Bài liên quan
TTO - Cuối năm nay, Cox - nhà cung cấp dịch vụ Internet số 3 của Mỹ (sau Comcast và Time Warner Cable), sẽ trở thành nhà cung cấp cáp Internet cho dân cư đầu tiên có dịch vụ Internet tốc độ gigabit.

Khách hàng của mạng cáp quang Cox sắp được phóng với tốc độ 1 gigabit.
Theo bảng cước cáp quang Internet của nhà mạng VNPT Việt Nam hiện nay, gói cước cao nhất 15 triệu đồng/tháng sẽ cung cấp cho bạn đường truyền có tốc độ upload/download tối đa là 85Mbps (megabit/giây). Với tốc độ đó, bạn sẽ truyền dữ liệu nhanh hết hồn luôn! Vì thế, tốc độ sẽ còn kinh hồn hơn bội lần với chuẩn gigabit (Gbps) cung cấp tốc độ lên tới 1.000Mbps.
Cuối năm nay, Cox - nhà cung cấp dịch vụ Internet số 3 của Mỹ (sau Comcast và Time Warner Cable), sẽ trở thành nhà cung cấp cáp Internet cho dân cư đầu tiên có dịch vụ Internet tốc độ gigabit.
Theo báo The Wall Street Journal, những vùng dân cư đầu tiên sẽ được hưởng dịch vụ Internet siêu cao tốc của Cox là thành phố Phoenix (bang Arizona), Las Vegas (Nevada) và Omaha (Nebraska). Cox cho biết họ sẽ có "mức giá mang tính cạnh tranh".
Theo kế hoạch hiện nay, Cox chưa bắt đầu mở rộng dịch vụ Internet Gigabit cho tất cả các khu vực của mình ở Mỹ cho tới năm 2016. Nhưng Cox không muốn các khách hàng không may mắn sống tại các thành phố đầu tiên được cung cấp Internet Gigabit phải quá buồn lòng đâm ra quạu quọ có thể nghỉ chơi với họ. Vì thế, Cox đã quyết định tăng gấp đôi tốc độ của các dịch vụ 25Mbps và 50Mbps phục vụ tất cả 6 triệu khách hàng của mình.
Tìm chó cưng bằng iPhone
Theo số liệu thống kế của Hội Nhân đạo Mỹ (HSUS), số hộ gia đình có nuôi thú cưng của Mỹ vào năm 2012 đã tăng gấp 3 lần so với thập niên 1970. Có khoảng 67 triệu gia đình nuôi thú cưng với 164 triệu con vật được đăng ký (trong đó có tới 83,3 triệu con chó). Có nghĩa là có tới 62% số hộ ở Mỹ có nuôi ít nhất một con thú cưng. Trong khi đó, mỗi năm ở Mỹ có khoảng 10 triệu con thú cưng bị thất lạc. Vì thế, nhu cầu tìm kiếm thú cưng thất lạc ở Mỹ rất lớn.
PetMatch là một ứng dụng mới cho thiết bị Apple iOS giúp bạn tìm kiếm những con thú cưng bị thất lạc. Bạn chỉ việc đưa ảnh chụp con vật cần tìm để so sánh và tìm những điểm giống nhau trên dịch vụ Petfinder, một cơ sở dữ liệu về những con thú cưng có thể nhận nuôi ở Mỹ, Canada và Mexico. Ứng dụng này cũng cung cấp những chi tiết như thông tin liên hệ với các trung tâm hay tổ chức đang nuôi giữ những con thú cưng lạc mất chủ.
Ứng dụng di động PetMatch này sử dụng công nghệ nhận diện hình ảnh của Superfish để nhận ra "sự khác nhau giữa mắt, khóe miệng và hình dạng mặt của các con vật". Qua thử nghiệm của trang công nghệ TechCrunch với 2 con mèo sinh đôi, PetMatch có thể phân biệt được màu lông và các mảng màu trên lông khá chính xác. Ứng dụng này hoạt động tốt đối với các con vật có lông.
Tuy nhiên, bạn phải cho phép PetMatch có những thất bại giống như bất cứ ứng dụng nào khác. Chẳng hạn như có người cắc cớ nhập ảnh chụp nữ danh ca Lady Gaga vốn có cách trang điểm và phục sức đồng bóng vào, ứng dụng PetMatch đã trả lại kết quả mà nó tìm được con thú cưng tương tự một… con chuột hamster.
Logo "quả táo mẻ" 7 sắc cầu vồng được bán đấu giá
Cho tới bây giờ, sau 37 năm, nhà Apple vẫn trung thành với cái logo hình quả táo mẻ của mình. Chỉ có khác là cái quả táo không chịu đầy đó đã được thay vỏ chỉ còn một màu (có khi được tô bóng cho thiên hạ thèm chơi) chứ không giữ 7 sắc cầu vồng sặc sỡ như ban đầu.
Điều thú vị là Apple vẫn còn giữ được một cặp logo "quả táo mẻ" ban đầu vốn được gắn trên tường trụ sở của công ty tại Cupertino. Và bây giờ chúng sẽ được đưa ra bán đấu giá vào đầu tháng 6-2104 với giá khoảng 10.000-15.000 USD.
Hai chiếc logo này là thương hiệu "rainbow Apple" được sử dụng từ năm 1977 tới cuối thập niên 1990. Cái lớn được làm bằng mốp (foam) với kích thước 46 x 49 inch, còn cái nhỏ bằng sợi thủy tinh gắn trên nền kim loại có kích thước chung 33 x 36 inch.
"Quả táo mẻ" không phải là logo đầu tiên của Apple đâu! Nó được đưa ra khoảng một năm sau khi công ty này ra đời và trở nên một biểu tượng nổi tiếng đi cùng danh tiếng và sự thành công của Apple. Được thiết kế bởi Rob Janoff, quả táo theo hình cắt bóng này có một miếng "bị mẻ" ở một bên được giải thích là vừa gây sự chú ý, vừa nhân cách hóa nó (có lẽ tạo cho người ta ý nghĩ về một quả táo ngon lành vừa bị ai đó ngoạm một miếng). Còn 7 sắc cầu vồng là để nhấn mạnh tới khả năng độc đáo của máy tính Apple II thời đó có thể hiển thị hình ảnh màu.
Qualcomm tập trung vào điện thoại có thể chụp ảnh 3D
Hãng Qualcomm hiện nay đang tập trung đưa các con chip di động Snapdragon mới của mình vào trung tâm của lĩnh vực nhiếp ảnh điện toán. Mục đích là không chỉ phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu chụp ảnh di động của người dùng mà còn giúp các nhà sản xuất smartphone và tablet dễ dàng hơn trong việc phát triển các hệ thống camera kép cảm biến độ sâu của đối tượng, như HTC vừa làm với HTC One M8.
Tim Yates, giám đốc về camera và hình ảnh của Qualcomm, khẳng định CPU mới Snapdragon 805 được tích hợp khả năng duo-camera với sự hỗ trợ stereo và độ sâu.
Chip Snapdragon 805 có 2 ISP cho phép xử lý dữ liệu hình ảnh 2 chiều cùng lúc. Nghĩa là nó có thể xử lý tín hiệu nhập vào đồng thời từ một cặp cảm biến. Công nghệ này có thể được dùng để ghi được cả video Ultra HD 4K lẫn ảnh 16 megapixel với tốc độ 15 khung hình/giây.
Hệ thống Duo Camera mà HTC tích hợp trên HTC One M8 cặp đôi một cảm biến UltraPixel 4 megapixel với một cảm biến CMOS thứ hai ngay bên cạnh nó. Nhờ vậy thông tin về hình ảnh và chiều sâu của đối tượng ghi hình được cùng lúc truyền tới CPU Snapdragon 801 trên smartphone. Và HTC One M8 có thể kết hợp hình ảnh đó trong không gian 3D.     
CPU Snapdragon mới, chẳng hạn như Snapdragon 805, cũng có khả năng giảm nhiễu 3D trên video và ổn định hình ảnh số (chống rung) bằng cách sử dụng dữ liệu từ con quay hồi chuyển của CPU.
Hiện nay Qualcomm đã làm việc với Hãng Lytro để phát huy tính năng của CPU Snapdragon tích hợp trong máy ảnh "trường ánh sáng" (light-field) ILLUM mới độc đáo với tính năng chụp ảnh trước, lấy nét sau. Các CPU Snapdragon 805 và sắp tới là 808 và 810 sẽ giúp mở các trường ánh sáng này rộng hơn.
Lệ thuộc vào tên lửa Nga, hàng chục phi vụ không gian của Mỹ bị đình hoãn
Từ lâu nay, việc đưa các đội phi hành gia của Cơ quan Hàng không - không gian Mỹ (NASA) lên Trạm không gian quốc tế ISS trên quỹ đạo Trái đất hoàn toàn phụ thuộc vào các động cơ tên lửa đẩy do Nga sản xuất. Bây giờ, khi Mỹ dẫn đầu phương Tây trừng phạt kinh tế Nga về vụ Matxcơva can dự vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine, phía Nga đang sẵn sàng cấm Mỹ xài tên lửa đẩy của mình.
Nếu Nga trả miếng như vậy, bất kể các thương vụ này đem lại bộn USD cho ngân sách Nga, NASA lâm vào tình cảnh chết dở sống dở. Lầu Năm Góc vừa báo cáo rằng hành động cấm Mỹ xài tên lửa của Nga sẽ khiến NASA phải đình hoãn tới 31 phi vụ không gian đã có kế hoạch và gây tổn thất tới 5 tỉ USD.
Hiện nay, Mỹ chỉ có thể lên không gian với động cơ tên lửa RD-180 do Nga sản xuất. Các tên lửa phóng vệ tinh Atlas 5 của Mỹ đều phải dùng động cơ Nga này.
Báo cáo của Lầu Năm Góc đưa ra danh sách 38 phi vụ, trong đó có 31 phi vụ cần phải đình hoãn tới 3 năm do thiếu động cơ tên lửa. Công ty mà Mỹ mua động cơ tên lửa này hiện có trong tay 16 động cơ, trong đó có 1 cái đã hứa cho một chương trình khác.
Với kịch bản dễ chịu nhất, Mỹ sẽ phải đình hoãn 9 phi vụ trong khoảng 2 năm, tốn kém 2,5 tỉ USD. Còn kịch bản tệ hại nhất là tới 31 phi vụ bị đình hoãn bình quân 3,5 năm, gây thiệt hại cho Mỹ hơn 5 tỉ USD.
Theo ủy ban của Bộ Quốc phòng Mỹ, việc chế tạo động cơ RD-180 "made in USA" cũng chẳng giúp được gì cho tình cảnh của NASA. Rút kinh nghiệm đau thương về sự phụ thuộc quá sâu vào nước ngoài như vậy, về lâu dài Mỹ cần cấp ngân sách cho dự án chế tạo động cơ tên lửa chung giữa NASA và không lực Mỹ. Động cơ mới này sẽ chạy bằng hỗn hợp khí oxygen/hydrocarbon hóa lỏng và loại bỏ sự lệ thuộc vào các linh kiện nước ngoài. Đáng buồn cho Mỹ là dự án này sẽ không thể bắt đầu sản xuất động cơ tên lửa cho tới năm 2016 và sẽ không giúp Mỹ sẵn sàng bay lên không gian cho tới năm 2022.
Có nhiều khả năng sắp tới các phi hành gia Mỹ sẽ phải thất nghiệp, ngồi dưới mặt đất ngóng cổ lên trời ngó các phi hành gia Nga tung tăng trên Trạm ISS!
PHẠM HỒNG PHƯỚC

Post a Comment

 
Top

Nhận xét mới đăng tải!

Loading…
X