỗi nghiêm trọng như hao pin, lấy nét sai hoặc máy ảnh tự khóa.
Các bản cập nhật firmware cũng được phát hành khi hãng chế tạo bổ sung các tính năng mới, chẳng hạn như bổ sung ngôn ngữ cho máy ảnh, hoặc bổ sung khả năng điều chỉnh bằng tay cho chức năng tự động vốn được cài đặt từ trước. Một vài bản cập nhật cũng được phát hành nhằm hỗ trợ cho các thiết bị mới của máy ảnh, chẳng hạn mô-đun GPS hay thẻ Wi-Fi.  
Khi nào thì kiểm tra bản cập nhật firmware?
Bạn có thể kiểm tra các bản cập nhật firmware theo định kỳ vài tháng một lần. Hoặc sau khi bạn mua một máy ảnh mới thì đó cũng là thời điểm tốt để kiểm tra. Với các loại máy ảnh cũ, chỉ có rất ít bản cập nhật được đưa ra, tuy nhiên bạn vẫn nên kiểm tra theo định kỳ hàng năm. Những người chưa bao giờ nâng cấp firmware thì đây là thời điểm để họ thực hiện việc này.
Máy ảnh của bạn đã có bản cập nhật mới nhất chưa?
Trước tiên hãy kiểm tra phiên bản firmware trên máy ảnh của bạn. Bạn có thể tìm thấy thông tin này trong thực đơn của máy. Ở mỗi loại máy ảnh lại có một vị trí lưu thông tin khác nhau. Có lẽ bạn nên tham khảo trong sách hướng dẫn sử dụng để biết được thông tin này nằm ở đâu trong hệ thống thực đơn.
Người sử dụng có thể kiểm tra phiên bản firmware mới nhất trên site hỗ trợ khách hàng của nhà sản xuất. Hãy nhìn xem số hiệu phiên bản trên website đó có cao hơn trên máy ảnh của bạn không. Nếu hai con số giống nhau, bạn không cần phải cập nhật. Lưu ý là có một số mẫu máy ảnh mà nhà sản xuất không bao giờ cập nhật firmware vì thế bạn sẽ không thể tìm thấy trên web.
Lưu ý: Bạn cần phải biết ký hiệu chính xác của mẫu máy ảnh đang sử dụng để tải đúng firmware dành riêng cho mẫu máy đó.
Dưới đây là các website hỗ trợ khách hàng của các hãng chế tạo máy ảnh danh tiếng. Bạn có thể kiểm tra bản cập nhật firmware từ các site này:
Tại sao phải đọc hướng dẫn kỹ càng trước khi cập nhật firmware?
Hãy đọc hướng dẫn thật kỹ trước khi cập nhật nếu bạn không muốn biến máy ảnh của mình thành một... cục gạch! Nếu trong quá trình cập nhật chẳng may pin bị cạn, hoặc bị ngắt bởi một yếu tố nào đó, thì nguy cơ là bạn sẽ có một chiếc máy ảnh với phần mềm không thể sử dụng được. Bạn sẽ phải gửi "cục gạch" của mình về hãng để sửa chữa.
Làm sao để biết firmware mới đã chữa lỗi gì hoặc cập nhật tính năng gì?
Những thông tin này sẽ được phát hành kèm theo bản cập nhật trên website của nhà sản xuất. Bạn cũng có thể tìm thấy ở đó thông tin về những lỗi đã được sửa chữa của những phiên bản cũ hơn nữa.
Các bước cơ bản cập nhật firmware
(Đây chỉ là ví dụ chung nhất. Bạn hãy đọc hướng dẫn cụ thể cho loại máy ảnh của bạn để việc cập nhật được chính xác)
1. Kiểm tra phiên bản firmware trên máy ảnh.
2. Kiểm tra phiên bản mới nhất trên website nhà sản xuất.
3. Đọc kỹ hướng dẫn cài đặt.
4. Tải xuống firmware
5. Lắp pin đã sạc đầy vào máy ảnh
6. Định dạng (format) lại thẻ nhớ trong máy ảnh. (Đọc quyển hướng dẫn nếu bạn không biết cách format thẻ nhớ).
7. Đặt thẻ nhớ vào trong một đầu đọc thẻ nối với máy tính. (Không kết nối thẳng máy ảnh với máy tính).
8. Chép bản cập nhật firmware vào thư mục gốc (root folder) trong thẻ nhớ.
9. Ngắt kết nối đầu đọc thẻ với máy tính.
10. Lắp lại thẻ nhớ vào trong máy ảnh (bạn phải để máy ảnh ở trạng thái tắt khi thực hiện các thao tác tháo lắp thẻ).
11. Làm theo hướng dẫn để cập nhật firmware.
12. Trong quá trình cập nhật, đừng chạm vào bất kỳ nút nào cũng như đừng tắt máy, cho tới lúc có thông báo đã cập nhật thành công.
13. Kiểm tra xem máy ảnh đã chạy firmware mới cài đặt chưa.
Nếu bạn đang sử dụng máy ảnh Nikon
Một số máy ảnh DSLR của Nikon có các phiên bản firmware A, B và L. Nó mang ý nghĩa gì? Firmware A dành cho bộ vi xử lý vào ra I/O (input/output). Firmware B dành cho bộ xử lý hình ảnh (Expeed). Firmware L dành cho các chức năng ống kính, chẳng hạn như hiệu chỉnh độ méo của ống kính. Bạn không cần biết tại sao Nikon lại sắp xếp như vậy. Bạn chỉ cần quan tâm phiên bản nào là mới nhất để cập nhật cho máy ảnh. Ngoài Nikon, các hãng chế tạo khác chỉ cung cấp một loại firmware để cập nhật.
Muốn bổ sung thêm tính năng cho máy ảnh? Sử dụng firmware Magic Lantern (chỉ dùng cho máy ảnh Canon)
Có một số người không hài lòng với những tính năng mà firmware của nhà sản xuất cung cấp. Họ đã tự viết firmware riêng. Trào lưu này khởi nguồn từ năm 2009 khi Canon lần đầu tiên ra mắt 5D mark II, một mẫu máy ảnh với cảm biến full frame (35mm) có khả năng quay video với độ nét full HD. Các nhà làm phim nghiệp dư muốn biến chiếc 5D mark II trở thành một máy quay phim giá rẻ, hơn là sở hữu một chiếc máy quay thật với giá 25.000 USD (500 triệu đồng). Từ đó, họ đã viết ra firmware dành cho 5D mark II và các máy ảnh của Canon, bổ sung thêm nhiều tính năng quay phim và chụp ảnh nâng cao. Chẳng hạn như bổ sung bộ đo khoảng cách từ máy ảnh đến đối tượng, chỉnh sửa thời gian mở cửa trập để phơi sáng dài, khả năng phát hiện chuyển động, gắn (tag) giọng nói vào tấm ảnh. Các firmware tùy biến này chạy trên thẻ SD hoặc CF thay vì nằm trong máy ảnh như firmware gốc.   
Magic Lantern là một firmware dành cho dòng máy ảnh EOS của Canon. Để biết firmware này hoạt động như thế nào và hỗ trợ các loại máy nào, bạn có thể truy cập vào website Magic Lantern để xem thông tin.
Lưu ý: Chạy firmware của bên thứ ba không được sự hỗ trợ của nhà sản xuất có thể khiến bạn bị từ chối bảo hành nếu xảy ra trục trặc. Vì thế, trừ phi bạn am hiểu và cảm thấy tự tin với công việc mình làm, còn nếu bạn là người mới chụp ảnh hoặc mới mua máy thì không nên sử dụng firmware của bên thứ ba.
Làm gì nếu xảy ra trục trặc?
Hãy xem lại hướng dẫn của nhà sản xuất nếu trong quá trình cài đặt xảy ra trục trặc. Kiểm tra xem bạn có bỏ quên một bước nào hoặc hiểu sai yêu cầu của nhà sản xuất hay không?
Nếu mọi thứ vẫn không tiến triển sau khi bạn xử lý sự cố, có lẽ bạn cần liên hệ với trung tâm bảo hành được ủy quyền để nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Chúc bạn thành công!
Đăng Khoa
Theo Digital Photography School

Post a Comment

 
Top

Nhận xét mới đăng tải!

Loading…
X