Theo hãng cung cấp phần mềm quản lý mã nguồn mở Black Duck Software, hiện nay có một triệu dự án phần mềm mã nguồn mở khác nhau. Dưới đây là 10 lý do phần mềm mã nguồn mở ngày càng phổ biến.
Phần mềm mã nguồn mở có lúc chỉ là lĩnh vực của những người đam mê công nghệ nhưng giờ đây đang chinh phục cả thế giới phần mềm. Theo hãng nghiên cứu công nghệ Gartner, phần mềm nguồn mở sẽ được đưa vào danh mục phần mềm quan trọng cho công tác kinh doanh của hầu hết tất cả các doanh nghiệp có tên trong danh sách Global 2000 của tạp chí Forbes vào năm 2016.
Chất lượng
Theo khảo sát về tương lai của phần mềm mã nguồn mở của hãng Black Duck năm 2014, chất lượng là lý do hàng đầu khiến các đối tượng được khảo sát chọn mã nguồn mở. Đó là một thay đổi lớn. Trong năm 2011, chất lượng đứng hạng thứ 5. Khi các dự án mã nguồn mở được nhiều người ủng hộ, thì càng có nhiều người đóng góp cải thiện mức ổn định, phát hiện và chỉnh sửa lỗi, tinh giản các giao diện. Một yếu tố liên quan là tính dễ dùng được nâng lên từ hạng 6 trong năm 2013 lên hạng 3. Đây là một dấu hiệu cho thấy các dự án mã nguồn mở đang trưởng thành nhanh chóng. Quả thật, nhiều công cụ mã nguồn mở bây giờ cũng rất đơn giản để cài đặt giống như các công cụ riêng của hãng mà đa phần là không cần phải đặt mua hay tìm kiếm.
Bộ tính năng
Theo báo cáo năm 2013 của Linux Foundation, 80% các công ty dự tính sẽ tăng mức sử dụng hệ điều hành Linux trong vòng 5 năm tới, trong khi chỉ có 20% các công ty có kế hoạch tăng mức sử dụng hệ điều hành
Windows. Con số các công ty dùng Linux cho công việc quan trọng cho công tác kinh doanh tăng từ 60% trong năm 2010 lên đến 70% trong năm 2012. Và dĩ nhiên giá cả là một yếu tố. Ngay cả khi tính thêm chi phí hỗ trợ, phần mềm mã nguồn mở vẫn thường rẻ hơn nhiều. Nhưng theo báo cáo của Linux Foundation, giá cả chỉ là yếu tố quan trọng hàng thứ nhì. Quan trọng nhất là bộ tính năng. Trường hợp này trái ngược hẳn so với những năm đầu của công nghệ mã nguồn mở, khi mà các sản phẩm thương mại thường hoàn chỉnh hơn và tập trung hơn.
Tính bảo mật
Tính bảo mật có lúc bị xem như là điểm yếu của mã nguồn mở, nhưng quan niệm này giờ đây đã thay đổi. Năm nay, 72% các đối tượng được khảo sát của Black Duck cho biết họ đặc biệt chọn mã nguồn mở vì tính
bảo mật. Phần mềm mã nguồn mở cho phép người dùng cân nhắc mật mã để tránh sai lầm bảo mật có thể xảy ra. Chuyên viên bảo mật thông tin doanh nghiệp Daniel Polly của First Financial Bank cho biết ông thực sự thích tính minh bạch của mã nguồn mở. Nhưng tốt hơn nữa là, khi một phần mềm đang tương tác với dữ liệu, với mã nguồn mở bạn có thể thấy những gì đang xảy ra trong dòng dữ liệu đó. Ông Polly cho biết, ngân hàng của ông đang dùng hệ thống phát hiện, ngăn ngừa xâm nhập mạng mã nguồn mở Snort. Theo ông, các hãng cung cấp thương mại hiện nay buộc phải khớp với những gì mã nguồn mở có thể cung cấp, cả về tính bảo mật lẫn trong các lĩnh vực khác.
Cải tiến nhanh hơn
Các hãng cung cấp phần mềm truyền thống thường xây dựng và phát triển các sản phẩm trong nội bộ của hãng. Tuy nhiên, các hãng cung cấp mã nguồn mở không phải bắt đầu từ số không; họ cải tiến trên cùng một cơ sở. Theo nhà phân tích Jon Oltsik, mã nguồn mở cung cấp một nền tảng phần mềm giúp giảm bớt nhu cầu phải bắt đầu các dự án phát triển từ con số không. Sau đó phần mềm có thể được tùy biến cho các mục đích cụ thể, do đó tiến trình phát triển có thể được thực hiện nhanh hơn. Chẳng hạn trong các dịch vụ đám mây, đã có phương pháp của Amazon hay Microsoft. Theo Mark Hinkle của công ty phần mềm Citrix, trong lĩnh vực này các hãng cung cấp dịch vụ đã cung cấp các đám mây sử dụng công nghệ OpenStack theo giấy phép Apache để cung cấp các loại dịch vụ giống như dịch vụ đám mây Amazon EC2, nhưng khác về loại sản phẩm dịch vụ, dịch vụ chuyên nghiệp và mức độ dịch vụ được tùy biến theo nhu cầu hay sử dụng.
Khả năng mở rộng
Phần mềm của hãng độc quyền sở hữu truyền thống thường tập trung vào nhu cầu của một phân khúc thị trường đặc biệt, chẳng hạn như cho tập đoàn lớn hay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các dự án mã nguồn mở thường không gặp phải vấn đề này vì chúng thường được xây dựng theo yêu cầu của khách hàng. Rafael Herrera, Trưởng bộ phận BI International của trang mua sắm Groupon, cho biết: “Nhân tố chủ yếu đối với chúng tôi – ngoài những thành quả về chi phí – là khả năng mở rộng. Chúng tôi cần một kết cấu khung có thể hỗ trợ tăng trưởng năng động ngay từ đầu. Là một công ty mới khởi nghiệp, chúng tôi khởi đầu với một nền móng CNTT được xây dựng hoàn toàn trên cơ sở công nghệ mã nguồn mở”. Điển hình là Groupon dùng một nền tảng tích hợp dữ liệu mã nguồn mở của hãng cung cấp phần mềm Talend.
Khả năng tùy biến
Phần mềm mã nguồn mở cho phép người dùng có kiến thức xâm nhập mã nguồn và thay đổi mã này. Paul Stadler, Giám đốc công nghệ của bệnh viện Chester County Cat Hospital cho biết, ông đã có thể mở rộng phần mềm mã nguồn mở mà bệnh viện đang dùng để đáp ứng nhu cầu mà không cần đến một công ty thứ ba. Bệnh viện này dùng phần mềm quản lý khám bệnh thú y cho các hoạt động chủ yếu của họ, chạy trên một máy chủ Linux và được chuyển đến máy tính để bàn và thiết bị di động của nhân viên qua một giao diện trang web. Thật vậy, theo khảo sát của Black Duck năm nay, tính thích nghi và tính linh hoạt của phần mềm mã nguồn mở là lý do quan trọng hàng thứ tư tại sao các công ty chọn dùng phần mềm mã nguồn mở chứ không chọn phần mềm độc quyền của hãng. Điểm lợi ích này của mã nguồn mở được xếp hàng thứ 8 năm ngoái.
Khả năng hợp tác
Trong quá khứ, khi các công ty cần đến cùng một tính năng, họ xây dựng tính năng này từ số không, dùng một sản phẩm của một hãng cung cấp bên ngoài hay thành lập một liên doanh để xây dựng và duy trì sản phẩm đó. Phần mềm mã nguồn mở đã giúp tinh giản quy trình này bằng cách giúp các công ty cạnh tranh hợp tác với nhau. Điều này đã giúp các công ty dồn hết thời gian và tiền bạc để nghiên cứu các dự án tạo sự khác biệt giữa các công ty này. Theo khảo sát của Black Duck, 50% các công ty góp phần vào nguồn mở và 56% cho biết họ sẽ gia tăng đóng góp trong năm nay. Bằng cách tham gia phát triển, các doanh nghiệp có thể giúp ảnh hưởng đến cách phần mềm tiến triển và xây dựng mối quan hệ với các nhà phát triển khác.
Các tiêu chuẩn
Các chuẩn được các nhóm người có thẩm quyền chuyên ngành thông minh thiết lập nên, chọn ra một con đường phát triển tốt nhất có thể cho một ngành công nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế thường xảy ra trường hợp có các chuẩn phổ biến trở nên nổi trội dựa trên các sản phẩm được ưa chuộng như chuẩn định dạng .DOC của Microsoft Word. Một dự án mã nguồn mở thành công có thể cung cấp cùng một tính năng mà không có nguy cơ bị hãng cung cấp khóa không cho dùng sản phẩm của hãng khác. Theo Mark Hinkle của hãng Citrix, rất dễ dàng để bổ sung một chuẩn nếu các sản phẩm thật được công nhận. Apache Web Server là một điển hình của trường hợp được công chúng chấp nhận sử dụng và đó là một nền tảng có thể truy cập giúp nhiều chuẩn web được chấp nhận sử dụng trong những ngày đầu của Internet.
Hợp thời thượng
Trong nhiều lĩnh vực, phần mềm mã nguồn mở không còn bị lấn át bởi các nền tảng độc quyền, nhưng thay vào đó phần mềm mã nguồn mở đang vượt lên dẫn đầu.
Đám mây, di động,
Big Data và
Internet of Things, tất cả đều là đối tượng nghiên cứu của nhiều dự án mã nguồn mở nổi tiếng đang thúc đẩy quá trình tiến triển của các nền tảng này. Đó là chưa nói đến Web, mà phần lớn được xây dựng trên cơ sở mở của Linux, Apache, MySQL và PHP. Ngay cả trong lĩnh vực tin công nghệ thành công gần đây nhất là
thực tế ảo (virtual reality) cũng có nhiều nền tảng môi trường ảo mã nguồn mở đang cạnh tranh nhau, gồm OpenSim, OpenWonderland và Open Qwaq.
Chi phí
Giá cả vẫn tiếp tục là một yếu tố cần lưu ý. Theo khảo sát Black Duck năm nay, 68% đối tượng được khảo sát cho rằng mã nguồn mở giúp cải thiện hiệu quả và giảm chi phí. Dĩ nhiên, mã nguồn mở không đồng nghĩa với miễn phí. Các hãng cung cấp vẫn có thể tính phí trên phần mềm, các phiên bản đặc biệt của phần mềm, dịch vụ hỗ trợ hay công trình phát triển tùy biến. Ngoài ra, một công ty có thể cần phải chi dùng tài nguyên nội bộ vào việc tiếp hợp hay tích hợp phần mềm mã nguồn mở. Nhưng đây không phải là một nhân tố dẫn đầu nữa. Theo Lou Shipley, Chủ tịch kiêm CEO của Black Duck, lý do dùng phần mềm mã nguồn mở không phải chỉ để cắt giảm chi phí hay là các lý do truyền thống khác. Mã nguồn mở đã chứng tỏ là có chất lượng, tính bảo mật, đã đạt mức phổ biến và phát triển sâu rộng.
Post a Comment